Cần bảo đảm an toàn các hồ chứa nước

06:09, 29/09/2012
.

(QNg)- Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, đến cuối năm 2011 toàn tỉnh có 115 hồ chứa nước vừa và nhỏ, với tổng dung tích 119 triệu m3 nước. Năng lực tưới thực tế là 7.140 ha, đạt 61% so với thiết kế và phân bố rải rác ở 9 huyện (tập trung chủ yếu ở 2 huyện Đức Phổ và Bình Sơn).
 

TIN LIÊN QUAN


Phần lớn các hồ chứa nước nói trên được xây dựng vào những năm 1980 (chiếm hơn 70%) trong điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện thi công chưa đầy đủ nên chất lượng công trình chưa đạt yêu cầu. Công tác quản lý chất lượng, vận hành khai thác công trình còn nhiều bất cập; 60% số hồ có dung tích trữ dưới 1 triệu m3 đến nay vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa; rừng phòng hộ đầu nguồn các công trình thủy lợi bị biến động theo hướng giảm dần... nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố tại các hồ chứa trong mùa mưa lũ.

 

Đầu mối hồ chứa nước Liệt Sơn (Đức Phổ).
Đầu mối hồ chứa nước Liệt Sơn (Đức Phổ).


Để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã đề ra một số giải pháp khắc phục tồn tại, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và có sự tham gia của toàn thể cộng đồng, đặc biệt là đơn vị trực tiếp theo dõi, vận hành khai thác, bảo vệ công trình và các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Với các cụm công trình đầu mối (đập, cống, tràn xả lũ), cần theo dõi diễn biến các hiện tượng rò rỉ qua thân, nền, vai đập, lún nứt của đập, cống lấy nước, sạt mái đập... để duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các hư hỏng trước mùa mưa lũ. Trường hợp hư hỏng nặng cần phải lập phương án dự trữ nước hợp lý để đảm bảo an toàn công trình. Đối với các hồ chứa có dung tích lớn hơn 1 triệu m3 phải xây dựng phương án phòng chống lụt bảo riêng cho từng công trình, trong đó lưu ý đến việc bảo đảm an toàn cho dân cư vùng hạ lưu. Kiểm tra và chuẩn bị đủ khối lượng vật tư dự phòng theo phương châm "4 tại chỗ". Đối với hồ có dung tích lớn hơn 10 triệu m3 phải rà soát lại quy trình vận hành điều tiết để phù hợp với điều kiện thực tế có xem xét đến ảnh hưởng do biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và hạn chế ngập úng vùng hạ lưu khi gặp mưa lớn, mưa vượt tần suất thiết kế,...

Trong những trường hợp khẩn cấp phải xả nước hồ để tránh xảy ra sự cố, đơn vị quản lý khai thác phải kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét quyết định và thông báo cho tổ chức, nhân dân sống trong vùng hạ lưu biết để phòng tránh. Khi có mưa lũ xảy ra, phải phân công trực 24/24 giờ tại đầu mối công trình và các điểm xung yếu; thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã, huyện để phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ chứa.

Mùa mưa lũ đang đến gần, các đơn vị hữu quan và các địa phương trong tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa nước nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa lũ gây ra.


       Bài, ảnh: PV
 


.