Quyền của người tiêu dùng

09:07, 13/07/2012
.

(QNg)- Mua phải hàng hoá không đảm bảo chất lượng, thiếu định lượng, hàng nhái, hàng giả... đang là thực trạng khiến người tiêu dùng (NTD) lo lắng. Thế nhưng, hầu hết NTD đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" chứ ít có động thái để khiếu kiện nhà sản xuất. NTD cần biết rằng, quyền tiêu dùng của mình đã được pháp luật bảo vệ.
 

TIN LIÊN QUAN


Ngày 17/11/2010, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật đã thực sự trở thành "tấm lá chắn" hữu hiệu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NTD.

NỖI LÒNG BIẾT TỎ CÙNG AI

Chúng tôi đã làm một khảo sát nhỏ với 10 NTD, tất cả là phụ nữ, về quyền của mình thì ai cũng không biết mình có quyền gì. Ai cũng cho rằng, nếu chẳng may mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng thì NTD luôn chấp nhận phần thua thiệt về phía mình. Nguyên nhân là vì NTD không biết "kêu" ở đâu. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi), kể: "Nhiều lúc tôi đi chợ mua hàng về nhà mới phát hiện là hàng giả và đem trả lại nhưng người bán hàng trả lời dứt khoát là ở đây không nhận lại hàng đã bán. Có chỗ lại từ chối vì cho rằng hàng tôi mua không phải chỗ của cửa hàng họ. Rút kinh nghiệm, lần sau mua hàng tôi đòi hỏi hóa đơn hoặc giấy thanh toán hàng để đề phòng "bất trắc" xảy ra. Nhưng cũng chỉ có siêu thị hoặc cửa hàng lớn mới có...".

Cán bộ quản lý thị trường bắt một vụ vận chuyển sữa lậu.
Cán bộ quản lý thị trường bắt một vụ vận chuyển sữa lậu.


Còn bà Trần Thị Nhã (phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) thì mua hàng có hóa đơn và giấy bảo hành trong thời hạn có hiệu lực nhưng vẫn phải ấm ức chịu thua thiệt. Bà Nhã cho biết: "Cách đây hơn nửa năm, tôi có mua một máy lọc nước tại một đại lý điện máy lớn, với thời gian bảo hành 2 năm. Nhưng chưa được đầy tháng máy đã hỏng, phải vất vả lắm máy của tôi mới được chấp nhận bảo hành. Nhưng sau đó lại tiếp tục hỏng. Ấm ức trong lòng, tôi định làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng lại không rõ phải đến đâu và đi lại, chờ đợi bao lâu nữa nên đành bỏ cuộc".

Phần lớn các trường hợp tương tự cũng cho rằng, khi gặp sự cố với hàng hóa cũng đành chấp nhận "im lặng" mà không muốn đi kiện vì thấy quá nhiêu khê và mất nhiều thời gian. Theo kết quả khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD, có tới 62% NTD mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, số người khiếu nại ít hơn nhiều so với thực tế bị thiệt hại. Hầu hết NTD phải cam chịu thiệt thòi khi quyền lợi bị vi phạm. Do đó, trước khi vận động ý thức tự giác chấp hành của doanh nghiệp, NTD không được lơ là hay dễ dàng cho qua mà phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

QUYỀN CỦA NTD

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NTD có 8 quyền cơ bản, đó là: Quyền được thông tin; được giáo dục; được lắng nghe; được khiếu nại và bồi thường; được an toàn; được lựa chọn; được sống trong môi trường lành mạnh- bền vững và được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản. Luật còn quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với NTD; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.


Tuy nhiên, nếu người dân không nhận thức rõ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì hiệu quả của luật cũng sẽ không cao. Do đó, để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD có trách nhiệm lớn trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về bảo vệ NTD cho toàn xã hội. Từ đó, NTD có cơ hội tiếp cận với luật và thực thi quyền của mình. Ngoài ra, bản thân đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng phải nhận thức bảo vệ lợi ích NTD chính là bảo vệ lợi ích các DN làm ăn chân chính.

Ông Nguyễn An- Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng: NTD trên địa bàn tỉnh nên liên hệ với các cơ quan chức năng như: Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), Chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), Đội Quản lý thị trường ở các huyện, thành phố trong tỉnh để kiến nghị khi gặp phải "sự cố" về hàng hóa.


Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
 


.