Người tiêu dùng chung tay chống lạm phát

05:04, 29/04/2011
.

Sẽ là tín hiệu tốt khi NTD thực hiện quyền lựa chọn của mình một cách mạnh mẽ bằng cách quay lưng lại với những sản phẩm tăng giá vô lý

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 tăng 3,32%, lạm phát 4 tháng là 9,64%, mức tăng kỷ lục so với 3 năm gần đây. Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát. Và, nhìn ở góc độ người tiêu dùng thì họ có thể “chung tay” cùng Chính phủ giảm lạm phát thông qua quyền năng của mình.

Quyền năng của người tiêu dùng

 
Hãng Honda Việt Nam vừa tung ra thị trường phiên bản xe Air Blade mới, ngay lập tức, thị trường hơn 1 tuần qua có dấu hiệu “sốt”. Hầu hết đại lý của Honda đều bán xe mới này với giá chênh từ 10 đến hơn 15 triệu đồng/xe so với giá bán lẻ của nhà sản xuất, khiến không ít người tiêu dùng (NTD) bức xúc.

Không chấp nhận để cho các đại lý Honda “làm giá”, rất nhiều người đã chọn cách: không mua xe Air Blade nữa mà tìm mua loại xe khác có giá hợp lý hơn, vì rõ ràng các đại lý Honda đang “móc túi” NTD. Lựa chọn đó là hợp lý trong bối cảnh giá cả leo thang, nhiều mặt hàng đang bị đẩy giá theo kiểu “té nước theo mưa”. Sẽ là tín hiệu tốt khi NTD thực hiện quyền lựa chọn của mình một cách mạnh mẽ bằng cách quay lưng lại với những sản phẩm tăng giá vô lý.

Dư luận vẫn còn nhớ sau đợt tăng giá xăng dầu mới đây, rau quả ở Hà Nội đã tăng giá liên tục. Nghịch lý đã được chỉ ra là khi thời tiết đang thuận lợi, nguồn cung rau đang dồi dào, giá rau của nông dân rất rẻ nhưng tiểu thương ở các chợ lại tăng giá bất hợp lý. Rau đắt, NTD buộc phải giảm lượng dùng và tìm nhiều cách để có được nguồn hàng giá rẻ hơn. Điều này có hiệu quả ngay lập tức, tiểu thương khó bán hàng buộc phải giảm giá rau để tìm khách.

Đó là lương thực, thực phẩm. Còn với các mặt hàng khác cũng có những dấu hiệu làm giá mà NTD có thể nhận rõ. Cụ thể là hồi đầu năm 2011, khi mọi thứ chưa tăng thì giá thép xây dựng đã nhiều lần thay đổi với mức tăng rất mạnh. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, khi tất cả các mặt hàng vật liệu xây dựng khác tăng giá thì thép lại giảm. Nguyên nhân giảm giá không phải do chi phí giảm mà do khó bán hàng, buộc các nhà sản xuất thép phải giảm giá để tránh… tồn kho.

Ông Lê Xuân Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Vinalines Nha Trang cho biết: “Xăng tăng giá, chúng tôi cũng muốn tăng giá nhưng rất khó vì chúng tôi cần hàng hóa để chạy đội tàu, vì thế không thể tăng giá nhiều được. Trong năm nay, doanh nghiệp chúng tôi không đặt vấn đề lợi nhuận, mà cố gắng làm sao duy trì sản xuất, hoạt động bình thường để giữ chân người lao động”. Ông Nguyễn Đình Chung, Chủ tịch Tập đoàn vận tải Tasa Duyên Hải, Hải Phòng khẳng định: “Chúng tôi gần như không dám tăng giá vận tải cho dù giá xăng, dầu đã tăng”.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp bắt đầu có những nhận thức khá rõ, đó là khi giá cả tăng quá mức chịu đựng của NTD thì như một phản ứng tự nhiên, họ sẽ co kéo chi tiêu của mình để tiết kiệm. Quyền lực của NTD thể hiện rất rõ qua quyền đơn giản nhất là quyền lựa chọn hay từ chối.

Doanh nghiệp quên trách nhiệm

Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp (DN) đang thực hiện trách nhiệm vô cùng lớn đối với xã hội, đó là tạo việc làm, tạo thu nhập cho hàng triệu lao động, cung cấp hàng hóa cho hàng chục triệu NTD. Thế nhưng, có không ít vụ việc xâm phạm tới quyền lợi NTD mà trách nhiệm thuộc về DN, nhưng DN lại làm ngơ. Ví dụ như sữa không ngừng tăng giá, vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan, vụ Ngân hàng Vietinbank khởi công xây dựng tòa nhà 6 tầng trong khu vực đất dự án trường học ở TP HCM; vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, Nghệ An làm hàng chục người chết, hay vụ gần đây nhất là Toyota Việt Nam cho lưu hành 6,5 vạn xe chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. Vấn đề đặt ra là, khi DN đặt mục đích tối thượng là lợi nhuận lên trên hết thì quyền lợi của NTD vẫn bị bỏ quên.

Theo Tiến sĩ Trần Kim Hào, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, DN cần có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình, với NTD và với nền kinh tế. Để trách nhiệm ấy được phát huy không chỉ DN làm mà cả Nhà nước phải vào cuộc, trong đó Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước cần kiểm tra, kiểm soát quyết liệt và xử nghiêm những hành vi vi phạm quyền lợi của NTD, tránh tình trạng gian lận hoặc bao che.

Chỉ khi lợi ích của xã hội, của DN và NTD hài hòa, thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế./.

Theo Báo TNVN

.