Trên những nẻo đường nhân ái (kỳ 1)

09:12, 10/12/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", câu hát được ngân lên trong bài hát “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như thể là mạch nguồn gieo mầm yêu thương, sản sinh những hạt giống tâm hồn “thương người như thể thương thân” trong mỗi con người. Họ đến với mọi người bằng lòng nhân ái, từ sự mách bảo của con tim, dẫu cuộc sống gia đình họ vẫn còn bộn bề lo toan...
 
Kỳ 1: Hành trình của yêu thương
 
Lòng tốt vẫn luôn hiện hữu và tồn tại trong cuộc sống như một lẽ thường tình và gần gũi, là sợi dây vô hình dệt nên những câu chuyện đẹp về cuộc sống nghĩa tình của người dân quê hương núi Ấn - sông Trà.
Thiện nguyện từ trái tim
 
Gần 1 năm qua, bên cạnh chợ Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), hình ảnh chiếc xe ô tô với dòng chữ “Vận chuyển cấp cứu miễn phí 24/24 giờ. Hotline: 0913.645.115 - 02553.860.312” đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Cũng như bao chiếc xe cứu thương khác có nhiệm vụ vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế cứu chữa kịp thời, nhưng với chiếc xe cứu thương đặc biệt này lại có nhiều ý nghĩa lớn hơn. Bởi đây là “tài sản vô giá” do một nhà hảo tâm tài trợ và tám thành viên, là các tài xế, y tá ở địa phương góp tiền của, công sức để vận hành, cứu người. Họ sẵn sàng “nhận lệnh” bất kể mọi lúc, để kịp thời đưa những người ốm đau, tai nạn cơ nhỡ dọc đường ở Sa Huỳnh đến cấp cứu tại các bệnh viện trong khu vực từ Bình Định đến Đà Nẵng. Cái tên “Nhóm Ambulance Sa Huỳnh” cũng từ cơ duyên ấy mà thành.
 
Nhóm Abulance Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và chiếc xe cứu thương đã giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân. (Ảnh chụp vào tháng 2/2021)                                Ảnh: TRẦN CAO DUYÊN
Nhóm Abulance Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và chiếc xe cứu thương đã giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân. (Ảnh chụp vào tháng 2/2021) Ảnh: TRẦN CAO DUYÊN
Kể từ khi chiếc xe này lăn bánh, không ít lần các thành viên của Nhóm Ambulance Sa Huỳnh rơi nước mắt về những hoàn cảnh quá đỗi bất hạnh. Lật lại từng trang giấy ghi chép thông tin chuyến đi, anh Nguyễn Văn Lang - Trưởng Nhóm Ambulance Sa Huỳnh chia sẻ, mỗi chuyến xe chở người đi cấp cứu là một câu chuyện để lại những kỷ niệm, cảm xúc khó quên. Như chuyện về một cậu thanh niên bị tai nạn dọc đường được nhóm kịp thời đưa đi cấp cứu. Sau khi làm thủ tục nhập viện, bệnh nhân được điều trị và nói chuyện trở lại được thì cả nhóm mới hay chàng trai ấy mồ côi cả bố lẫn mẹ, cuộc sống quá nghèo khó.
 
 Hoàn cảnh đáng thương ấy đã làm các thành viên Ambulance Sa Huỳnh rơi nước mắt. Và nhóm đã tình nguyện quyên góp tiền lo viện phí, cũng như cử thành viên ở lại bệnh viện chăm sóc cho đến khi xuất viện.
 
“Sau những lần giúp đỡ các hoàn cảnh vượt qua khó khăn, tôi cảm thấy cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn và rồi từ khi nào không hay tôi trở thành cầu nối “trao duyên” cho các trường hợp nghèo khó”.
Bác sĩ VÕ THỊ BÉ

Hơn 10 năm ôm vô lăng chạy ngược xuôi, anh Phạm Trọng Bảo - thành viên của Nhóm Ambulance Sa Huỳnh nói rằng, niềm hạnh phúc lớn nhất là khi chuyến xe kịp thời đến bệnh viện và bệnh nhân được cứu sống. Còn những chuyến xe buồn là khi bệnh nhân quá nặng, bệnh viện trả về. Để người nhà nguôi ngoa phần nào nỗi buồn, các thành viên đã tìm đến chia sẻ.

 
“Làm việc có ích cho đời tôi thấy tâm mình thanh tịnh. Dẫu họ không máu mủ ruột rà gì với mình nhưng sau mỗi chuyến xe tôi như có thêm một gia đình, có thêm những người thân yêu. Thật tâm, tôi không mong đợi thực hiện những chuyến xe miễn phí và nhóm không còn tiếp nhận những cuộc gọi đưa người đi cấp cứu nữa. Tôi chỉ mong mọi người được bình an. Đó mới là hạnh phúc lớn nhất của nhóm”, anh Bảo chia sẻ.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Lê Minh Phụng, gần 1 năm qua, nhóm đã thực hiện khoảng 100 lượt vận chuyển người ốm đau, tai nạn đến bệnh viện. Không chỉ vậy, nhóm còn thực hiện chương trình “Mỗi năm xây mới một ngôi nhà” cho các hộ gia đình khó khăn ở địa phương, hiện đã đóng góp hơn 60 triệu đồng xây dựng hoàn thành ngôi nhà đầu tiên cho bà Bùi Thị Nguyện (71 tuổi), một mình nuôi 3 đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học.“Với tấm lòng nhân ái, Nhóm Ambulance Sa Huỳnh đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực vì cộng đồng. Đây là những việc làm cao đẹp, cần được nêu gương, nhằm tiếp tục lan tỏa, phát huy những giá trị nhân văn trong cộng đồng”, ông Phụng bày tỏ.
 
"Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
 
Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả, nhưng anh Nguyễn Hữu Tân - hội viên Hội Đông y huyện Sơn Tịnh, vẫn luôn dành thời gian để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, nhất là hỗ trợ cứu chữa những hoàn cảnh khó khăn. Bằng kiến thức của mình, anh Tân còn bào chế ra nhiều loại thuốc nam để tặng cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhiều bệnh nhân khỏi bệnh. 
 
Bên cạnh đó, nghe tin ở đâu có người cần giúp đỡ, anh Tân lại tìm đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ thông tin về hoàn cảnh ấy trên mạng xã hội, để kết nối sự trợ giúp của mọi người. Như một hoàn cảnh ở TX.Đức Phổ, bị tai nạn nằm một chỗ suốt nhiều năm. Khi biết mình không thể qua khỏi, người ấy mong muốn mọi người hỗ trợ cho mẹ mình một con bò để nuôi, giúp bà vực dậy cuộc sống trong những năm tháng còn lại. Biết tin, anh Tân đã đứng ra kêu gọi và trao tặng điều ước ấy cho người mẹ ấy.
 
Trong thời gian qua, anh Tân đã kêu gọi được hơn 2 tỷ đồng, giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp kém may mắn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. “May mắn nhất là trên hành trình thiện nguyện của tôi là có rất nhiều trái tim có cùng chung nhịp đập. Dẫu biết mỗi người là mỗi hoàn cảnh, là mỗi câu chuyện riêng nhưng nếu làm được cho đời điều tốt đẹp thì mình sẽ làm. Sống là cho đâu chỉ giữ riêng mình...”, anh Tân tâm sự.
 
Còn với bác sĩ Võ Thị Bé - Trưởng trạm Y tế xã Hành Trung (Nghĩa Hành), hành trình làm việc thiện như một cái duyên, xuất phát từ lòng yêu thương, sự mách bảo của trái tim. Một buổi chiều hơn 10 năm trước, trên đường đi làm về, bác sĩ Bé bắt gặp một cháu gái khoảng 10 tuổi đi lang thang ngoài đường khóc nghêu ngao, tinh thần hoảng loạn. Thấy người lạ đến gần cháu bé bỏ chạy hoặc khóc toáng lên. Với kinh nghiệm của một người mẹ và kiến thức học được, bác sĩ Bé “đoán ra bệnh” và nhẹ nhàng tiến lại gần thăm hỏi. Phải mất khá nhiều thời gian bé gái mới thôi khóc, nhưng hỏi gì cháu cũng không nói. Không thể để cháu ngoài đường khi trời sắp ngả về đêm, ngoài báo chính quyền địa phương, chị Bé đã quyết định đăng tải hình ảnh lên trang Facebook cá nhân. Thông qua bạn bè kết nối chia sẻ, khoảng 1 giờ sau người nhà cháu gái đã đến đưa về.
 
Trong căn nhà cũ ở xã Hành Trung, chị Nguyễn Thị Bằng ôm cậu con trai nhỏ vào lòng nở nụ cười hạnh phúc nói: “Tôi là mẹ ruột sinh ra con mình, nhưng bác sĩ Bé lại là người mẹ thứ hai của con tôi. Không có bác sĩ, tôi không biết giờ con mình sẽ như thế nào”. Ngày chị Bằng hạ sinh con trai trong niềm vui cũng là ngày chị bàng hoàng khi bác sĩ thông tin con mình bị khuyết hậu môn. Trong khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có đủ 40 triệu đồng để lo chi phí phẫu thuật. Biết sự tình gia đình chị Bằng, bác sĩ Bé đã đứng ra kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ.
 
Bác sĩ Võ Thị Bé - Trưởng trạm Y tế xã Hành Trung (Nghĩa Hành), luôn đồng hành, chăm lo sức khỏe cho những cụ già neo đơn, khó khăn.                         Ảnh: M.Duyên
Bác sĩ Võ Thị Bé - Trưởng trạm Y tế xã Hành Trung (Nghĩa Hành), luôn đồng hành, chăm lo sức khỏe cho những cụ già neo đơn, khó khăn. Ảnh: M.Duyên
Sau những việc làm ấy, cái duyên giúp đỡ người khác đã gắn với bác sĩ Bé. Điều đặn hơn 8 năm qua, bác sĩ Bé đã sẻ chia và kết nối vận động hàng nghìn nhu yếu phẩm và gần 1 tỷ đồng tiền mặt để hỗ trợ cho các hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật, khó khăn.
 
Tấm lòng nhân hậu của chàng trai khuyết tật  
 
Từ khi sinh ra, anh Quảng Đình Hậu, ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi),  đã sống thiếu tình thương của cha mẹ, lại còn bị khuyết tật vận động. Tuổi thơ anh gắn liền với những cơn đau nhức hành hạ, khi muốn di chuyển, anh phải học cách chịu đựng đau đớn để tập đi. Hình ảnh chàng trai ngồi trên chiếc xe lăn bán vé số di chuyển khắp nẻo đường ở TP.Quảng Ngãi đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
 
Không chỉ mưu sinh kiếm sống, anh Hậu còn luôn góp sức giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh, thành phố phía nam và Quảng Ngãi thời gian qua, anh Hậu đã không quản ngại khó khăn vất vả, tham gia cùng các nhóm thiện nguyện chung tay nấu ăn, phát quà cho người nghèo. Đi xin sự hỗ trợ của nhiều người, rồi anh Hậu mua rau ủng hộ cho các khu cách ly. Hình ảnh anh Hậu với đôi tay co quắp, chân bước thấp bước cao mang thùng quyên góp in dòng chữ “Hỗ trợ cho Sài Gòn” khắp các tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi, khiến nhiều người xúc động.
 
“Trước đây, tôi thường sống thu mình, mặc cảm số phận, nhưng khi được nhiều người dang tay sẻ chia, đã giúp tôi thay đổi suy nghĩ, sống tích cực hơn. Tôi muốn góp chút tấm lòng của mình cho xã hội. Đôi khi chỉ có thể san sẻ chút tiền mặt hay bó rau, ký gạo đến với những người khó khăn, nhưng chính những điều nhỏ nhoi ấy lại là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi”, anh Hậu bộc bạch.
 
L.ĐỨC - M.DUYÊN - P.DANH
--------------
Kỳ 2: Nặng lòng với quê hương
 
 
 
 
 
 

.