Trọn vẹn tình thân

03:10, 20/10/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Thương số phận chị gái, người em chọn cuộc sống độc thân, gánh vác trách nhiệm cùng gia đình và chăm sóc chị. Thấm thoắt đã gần cả thế kỷ, bây giờ hai chị em đều như ngọn đèn lay lắt trước gió, cô quạnh với cảnh đơn chiếc. Một người cháu đã đón hai cụ về nuôi dưỡng và chăm sóc trong suốt phần đời còn lại. Tình thân giữa các thế hệ nối tiếp trong một gia đình ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) làm nhiều người cảm động trước nhịp sống vội vã hiện nay.
 
[links()]
 
...........
 
 
Hai chị em, một đời cô quạnh
 
Cụ Nguyễn Thị Ngự, 92 tuổi và cụ Nguyễn Thị Chế, 89 tuổi, là hai chị em ruột lần lượt trong một gia đình đông con ở thôn Xuân Yên Tây, xã Bình Hiệp (Bình Sơn). Ngày nhỏ, trong một lần sơ ý do ong đốt, cụ Ngự bị thương nặng ở chân đến tật nguyền. Chính điều này khiến cho cụ Ngự e ngại trong lập gia đình. Thương cho số phận của chị, cụ Chế chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân, ở vậy đỡ đần gia đình và nuôi chị.  
 
Cả một đời, cụ Chế chẳng đi đâu xa ra khỏi địa phương, chỉ quanh quẩn bên chị như lời đã hứa với lòng. Hằng ngày, cụ làm ruộng, ai thuê gì làm nấy, kiếm tiền nuôi chị, lúc nông nhàn thì phụ giúp cha mẹ, con cháu mà chẳng hề than vãn, ngại khó, ngại khổ. 
 
Cụ Chế (bên trái) và cụ Ngự (bên phải).
Cụ Ngự (bên trái) và cụ Chế (bên phải)
 
Căn nhà cũ kỹ, nơi cụ Ngự và cụ Chế một đời gắn bó.
Căn nhà cũ kỹ là nơi cụ Ngự và cụ Chế một đời gắn bó.
 
Khi đấng sinh thành lần lượt qua đời, các cụ sống với nhau trong căn nhà nhỏ trên phần đất cha mẹ để lại. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng có sức khỏe nên vẫn an vui. Tình cảm ruột thịt giữa hai cụ đã làm vơi đi nỗi bất hạnh của mỗi người, nương tựa vào nhau mà đi qua hết thăng trầm của một đời người cô quạnh.
 
“Với bao nỗi lo mưu sinh đè nặng trên đôi vai, đến khi ngẩng lên nhìn lại, cụ Chế đã ở bên chị gái một đời trọn vẹn nghĩa tình, trọn đạo thảo hiếu với cha mẹ. Đức hy sinh của cụ, ở đây ai cũng biết và rất quý trọng”, bà Nguyễn Thị Tâm, 64 tuổi, một người hàng xóm, cho hay.
 
Khoảng nhiều năm trở lại đây, khi tuổi đã cao, đời sống hai cụ hết sức khó khăn. Gian bếp không mấy khi đỏ lửa do ăn uống thất thường, bữa có, bữa thiếu. Nhiều hôm phải ăn cơm nguội nấu trong nhiều ngày, lúc đau ốm không có thuốc thang kịp thời.
 
Căn nhà nhỏ cũ kỹ trên phần đất cha mẹ để lại đã xuống cấp và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Những hôm trời nắng, ánh sáng soi vào tận mặt, trời mưa thì dột nát. Đồ đạc sơ sài, không có gì đáng giá. Lo lắng nhất là vào mùa mưa bão, hai cảnh già nằm co ro, run rẩy trong ngôi nhà mà lòng đầy những thấp thỏm, lo âu…
 
Vào mùa mưa bão 2020, một phần căn nhà của hai cụ ở phía sau bị đổ sập. Cụ Chế trong một lần sơ ý bị trượt té, gãy chân. Nhìn cảnh em gái nằm liệt giường, cụ Ngự không đành lòng, cố gượng dậy để lo cho em nhưng đành bất lực.
 
Lòng hiếu nghĩa của người cháu
 
Xót thương cho hoàn cảnh của hai cụ, một người cháu gọi hai cụ là cô ruột- ông Nguyễn Trung Lực, 59 tuổi, nhà cách đó khoảng 4km đã mang hai cụ về chăm sóc, phụng dưỡng đến bây giờ.
 
Trong ngôi nhà vừa mới xây lại cách đây không lâu, ông Lực dành hẳn một không gian rộng rãi làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt cho hai cụ, xem hai cụ như thể cha mẹ ruột. Mọi việc từ dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước đều do ông gánh vác. Các con, cháu ông ở gần, ngày nào cũng thay phiên nhau để phụ giúp hai cụ tắm rửa, vệ sinh cá nhân hằng ngày. 

“Hai cụ là hộ nghèo ở địa phương, hoàn cảnh rất đáng thương. Chính quyền địa phương cũng đến nhà thăm hỏi, động viên thường xuyên, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, Tháng hành động vì Người cao tuổi, để tuổi già của hai cụ an vui phần nào. Tuy nhiên, bây giờ các cụ đã lớn tuổi, lại đau ốm thường xuyên, chi tiêu của hai cụ phụ thuộc vào khoảng tiền trợ cấp ít ỏi chưa đầy một triệu và cần đến sự giúp đỡ để các cụ sống tốt hơn trong phần đời còn lại”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp NGUYỄN XUÂN HIỀN

“Tôi luôn dặn dò con cháu trong nhà, làm người phải luôn biết 5 chữ “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Với cha mẹ phải biết hiếu thảo, với người thân phải biết hiếu nghĩa, kính trọng và yêu thương. Bà Chế và bà Ngự tuy chẳng phải bà nội ruột của các con nhưng cũng là những người thân của gia đình mình. Các con hãy san sẻ phần nào tình thương vốn dĩ dành cho cha mà chia sẻ lại cho bà, để các bà cảm nhận được hương vị của tình thân gia đình, được sưởi ấm tinh thần mà sống an vui hơn trong phần đời còn lại”, ông Lực chia sẻ. 

 

Trước hoàn cảnh khó khăn của hai cụ, ông Lực đã đón hai cô về phụng dưỡng, chăm sóc tại nhà
Trước hoàn cảnh khó khăn của hai cụ, ông Lực đã đón hai cô về phụng dưỡng, chăm sóc tại nhà
 
Trước đây, gia đình ông Lực cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vợ mất sớm, một tay ông chăm lo cho 5 người con ăn học, trưởng thành. Các con ông có được như ngày hôm nay, không còn những vướng bận lo toan, ông chẳng bao giờ quên được những ngày tháng gian khổ nhất mà mình trải qua, có sự hỗ trợ, giúp đỡ của hai cụ.
 
Ông Lực trải lòng: Thương tôi gà trống nuôi con ăn học vất vả, trong những năm tháng tha hương nơi xứ người để lo cho cháu lớn học đại học, thỉnh thoảng các cô qua nhà phụ giúp tôi trông coi, chăm sóc các cháu nhỏ ở quê. Thấy hoàn của các cô bây giờ, tôi chẳng thể làm ngơ. Các cô đã một đời vất vả để lo cho gia đình, giúp đỡ con cháu. Dù cực khổ, vất vả dường nào cũng phải chăm sóc, nuôi dưỡng, không thể nào còn con cháu trong họ mà phải gửi cô đến các trung tâm nuôi dưỡng, phó thác trách nhiệm cho cộng đồng, xã hội ”.
 
Từ nhà dưới, giọng hai cụ cứ chốc lát lại gọi tên ông Lực. Từ ngày có hai cụ về ở, đi đâu ông cũng bất an nên suốt ngày trực ở nhà, phòng khi “trái gió, trở trời” các cụ có việc gì cần thì có mặt kịp thời. 
 
“Bây giờ tuy vẫn còn nhớ về ngôi nhà cũ một đời gắn bó của hai chị em, với biết bao kỉ niệm. Thế nhưng, ở dưới này có con cháu nuôi dưỡng, chăm sóc, tôi an tâm hơn, vơi đi bớt nỗi sợ hãi của tuổi già, nhất là mùa mưa bão cũng đang cận kề. Già rồi, lại không con cái, bây giờ chỉ biết trông vào thằng Lực”, cụ Ngự bày tỏ. 
 
Trước nhịp sống hiện nay, tình cảm yêu thương, đức hy sinh của một người em dành trọn một đời chăm lo cho chị gái, một người cháu sẵn sàng gác lại niềm vui tuổi già để phụng dưỡng các cô đã nhân lên những giá trị truyền thống tốt đẹp của tình thân trong những gia đình ở làng quê. 
 
Bài, ảnh: THIÊN HẬU

.