Giếng trơ đáy, lúa cháy khô ở thị xã Đức Phổ

09:07, 13/07/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Nắng hạn kéo dài khiến người dân tại nhiều khu dân cư trên địa bàn thị xã Đức Phổ đang phải khổ sở vì "khát" nước sinh hoạt và đối diện nguy cơ mất mùa bởi đồng khô, giếng cạn. Trước tình hình này, thị xã Đức Phổ đã chi 2 tỷ đồng để khoan giếng, tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. 

TIN LIÊN QUAN

Giếng nước khô cạn

Một giếng nước sâu 15m ở xóm 1, thôn Diên Trường cạn trơ đáy.
Một giếng nước sâu 15m ở xóm 1, thôn Diên Trường đã khô cạn.

Trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về xóm 1, thôn Diên Trường để thấm cảnh thời tiết cực đoan đang “uy hiếp” cuộc sống của người dân nơi đây. Nắng nóng khắc nghiệt kéo dài, giếng nước khô cạn, mọi sinh hoạt hằng ngày của các gia đình nơi đây càng thêm bức bách vì không đủ nước sạch sử dụng. 

Theo người dân, để có nước sinh hoạt, những gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong xóm hàng ngày phải chia phiên nhau, dùng xe máy chạy 5-6km để xin nước về sử dụng. Còn gia đình nào có điều kiện hơn thì mua nước với giá 150.000 đồng/m3. 

Gia đình bà Lê Thị Kiện (60 tuổi), là một trong những hộ nghèo ở xóm 1. Bà Kiện cho rằng, mấy năm trước phải đến tháng 4, tháng 5 mới bắt đầu mùa hạn, thế nhưng năm nay, hạn đến sớm từ cuối tháng 2, nên qua tháng 6, tháng 7 thì nước đã cạn khô đáy. Cả 6 tháng liền, ở vùng đất khô hạn này không có lấy một giọt mưa nên chúng tôi phải xách thùng đi 5-6km để xin nước về dùng, nhà nào có điều kiện hơn thì thuê xe chở nước đến, tính giá 150 nghìn đồng/m3 nước".  

Gia đình vợ chồng bà Lê Thị Dưỡng, ở xóm 1 cứ khoảng 3 ngày bà lại phải bỏ ra 150 nghìn đồng để mua  1m3 nước về sử dụng. Mỗi khối nước chỉ đủ dùng trong 3 ngày, như nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng nhưng phải tiết kiệm, nước mua chỉ để nấu ăn, nấu uống, còn tắm giặc thì lấy nước ở hồ Diên Trường, hồ nước này chủ yếu phục vụ cho gia súc, gia cầm, ruộng đồng thì nay cũng phải dùng cho sinh hoạt". 

Theo người dân ở đây, giá 150 nghìn đồng/m3 nước, tức cao hơn chục lần so với giá nước tại TP.Quảng Ngãi, thế nhưng ở vùng khô hạn này, nhiều nhà muốn mua cũng chưa chắc đã có, vì nguồn nước đang khan hiếm, nhiều vùng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn thì không thể lấy nước. Trong khi đó, đường từ đây đến nơi có nước để lấy chở về quá xa, gần 7km; đồng thời phải mua cả dây dẫn, đường ống, thuê người đào chôn lấp, những người vận chuyển nước đã tính cả rồi nên giá mới cao như vậy. Nhưng người dân nếu không mua nước thì lấy đâu để dùng. 

Công việc khoang giếng đang được gấp rút thực hiện để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở xóm 1, thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh.
Công việc khoang giếng đang được gấp rút thực hiện để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở xóm 1, thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, xóm 1, thôn Diên Trương là vùng bị hạn nặng nhất ở địa phương, với 60 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đến thời điểm này, ngoài những hộ nghèo như gia đình bà Nguyễn Thị Kiệm, thì gần như đại đa số gia đình xóm này phải đi mua nước sinh hoạt để sử dụng. 

Trước tình hình nắng hạn đang diễn ra gay gắt, UBND thị xã Đức Phổ vừa quyết định chi gần 2 tỷ đồng tiền ngân sách để triển khai khoan giếng, tìm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Riêng đối với xã Phổ Khánh dự kiến được khoan 5 giếng. Hy vọng việc khoan giếng được thuận lợi (trúng mạch ngầm), để có nước cho người dân sử dụng.

Ruộng lúa cháy khô

Rời xóm 1, chúng tôi về xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ. Nắng nóng gay gắt kéo dài suốt nhiều tháng nay nên xã Phổ Cường chỉ lên kế hoạch sản xuất 71ha trong số 925ha diện tích lúa hè thu. Song, vào vụ, nước tại các hồ đập trên địa bàn cạn kiệt nên nhiều diện tích lúa cháy khô, nông dân lâm vào cảnh mất trắng. 

Nhiều nông dân ở xã Phổ Cường giờ chỉ biết thở dài nhìn ruộng lúa chết khô. Một số người dân đã cắt lúa cho bò ăn. Không ít hộ dân “bấm bụng” bỏ tiền triệu đóng giếng cứa lúa nhưng cũng ngậm đắng vì giếng đã cạn nước, không có nước tưới. 

Bà Nguyễn Thị Tường ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường thẩn thờ bên 3 sào lúa bị chết cháy do thiếu nước.
Bà Bùi Thị Thanh Xuân ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường thẩn thờ bên 3 sào lúa bị chết cháy do thiếu nước.


Không có nước, 3/6 sào ruộng của gia đình bà Bùi Thị Thanh Xuân, thôn Nga Mân phải bỏ hoang ruộng, cánh đồng khô cháy, cái nắng như đổ lửa khiến cho mùi khét lại càng nồng hơn. Trên đám ruộng này, cách đây 2 tháng, bà Xuân đã làm đất, đốt ruộng để chuẩn bị canh tác, thế nhưng chờ mãi không thấy có một giọt nước nào, kênh dẫn nước khô cạn, bà đành chấp nhận bỏ ruộng. 

“Ngoài 3 sào ruộng bỏ hoang, tôi còn 3 sào đã xuống giống hồi tháng 5 và đang lên cây non nhưng gờ cũng không có nước tưới. Gia đình có đóng giếng 2 cái giếng khoang để “chữa cháy” nhưng cũng không ăn thua, tấc cả các giếng khoang trong thôn đều đã cạn nước, thành ra lúa cháy đen dần, muốn cắt cho bò ăn cũng không được”, bà Xuân thở dài. 

Không chỉ diện tích lúa vụ hè thu bị khô hạn mà nhiều diện tích dưa hấu, đậu phụng được coi là cây trồng chống hạn hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, thời điểm này, hàng chục ha diện tích đậu phụng ở xã Phổ Cường đang rơi vào cảnh mất mùa, chết non. Một số hộ dân chấp nhận thu hoạch sớm, với hy vọng vớt vát được hạt nào mừng hạt đó. 

Gia đình chị Nguyễn Lộc Thảo, thôn Nga Mân trồng 10 sào đậu nhưng hiện tại đã hư đến 50%, cây đậu phụng có hiện tượng rục lá, thối gốc, chậm phát triển, củ ít hạt vì không có đủ nước tưới. Chị Thảo cho biết: "Tính để thêm 2 tuần nữa mới thu hoạch, để đậu già thêm, nhưng giờ giếng khoan cũng cạn nước, nên phải thu sớm".

Không có nước, hai bên cánh đồng tuyến kênh chính đều khô cháy
Không có nước, hai bên cánh đồng tuyến kênh chính đều khô cháy

Ông Võ Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết, toàn xã hiện có 15.000 nhân khẩu, ít nhất có trên 3.000 giếng khoan, giếng đào, trong đó sử dụng cho cả sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng. Thế nhưng, hiện tại đã có đến hơn 70% giếng đã khô cạn nước, hồ Liệt Sơn vốn là hồ chứa nước lớn nhất của thị xã Đức Phổ cũng đã phải cắt nước từ đầu mùa, vì địa bàn xã Phổ Cường xa, trong khi nước hồ ít không thể dẫn tới về Phổ Cường". 

Thực tế đang có 1.300ha đất lúa không thể gieo sạ, trong đó 1.000ha đã bỏ vụ, 300 ha chuyển đổi cây trồng nhưng thiếu nước nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Qua kiểm tra, địa bàn 2 xã Phổ Khánh, Phổ Cường và phường Phổ Thạnh là những địa phương đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nặng nhất, hàng chục ha cây trồng vụ hè thu có nguy cơ mất trắng.

Để giải quyết tình trạng này, thị xã Đức Phổ đã chi tiền ngân sách khoan giếng. Tại nhiều vị trí phải khoan sâu 30-40m mới có nước, thậm chí nhiều vị trí khoan không có nước", Phó Phòng Kinh tế thị xã Đức Phổ Bùi Một cho biết. 

Bài, ảnh: Thủy Tiên

 

 
 

.