Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Bộc lộ những bất cập

10:11, 29/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn một năm, kể từ ngày Dự án cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi qua địa bàn huyện Tư Nghĩa triển khai thi công, đến nay đã bộc lộ những bất cập khiến sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Dân mất đường đi, ruộng nguy cơ bỏ hoang

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn huyện Tư Nghĩa đi qua 4 xã gồm Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền, Nghĩa Trung và Nghĩa Thương với chiều dài hơn 12,4 km. Trong đó, đường cao tốc 5,73km và đường nối cao tốc với Quốc lộ 1 dài 6,7km. Khi nền đường cao tốc cơ bản hoàn thành, thì phát sinh những bất cập làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo thống kê của UBND huyện Tư Nghĩa, toàn tuyến qua địa bàn huyện lộ ra hàng chục điểm bất cập liên quan đến đường đi, các điểm đấu nối với đường gom, hệ thống cống thoát nước... Cụ thể, đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Thương, quá trình thi công đắp nền đường quá cao, dẫn đến nhiều diện tích đất trồng lúa hai bên đường không có đường nhánh để người dân vận chuyển máy móc, vật tư vào đồng ruộng. Đồng thời, quá trình thi công đã đào mất tuyến kênh thủy lợi dẫn nước tưới cho hơn 10ha đất trồng lúa ở cánh đồng Trà Bộ, khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng.

 

Hơn 10ha đất trồng lúa ở cánh đồng Trà Bộ có nguy cơ bỏ hoang do hệ thống kênh dẫn nước không còn.
Hơn 10ha đất trồng lúa ở cánh đồng Trà Bộ có nguy cơ bỏ hoang do hệ thống kênh dẫn nước không còn.


Ông Nguyễn Mậu Đông- Giám đốc HTXNN La Hà, Nghĩa Thương cho biết, trước đây hệ thống kênh mương thủy lợi N12 là tuyến kênh chính phân phối nước cho các tuyến kênh nội đồng. Thế nhưng, do đường cao tốc thi công cắt đôi cánh đồng, nên tuyến kênh nằm ở phía nam và lấp mất hệ thống kênh phụ, dẫn đến 10ha đất trồng lúa phía bắc đường bị “cô lập”. Nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ đông xuân có thể xảy ra.

“Chúng tôi đã có kiến nghị với lãnh đạo huyện, trong đó đề nghị làm các bậc cấp dọc theo triền đường để người dân đưa nông sản, máy móc xuống đồng. Đồng thời, phải làm tuyến kênh mới dẫn nước về để phục vụ sản xuất. Hiện nhà thầu đã tiến hành thi công và hứa đến 30.11 sẽ hoàn thành, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa có gì. Người dân rất lo, bởi vụ sản xuất mới sắp bắt đầu rồi”, ông Đông nói.

Không chỉ có đồng ruộng, trên tuyến cao tốc còn xuất hiện một bất cập khác là rất nhiều hộ dân đang bí đường đi lại. Từ khi thi công đường cao tốc, việc đi lại của 12 hộ dân ở thôn Điền An rất khó khăn. Ông Lê Văn Tích, một trong những hộ dân cho biết, quá trình thi công nhà thầu đắp đất nền đường quá cao, trong khi nhà dân ở sát bờ ta luy nên việc đi lại, sinh hoạt hết sức khó nhọc.

Tương tự là tình trạng có nhà, nhưng không có lối đi của người dân thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ. Các trường hợp bị mất lối đi là do quá trình thu hồi đất thực hiện dự án, thì đường đi nằm trong phần đất buộc phải thu hồi để thi công. Trong khi đó, đơn vị triển khai làm đường cao tốc, nhưng không làm đường dân sinh. “Mấy tháng nay gia đình tôi phải đi ké, trời mưa thì khó khăn. Nhà nước cần sớm làm đường để dân chúng tôi đi lại thuận tiện”, bà Huỳnh Thị Phận, ở thôn An Hội Bắc 2 nói.

Sẽ đề nghị chủ đầu tư giải quyết

Không chỉ xảy ra những bất cập nêu trên, mà đoạn qua địa bàn xã Nghĩa Trung tình trạng “gần nhà xa ngõ” cũng khiến người dân bức xúc. Người dân đề nghị cần phải làm nhiều đường gom hơn để thuận tiện trong việc đi lại.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết đã đi kiểm tra thực tế hiện trường. Hầu hết các kiến nghị của người dân là xác đáng và đúng với thực tế. “Chúng tôi đã làm việc với nhà thầu là Công ty Possco E&C và chủ đầu tư là Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam và đề nghị khắc phục những bất cập ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, ông Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, đối với tình trạng ngập úng và nước tràn vào nhà dân ở thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền, trước mắt Ban Quản lý Dự án đường cao tốc cho rằng, nền đường đã làm xong và không xác định được mực nước lũ, ngập úng vào mùa mưa, nên chưa có đủ cơ sở để làm hệ thống thoát nước bổ sung. Do đó, huyện sẽ đề nghị Bộ GTVT đánh giá lại thủy văn ở khu vực ngập úng và sẽ có biện pháp khắc phục.

“Về tình trạng không có đường đi, trước tiên đối với các hộ dân thôn An Hội Bắc 2, huyện sẽ đề nghị chủ đầu tư mở đường gom ở phía tây tuyến cao tốc để đảm bảo người dân đi lại an toàn. Đối với 12 hộ dân có nhà sát bờ ta luy đường, huyện đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh độ cao trong quá trình thi công đường gom. Đối với những bất cập khác huyện sẽ tiếp tục kiến nghị chủ đầu tư, nhà thầu khắc phục để đảm bảo hoạt động đi lại, sản xuất của người dân thuận tiện nhất”, ông Thành khẳng định.

Bài, ảnh: L. ĐỨC

 


.