Nguồn vốn vay cho thanh niên: Bất cập cần tháo gỡ

02:05, 30/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ nguồn vốn ủy thác do đoàn thanh niên quản lý, nhiều ĐVTN trong tỉnh đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.  Tuy nhiên, những bất cập còn tồn tại đã khiến các mô hình sản xuất – kinh doanh gặp nhiều khó khăn khi triển khai.

Trợ lực cho thanh niên

Sau nhiều năm tích cóp vốn liếng, năm 2010 anh Lê Văn Chuẩn (36 tuổi, ở thôn An Tĩnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức) đã mạnh dạn đầu tư số tiền 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi gà, heo. Kinh tế gia đình còn khó khăn nên anh Chuẩn đã vay 20 triệu đồng thông qua kênh Đoàn thanh niên xã Đức Thắng. Cùng với ít vốn liếng dành dụm được, anh Chuẩn bắt đầu nuôi 1.000 con gà và 20 con heo. Ngoài ra, anh còn trồng ớt, nuôi bò. Tính ra mỗi năm, anh Chuẩn thu về không dưới 50 triệu đồng. Với thanh niên quyết bám đất, bám làng quê để mưu sinh thì thu nhập như vậy cũng là rất khá.
 
Anh Lê Văn Chuẩn (ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức) chăm sóc vườn ớt của gia đình.
Anh Lê Văn Chuẩn (ở xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức) chăm sóc vườn ớt của gia đình.

Thông qua các kênh vay vốn ưu đãi mà nhiều gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế.

Mô hình trại sản xuất nấm của chàng trai Đinh Quang Hiếu (25 tuổi, ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) cũng đã phát huy hiệu quả, trong đó có sự đóng góp từ nguồn vốn được vay được Đoàn thanh niên tín chấp. Tháng 4.2014, Hiếu bắt đầu trồng thử nghiệm 100 bao phôi nấm linh chi và kết quả thu được rất khả quan. Đến tháng 7.2014, Hiếu tiếp tục nhân lên 1.000 bao phôi nấm, rồi sau đó lên 12.000 bao phôi nấm. Cứ khoảng 50 bao phôi nấm linh chi sẽ thu được 1kg nấm khô. Có thời điểm, giá nấm linh chi trên thị trường duy trì ở mức 800 nghìn - 1 triệu đồng/kg đối với loại nấm khô. Mỗi năm Hiếu thu về khoảng 200 triệu đồng.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn, tổng dư nợ ủy thác do Đoàn thanh niên quản lý tính đến hết năm 2014 là gần 230 tỷ đồng, với trên 11 ngàn hộ thanh niên được vay vốn. Tổng số tổ tiết kiệm và vay vốn còn dư nợ ở thời điểm này là 358 tổ. Phần lớn nguồn vốn vay đều được ĐVTN sử dụng hiệu quả. Nhờ nguồn vốn này, không ít thanh niên trên địa bàn tỉnh có vốn để thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình, trong đó nhiều trường hợp vươn lên làm giàu ngay chính trên quê hương mình.

Vốn vay còn “eo hẹp”

Từ sự tiếp sức của nguồn vốn vay, nhiều thanh niên đã và đang biến giấc mơ làm giàu trên chính quê hương mình trở thành hiện thực. Họ đã làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc và sức lao động của chính mình. Song, không hẳn con đường để biến giấc mơ ấy thành hiện thực luôn thuận lợi. Anh Đinh Quang Hiếu chia sẻ: “Mặt bằng để mở rộng mô hình trồng nấm linh chi của mình luôn sẵn sàng. Tuy nhiên, mình không thể đầu tư thêm, vì nguồn vốn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, với số vốn được vay từ kênh của Đoàn thanh niên như hiện nay khó đáp ứng để phát triển mô hình. Bởi với 20 - 30 triệu đồng, thì chẳng thấm vào đâu với số vốn dự kiến đầu tư cả trăm triệu đồng”.

Trên thực tế, nhu cầu vay vốn là rất lớn trong khi nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên. Bên cạnh đó, thanh niên có nhu cầu vay vốn cần có tài sản thế chấp hoặc hoạch định được kế hoạch phát triển kinh tế của mình để đảm bảo yêu cầu cho vay của ngân hàng. Tuy nhiên, đối với thanh niên nông thôn, làm được một “đề án” để chứng minh hiệu quả của các mô hình sản xuất - kinh doanh với ngân hàng là điều chẳng dễ dàng gì. Mặt khác, đa số ĐVTN còn sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng, tiềm lực kinh tế chưa có, nên không thể có tài sản để thế chấp.

Anh Đặng Minh Thảo - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh, cho rằng: Để giải quyết những bất cập nêu trên, các ngành chức năng cần xem xét tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho đoàn thanh niên cũng như các chính sách cho thanh niên vay vốn cần hợp lý hơn. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cần phối hợp với các cơ sở đoàn xem xét có mức vốn vay phù hợp với từng loại hình kinh tế để giúp thanh niên có cơ hội làm kinh tế. Cùng với đó, bản thân thanh niên cần mạnh dạn, năng động và táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế. Có như vậy sẽ giúp thanh niên tiếp cận được nguồn vốn, phát huy nội lực, sức trẻ để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, sử dụng ngồn vốn vay có hiệu quả và thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế.
 
Bài, ảnh: NG.TRIỀU
 

.