Xây dựng nông thôn mới: Bài học từ Hàn Quốc

08:11, 24/11/2011
.

(QNĐT)- Từ một đất nước mà GDP bình quân đầu người chỉ có 85 USD trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới, điều thần kỳ này đã được thực hiện bằng bàn tay và khối óc của người Hàn Quốc. Phong trào Seamaul (làng mới) được Chính phủ Hàn Quốc phát động vào năm 1970 chính là nền tảng cho sự thịnh vượng này. Từ kinh nghiệm và bài học của Hàn Quốc sẽ giúp chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay.

* “Cơ sở, tự lực và tự lập”

Những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, xã hội Hàn Quốc đã thay đổi tới tận gốc rễ bởi sự bất đồng về tư tưởng và đói nghèo. GDP bình quân đầu người thời bấy giờ chỉ có 85 USD. Phần lớn người dân không đủ ăn, 80% người dân nông thôn vẫn phải sống trong mái nhà lá và 80% không có điện thắp sáng mà vẫn phải dùng đèn dầu.
 
Sự thay đổi bắt đầu sau trận lụt lớn năm 1969, một số làng quê vững vàng vượt qua thiên tai nhờ biết đoàn kết giúp đỡ nhau. Tổng thống Pak nhận ra rằng viện trợ của Chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự giúp chính mình. Những ý tưởng này chính là nền tảng để Tổng thống Pak phát động phong trào Seamaul.

Vào ngày 22/4/1970, phong trào được thực thi thí điểm với mục tiêu “Nâng cao thu nhập, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sống và xây dựng cộng đồng”. Phong trào chọn làng (tương đương với xã ở Việt Nam) là đơn vị thực hiện; lấy dân là chính, khuyến khích người dân tự hợp tác và giúp đỡ nhau là điểm mấu chốt để phát triển nông thôn. Chính phủ chỉ hỗ trợ xi măng, kỹ thuật, kiểm tra, giám sát, đánh giá và khen thưởng. Những công trình ưu tiên xây dựng là do cộng đồng dân cư và cán bộ cấp làng lựa chọn.

Phong trào được thử nghiệm với 10 dự án lớn trong phát triển nông thôn, bao gồm mở rộng và nắn thẳng đường sá, làm lại nhà bếp và hàng rào, xây dựng giếng nước công cộng và khu giặt giũ công cộng… 35.000 xã, trung bình mỗi xã được cấp miễn phí 355 bao xi măng, giao cho người đứng đầu của làng bàn với dân tự quyết định phương án sử dụng việc cần thiết sẽ ưu tiên làm trước. Người dân đóng góp công, hiến đất để mở rộng, nâng cấp đường giao thông làng.
 
Kết quả, chỉ sau một năm, 16.000 xã ở nông thôn đã thay da đổi thịt rõ rệt. Nhờ những thành công bước đầu này, Chính phủ tiếp tục giúp đỡ những xã đã tự biết giúp chính mình bằng cách cấp thêm cho mỗi xã 500 bao xi măng và một tấn thép. Nhà tranh vách đất dần thay thế bằng nhà mái lợp ngói và tường xây. Khắp nơi trên các làng xã, đường sá được mở rộng, đê điều được tu bổ và cầu cống được xây dựng. Làng xã phát triển đến chóng mặt, người dân nông thôn lấy lại được tự tin vốn có, những người trước đây sống rất thờ ơ giờ cũng bắt tay xây dựng lại ngôi làng của chính mình.
 
 
aa
Từ phong trào này, được sự hỗ trợ của Chính phủ, nông dân Hàn Quốc đã thực hiện thành công 2 cuộc cách mạng lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
 
Đến năm thứ ba, Chính phủ rà soát lại và chia 35.000 xã thành 3 lĩnh vực, “ cơ sở, tự lực và tự lập”, tùy theo tốc độ phát triển, mỗi lĩnh vực sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp khác nhau, làm tốt thì được hỗ trợ nhiều, làm kém thì hỗ trợ ít, trong đó ưu tiên hỗ trợ các làng thuộc nhóm “cơ sở” để phát triển hạ tầng cơ bản, hỗ trợ các làng thuộc nhóm “tự lực” và nhóm “tự lập” tập trung vào phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Những làng tăng hạng sẽ được thưởng 2.000 USD.

Đây chính là động lực thúc đẩy phong trào phát triển, càng về sau, các dự án môi trường càng tăng thêm. Thành công của các dự án môi trường mở đường cho dự án tăng sản lượng. Đường sá được mở rộng đồng nghĩa với việc xe cơ giới có thể đi đến tận đồng ruộng. Các khu liên hiệp nông nghiệp trồng các sản phẩm đem lại lợi nhuận như nấm, rau sạch… mọc lên khắp nơi.
 
Các làng chài cũng chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản. Các dự án lớn như làm đường, cống thoát nước được tiến hành theo cách liên kết các xã lân cận để tiết kiệm chi phí. Chính phủ còn xây dựng các nhà máy nông thôn để gia tăng thu nhập, giải quyết lao động tại chỗ, đặc biệt là phụ nữ.
 
Chặng đường 3 năm thử nghiệm ngắn ngủi nhưng gặt hái được thành công rất lớn. Tới năm 1974, thu nhập của người dân nông thôn còn cao hơn ở thành thị, 98% các xã đã có thể độc lập về kinh tế. Phong trào đã thật sự là một cuộc cải tổ vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng.
 
 
Từ phong trào này, được sự hỗ trợ của Chính phủ, người nông dân Hàn Quốc đã thực hiện thành công 2 cuộc cách mạng lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể đó là “cách mạng xanh” về phát triển các cây lương thực-thực phẩm và “cách mạng trắng” về phát triển chăn nuôi lấy sữa, thịt. Phong trào cũng là nền tảng cho sự thăng hoa của đất nước được mệnh danh là con rồng của Châu Á sau này.

*Người dân làm chủ

Theo lý giải của ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cơ bản về tính chất, phong trào Seamaul có nhiều điểm, nội dung tương đồng với phong trào xây dựng NTM của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, khác nhau ở chỗ, phong trào Seamaul đã được thực hiện cách đây 40 năm, có xuất phát điểm rất thấp.

Còn Việt Nam chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi hơn, kinh tế đang trên đà phát triển, GDP bình quân đầu người hơn 1.168 USD. Đoàn kết, cần cù, chăm chỉ "truyền thống cực kỳ quý báu" mà bao thế hệ người Việt Nam có thừa. Điều này được minh chứng trong thời chiến cũng như thời bình, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đã và đang đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Vì lẽ đó, không có lý gì chúng ta không thành công khi thực hiện phong trào này.

Thực ra lúc đầu phong trào Seamaul không phải là một dự án lớn, cũng chẳng có quy hoạch rõ ràng. Mục tiêu của phong trào là xây dựng nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi gia đình, làng xã góp phần vào sự tiến bộ chung của toàn xã hội.

Thực chất đây là cuộc cách mạng tinh thần, đánh thức khát vọng vốn có của người dân, phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Mọi tiêu chí lựa chọn đều xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân, việc gì cần thì bàn bạc làm trước và làm để mọi người được hưởng lợi lâu dài.

“Sự cần cù, tự lực và hợp tác” là nguyên tắc chủ yếu cũng là hạt nhân của phong trào này. Cần cù mang lại tính chân thật, tự lực quyết định vận mệnh và hợp tác dựa trên mong muốn phát triển chung cho cả cộng đồng, sự phát triển đó là nhờ nỗ lực của tập thể.
 
a
Phong trào là nền tảng cho sự thăng hoa của xứ sở Kim Chi sau này.

Trong thời kỳ đầu, phong trào Saemaul bắt đầu bằng việc Chính phủ giao quyền tự quản rộng rãi cho chính quyền xã. Hội đồng xã và thị trấn thành lập Ủy ban điều hành để đảm bảo kế hoạch thực thi suôn sẻ. Các làng đều có một lãnh đạo song hành cùng ban phát triển tự quản. Ban phát triển tự quản có nhiệm vụ lập kế hoạch và điều hành các tiểu ban khác để tăng thu nhập và thúc đẩy giá trị và tư tưởng tiến bộ. Các dự án lựa chọn dựa trên tiêu chí là sự cần thiết đối với người dân, điều kiện sống được cải thiện cho tất cả người dân trong vùng và lợi ích lâu dài của dự án.

Chính quyền kêu gọi sự đóng góp từ phía người dân và xin nguồn trợ giúp bên ngoài dưới các hình thức vật liệu, tiền vốn và công nghệ. Mỗi tháng ít nhất hai lần có viên chức nhà nước tới kiểm tra và hướng dẫn tiến độ thực hiện. Hiệu quả của dự án trước được nghiên cứu rất kỹ lưỡng để phát triển những dự án mới.

*Người lãnh đạo tận tâm

Cũng từ những thành công ban đầu của Saemaul, Chính phủ mới nhận ra tầm quan trọng của người lãnh đạo. Những nơi có người lãnh đạo đã triển khai dự án rất tốt còn những nơi không có lãnh đạo thường tiêu phí tài nguyên vô ích. Chính vì vậy, phải có người lãnh đạo “tận tâm” và Chính phủ đã lập ra Học viện Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo Saemaul.
 
Tại học viện này, từ ông bộ trưởng đến ông trưởng thôn cùng học một nội dung như nhau, trong đó nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng. Họ học trong một lán trại, cùng ăn cùng ở với nhau để khoảng cách giữa người lãnh đạo cấp cao và cán bộ cơ sở không xa nhau. Ông bộ trưởng có thể thông qua ông trưởng thôn mà hiểu sâu sắc hơn về những việc ở cơ sở.

Nhờ những yếu tố đặc trưng nêu trên mà phong trào Saemaul đã thành công ngoài sự mong đợi, khẳng định vai trò của người lãnh đạo làng xã và sự thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân, tạo niềm tin vào tương lai. Làng nọ học làng kia nhờ chính sách cạnh tranh, khen thưởng. Những thành quả đạt được giúp người dân tự tin hơn và là động lực thúc đẩy cho những thành công tiếp sau.

Từ kinh nghiệm và bài học của xứ sở Kim chi sẽ giúp chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng NTM hiện nay. Tin tưởng rằng, nông thôn Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ thay da đổi thịt khi chúng ta chung tay xây dựng NTM.

Ái Kiều

.