Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh: Từ những nỗi niềm...

08:07, 29/07/2011
.

(QNg)- "Tiền ăn của các đối tượng xã hội chỉ có 14.000đồng/người/ngày. Lương của nhân viên phục vụ thì nhiều người chỉ có 1-1,5 triệu  đồng/tháng... Khó khăn quá đỗi, nhưng chẳng biết xoay xở thế nào…" - chị Cao Thị Tuyết Sa-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thở dài. Tình người ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thì giàu có, nhưng mấy ai biết được rằng, những con người nơi đây hàng ngày phải đối mặt với nhiều chật vật.

Giữa ngày hè oi ả, trời bất chợt đổ cơn mưa. Lẫn trong tiếng mưa rơi lộp độp là tiếng khóc thét của một bé gái. Người phụ nữ tuổi ngoài 40 đang tắm cho đứa bé-một đứa bé 11 tuổi, nhưng quặt quẹo, chỉ có da bọc xương. "Lần nào tắm bé Sương cũng khóc thét"- chị Minh (quê ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa), nhân viên phụ trách chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật giải thích.
 
Thì ra cháu bé tên  là Sương. Chỉ nhìn thấy cháu không thôi cũng khiến chúng tôi rơi nước mắt, chứ nói gì đến cảnh đời. Chẳng biết bố mẹ là ai, chẳng biết gia đình ở đâu, chỉ biết rằng cháu bị bỏ rơi trên địa bàn xã Đức Thắng (Mộ Đức).
 
Chị Minh chăm sóc trẻ khuyết tật ở Trung tâm.
Chị Minh chăm sóc trẻ khuyết tật ở Trung tâm.

 Theo lời kể của chị Minh, lúc người ta đưa cháu Sương vào trung tâm trông cháu như “người rừng": Lông, tóc bù xù, dài thườn thượt, sức khỏe yếu ớt. Giờ đây dẫu chẳng nhận biết được thế giới xung quanh, dẫu chỉ nằm ngửa nuốt từng muỗng cháo, song bé Sương vẫn còn chút may mắn là được ấp ủ trong tình yêu thương của chị Minh và của các anh-chị-em mồ côi, khuyết tật không cùng dòng máu.
 
Má Minh-người phụ nữ được lũ trẻ gọi bằng cái tên thân thương có lẽ là người mẹ vất-vả-nhất ở Trung tâm này. Một mình chị chăm nom 8 cháu nhỏ, đứa thì mới 1-2 ngày tuổi, đứa thì khuyết tật co quắp, có đứa thần kinh bất ổn cấu xé, quậy phá…

Suốt hơn chục năm qua, chị Minh quần quật với vai trò người mẹ của những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật ở Trung tâm. Chẳng kể xiết nỗi vất vả mà chị đã trải qua. Thế nhưng ít ai ngờ rằng thu nhập mỗi tháng của người mẹ đầy tình yêu thương này hiện chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng.
 
Nói đến thu nhập, chị Minh cười xòa: "Chẳng thấm vào đâu. Khó khăn lắm nhưng cái duyên, cái nợ, nên tôi gắn bó với Trung tâm, với các cháu nhỏ ở đây". "Thế làm sao đủ trang trải cho cuộc sống gia đình trong khi giá cả leo thang hiện nay hả chị?"- Tôi buột miệng. "Thì tranh thủ làm thêm mấy sào ruộng, với nuôi vài con heo. May là có ông bà nội ở nhà cho ăn giúp. Nhưng ông bà cũng già yếu lắm rồi…" - Chị Minh đáp lời.

 Đúng là chỉ có duyên nợ, chỉ có tình yêu thương vô bờ bến mới đủ sức níu bước chân chị Minh cùng 12 nữ nhân viên phục vụ khác gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội, để ngày đêm chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Chị Hà (quê ở thị trấn Sơn Tịnh)- nhân viên phục vụ ở Trung tâm, người mẹ có thâm niên hơn chục năm gắn bó với những đứa trẻ mồ côi, nhưng mức lương cũng chỉ 1,5 triệu đồng/tháng.
 
Chị Hà chia sẻ:  “Buổi tối chị nhận may vá quần áo ở nhà để có thêm thu nhập lo cho đứa con gái năm nay lên lớp 12". Vâng, những người "má" ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn  âm thầm chịu đựng thế đấy. Họ vã mồ hôi để đổi lấy tiếng cười, đổi lấy sự khôn lớn từng ngày của những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, và đổi lấy nụ cười mãn nguyện của các cụ già ở trung tâm. Những việc làm cao thượng và sự hy sinh, chịu đựng của các chị chỉ có thể khiến mọi người thêm phần nể phục...

Chị Cao Thị Tuyết Sa-Giám đốc Trung tâm thở dài: "Phải bóp chắt từng đồng để các cháu, các cụ được cơm no, áo ấm. Nhưng, với mức hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày 14.000 đồng/người trong thời buổi vật giá leo thang thế này, thì quả là khó khăn vô cùng". Ngay cả kinh phí chăm lo bữa ăn hàng ngày cho các cụ, các cháu còn khó khăn là thế, nên các chị chẳng dám đòi hỏi cho riêng mình.

Hiện tại Trung tâm có 28 cụ già và 85 cháu nhỏ, trong đó nhiều cụ nằm liệt một chỗ và nhiều cháu khuyết tật, không tự lo được cho bản thân. Theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP thì Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thiếu 13 định biên, mặc dù trung tâm đã gởi Tờ trình đến Sở LĐ-TB-XH xin thêm định biên, nhưng chưa được giải quyết. Thiếu định biên nên một người phải làm công việc thay nhiều người.
 
Cụ thể theo quy định là 1 nhân viên chăm sóc 3 cụ trong tình trạng sức khỏe yếu nằm một chỗ, thế nhưng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thì 1 nhân viên chăm sóc đến 14 cụ. Đối với trẻ em cũng thế, mỗi nhân viên phục vụ phải oằn mình gánh lấy công việc thay vì phải chia sẻ cho nhiều người theo quy định. 

Lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh trăn trở nhiều, nhưng biết lấy đâu ra nguồn kinh phí để bù đắp cho sự vất vả của nhân viên phục vụ, tương xứng với công sức mà các chị đã bỏ ra. Giám đốc Cao Thị Tuyết Sa cho biết: "Nhiều chị công tác cả chục năm nhưng hiện mức lương chỉ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Tiền phụ cấp độc hại thì chỉ nhân viên chăm sóc các cụ mới được hưởng, nhưng cũng chỉ có 83.000đồng/tháng… Biết rằng các chị đời sống rất khó khăn, nhưng chẳng biết xoay xở thế nào…". Nỗi trăn trở của chị Sa cũng là điều khiến chúng tôi đau đáu trong lòng.

Bài, ảnh: Phương Lý

.