Tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở đảng

08:09, 09/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 16/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Nghị quyết mang lại sự phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào quyết tâm chính trị của Đảng trong việc hướng về cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
 
[links()]
 
Khẳng định vai trò của tổ chức cơ sở đảng
 
Trong hệ thống tổ chức của Đảng, cấp tổ chức cơ bản đầu tiên, tạo nền tảng để xây dựng Đảng là cấp cơ sở, lập ở các đơn vị cơ sở. 
 
Chi bộ thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức) tổ chức sinh hoạt định kỳ.                   Ảnh: T.L
Chi bộ thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức) tổ chức sinh hoạt định kỳ. Ảnh: T.L
Là người sáng lập Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở về trách nhiệm của toàn Đảng trong xây dựng TCCSĐ: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh, Đảng mạnh là do chi bộ tốt”; “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”.
 
Từ 310 đảng viên ngày đầu thành lập, với vô vàn khó khăn thử thách, đến năm 1945, Đảng đã xây dựng được hệ thống TCCSĐ trong cả nước. Chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh nền độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đến nay, toàn Đảng đã có trên 5,2 triệu đảng viên, sinh hoạt trong gần 52 nghìn TCCSĐ, là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng... tạo ra cơ đồ, vị thế “chưa từng có” cho Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định trách nhiệm xây dựng TCCSĐ trở thành “nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở” gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta chỉ rõ: “Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm hơn và có chuyển biến tích cực”. Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng cho thấy: Công tác xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ luôn được trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tổ chức cơ sở đảng từng bước được củng cố, kiện toàn, sắp xếp phù hợp; chức năng, nhiệm vụ được sửa đổi, bổ sung.
 
Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế, khuyết điểm: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp. Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ”; “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””.
 
Để thực hiện nhiệm vụ củng cố, nâng cao chất lượng TCCSĐ và đội ngũ đảng viên, Đại hội XIII của Đảng đề ra các giải pháp cụ thể: Đối với các TCCSĐ, phải “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”. Đối với đội ngũ đảng viên, phải “coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng”; “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng”.
 
Những giải pháp
 
Nghị quyết số 21-NQ/TW tiếp tục khẳng định những thành tựu; đồng thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân chủ yếu là do: “Nhận thức của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa sâu sắc, toàn diện về vai trò, vị trí, yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên”. Từ thực trạng, yêu cầu của tình hình mới, cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, giải pháp cơ bản của Đảng tại Nghị quyết số 21-NQ/TW trong thời gian đến:
 
Một là, kiên trì, thống nhất quan điểm về vị trí, vai trò của TCCSĐ “là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với nhân dân” và đội ngũ đảng viên “là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ”; về yêu cầu của việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên trong việc tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
 
Hai là, xác định rõ và quyết tâm thực hiện mục tiêu “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng của đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp ủy đủ năng lực, uy tín lãnh đạo TCCSĐ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”.
 
Ba là, xác định và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Bao gồm đổi mới, hoàn thiện tổ chức của các loại hình TCCSĐ; rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình TCCSĐ; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của TCCSĐ; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp uỷ viên cơ sở. Đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đảng viên; tăng cường công tác quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên.
 
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, giám sát, phản biện xã hội, góp ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng TCCSĐ và đội ngũ đảng viên.
 
BẠCH YẾN
 
 
 
 

.