Kỳ họp của Quốc hội có thể được tổ chức liên tục, hoạt động thường xuyên hơn

10:09, 08/09/2022
.
Việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây là khẳng định của nhiều đại biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách góp ý về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 8/9 tại Nhà Quốc hội.
 
[links()]
 
 
Quang cảnh hội nghị sáng 8/9.
Quang cảnh hội nghị sáng 8/9.
Trình bày Báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội; tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nội quy kỳ họp được nêu trong dự thảo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 32 nhóm vấn đề mới như Ban soạn thảo trình đã cơ bản đáp ứng mục đích, yêu cầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
 
Về kỳ họp Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 1 về việc kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).(Ảnh: DUY LINH)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).(Ảnh: DUY LINH)
Việc ghi nhận nội dung này trong Nội quy kỳ họp là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong 2 năm vừa qua và cũng tạo cơ sở cho việc chuyển dần hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sang thường xuyên hơn trong khi số lượng ngày họp không tăng lên nhiều.
 
Về các quy định liên quan đến thảo luận, tranh luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về thời gian thảo luận, tranh luận tại phiên họp toàn thể như nêu tại khoản 3 Điều 18 của dự thảo Nội quy kỳ họp.
 
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi sử dụng quyền tranh luận là phải nêu rõ tranh luận về vấn đề gì, với ý kiến của đại biểu nào đã phát biểu trước đó nhằm hạn chế trường hợp lạm dụng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến cá nhân.
 
Điểm đ khoản 2 Điều 18 quy định đại diện cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận.
 
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình tóm tắt về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định trách nhiệm giải trình đồng thời của cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra là chưa rõ và chưa thống nhất với quy định tại một số điều khác trong dự thảo Nội quy kỳ họp.
 
Do đó, để thuận lợi trong triển khai thực hiện, đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng tại phiên họp toàn thể thảo luận lần đầu về dự án, dự thảo thì cơ quan trình có trách nhiệm giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; tại phiên họp toàn thể thảo luận lần thứ hai trở lên về nội dung đó thì cơ quan được giao chủ trì tiếp thu, chỉnh lý có trách nhiệm giải trình.
 
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, chỉ nên quy định việc tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận tại phiên họp Quốc hội để đi đến sự đồng thuận, còn trong trường hợp “tranh luận với người bị chất vấn” thì nên sử dụng khái niệm “chất vấn lại” để phản ánh đúng bản chất và thống nhất với quy định hiện hành tại điểm c khoản 3 Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
 
Về chất vấn tại phiên họp toàn thể (Điều 19): Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về thời gian chất vấn của đại biểu Quốc hội là không quá 1 phút, trường hợp đại biểu cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể thì thời gian không quá 2 phút; thời gian tranh luận của đại biểu Quốc hội với người bị chất vấn là không quá 2 phút.
 
Có ý kiến không tán thành quy định thời gian dành cho đại biểu chất vấn cung cấp thông tin minh họa là không quá 2 phút vì người điều hành phải phân biệt giữa đại biểu đăng ký chất vấn thông thường và đại biểu đăng ký chất vấn sử dụng thông tin minh họa; hơn nữa, việc quy định thống nhất thời gian chất vấn cũng đặt ra yêu cầu các đại biểu Quốc hội phải sử dụng thời gian chất vấn một cách hiệu quả nhất kể cả việc sử dụng thông tin minh họa.
 
Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 51 giao Cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý tài liệu về các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội sau lần trình Quốc hội đầu tiên.
 
Quy định theo hướng này cũng phù hợp với Luật Đầu tư công, theo đó, việc xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện theo quy trình tại 2 kỳ họp, Chính phủ có trách nhiệm tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ và hoàn thiện hồ sơ về kế hoạch đầu tư công trung hạn để trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới.
 
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo báo cáo, làm rõ thêm về sự cần thiết và tính hợp lý của việc thay đổi quy trình tại khoản 4 Điều 51.
 
Theo đó, trong trường hợp dự thảo Nghị quyết chưa được thông qua tại kỳ họp thứ hai thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tiếp theo.
 
Thực tiễn cho thấy, đa số các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội được xem xét, quyết định tại một kỳ họp; những nội dung được xem xét tại 2 hoặc nhiều kỳ họp là không nhiều, chủ yếu là những vấn đề phức tạp, đặc thù, có tính chuyên môn sâu.
 
Hơn nữa, Chính phủ mới có đủ điều kiện về nguồn lực để tổ chức phân tích, đánh giá các vấn đề này, nhất là những nội dung đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu về tài chính, kỹ thuật, công nghệ…
 
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng: Việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
 
Dự thảo Nghị quyết cần tiếp tục được xây dựng nhằm quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm; bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.
 
Theo VĨNH KHANG - DUY LINH/Nhandan.vn
 
 

.