Sắt son tình nghĩa Việt - Lào (Kỳ 2)

10:09, 06/09/2022
.
 
[links(right)]
 
Kỳ 2: Ấm lòng trên quê hương núi Ấn - sông Trà 
 
(Báo Quảng Ngãi)- Trên quê hương núi Ấn - sông Trà, tình nghĩa Việt- Lào được gìn giữ, vun đắp bằng tình yêu thương và trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, các sinh viên Quảng Ngãi... dành cho lưu học sinh Lào. Các bạn trẻ đến từ Lào luôn cảm thấy ấm lòng và xem Quảng Ngãi là quê hương thứ hai của mình.
 
Những năm qua, Quảng Ngãi luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực theo diện học bổng cho các tỉnh Nam Lào. Tình nghĩa keo sơn, gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam- Lào đã chắp cánh ước mơ để các bạn trẻ Lào được học tập, góp sức xây dựng đất nước mình ngày càng giàu đẹp. Qua đó, tình nghĩa Việt - Lào, tình nghĩa giữa Quảng Ngãi với các tỉnh Nam Lào càng thêm sâu đậm trong trái tim của thế hệ trẻ nước bạn Lào hôm nay. 
 
Học tiếng Lào để dạy tiếng Việt
 
Để công tác giảng dạy cho lưu học sinh (HS) Lào đạt kết quả tốt, một trong những nhiệm vụ quan trọng là giáo viên các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong tỉnh phải biết tiếng Lào. Vậy là các thầy, cô giáo ở  Quảng Ngãi đã lặn lội sang đất nước Triệu Voi học tiếng Lào, để về dạy tiếng Việt cho lưu HS Lào. Đối với các thầy, cô giáo, đây là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ để làm tròn trách nhiệm của người giáo viên khi đứng lớp, mà còn là trách nhiệm của người con đất Việt đối với nước bạn Lào.
 
Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Cô giáo Phạm Thị Quyên, Khoa Sư phạm Xã hội (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) kể, năm 2019, tôi được nhà trường cử đi học lớp ngôn ngữ Lào tại Trường ĐH Champasak (Lào). Trường ĐH Champasak rất rộng, mỗi khoa cách nhau một quả đồi nên mọi người phải di chuyển bằng xe đò. “Trong thời gian 10 tháng ở Lào, chúng tôi đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục và một đợt ngập lụt lớn nhất lịch sử trong vòng 40 năm tại Lào. Dẫu vậy ở Lào, tôi như sống ngay trên đất nước Việt Nam, với dạt dào tình nghĩa mà tôi không thể nào quên”, cô giáo Quyên nhớ lại.
 
Hoàn thành khóa học ở Lào, cô giáo Quyên về lại Quảng Ngãi thực hiện trọng trách dạy tiếng Việt cho lưu HS Lào cách phát âm, bảng chữ cái tiếng Việt... “Các em bắt đầu học các âm a, ă, â... giống như HS lớp 1 ở Việt Nam. Sau đó, các em được hướng dẫn cách ghép vần, tập đọc các vần, rồi ghép chữ. Tất cả các vần trong tiếng Việt đều được giáo viên dạy tỉ mỉ...”, cô giáo Quyên chia sẻ. Không đơn giản để học tiếng Việt, thế nhưng với sự tận tình chỉ dạy của các thầy, cô giáo, các lưu HS Lào nhanh chóng biết tiếng Việt.  Nhiều em nói tiếng Việt như thể người Việt Nam. Đó là sự khởi đầu cho hành trình theo học chuyên ngành bậc ĐH, CĐ của lưu HS Lào tại Quảng Ngãi. “Học tốt tiếng Việt rất quan trọng, giúp các em lưu HS Lào học tốt chuyên ngành bậc ĐH, CĐ. Nhiều em đã tốt nghiệp, trở về nước và có việc làm ổn định, đóng góp xây dựng quê hương. Chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào về các em", cô giáo Quyên bộc bạch.
 
Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Sư phạm Xã hội (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) Bùi Văn Thanh phấn khởi nói, lưu HS Lào rất ngoan và chăm chỉ học tập.  Suốt 15 năm dạy tiếng Việt cho lưu HS Lào, tuy vất vả nhưng đối với tôi đó là niềm vinh dự vì được góp sức để gìn giữ, thắt chặt tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. 
 
Nhớ mãi tình thầy trò
 
Hằng năm, Quảng Ngãi đào tạo từ 15 - 20 chỉ tiêu ĐH, CĐ cho các tỉnh Nam Lào. Trong giai đoạn 2016 - 2022, Quảng Ngãi tiếp nhận đào tạo diện học bổng cho 120 lưu HS Lào đến từ các tỉnh Champasak, Sekong, Attapeu. Ngoài ra, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh đào tạo 376 lưu HS Lào theo diện tự túc.  Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám cho biết, từ năm 2008 đến nay, trường dạy tiếng Việt cho hơn 500 lưu HS Lào. Từ năm 2016 đến nay, sau khi tỉnh Quảng Ngãi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với một số tỉnh Nam Lào, trường đã tiếp nhận đào tạo 294 lưu HS Lào học tiếng Việt, trong đó có 115 HS được đào tạo chuyên sâu.

Dẫu xa quê hương, xa gia đình nhưng những lưu HS Lào luôn thấy ấm lòng khi theo học tại Quảng Ngãi, bởi bên cạnh các em luôn có thầy, cô giáo, bạn bè sẵn lòng giúp đỡ, sẻ chia. “Chúng em xem Quảng Ngãi là quê hương thứ 2 của mình”, đó là lời bộc bạch của nhiều lưu HS Lào.

 
Theo học tiếng Việt tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng đã gần 5 tháng, Baoleevanh Inthivong (quê tỉnh Attapeu) vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến Quảng Ngãi. “Em rất ngạc nhiên vì sự phát triển của Quảng Ngãi. Giao thông đông đúc, nhộn nhịp. Sự nhộn nhịp ấy càng làm em nhớ cái trầm lắng, nhẹ nhàng trên quê hương mình. Nhưng nhờ sự thân thiện, mến khách của người Quảng Ngãi, nhất là các thầy, cô giáo và các bạn, đã giúp em nhanh chóng hòa nhập”, Baoleevanh bộc bạch. Baoleevanh đã nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập và vượt qua kỳ thi tuyển để có được suất học bổng qua Việt Nam học ĐH. “Mong ước của em đã thành hiện thực, đó là sang Việt Nam học ĐH như các anh chị. Hai nước Việt Nam và Lào có mối quan hệ đoàn kết gắn bó lâu đời và có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, nên khi học tập tại Quảng Ngãi em luôn có cảm giác gần gũi, thân quen như ở quê hương mình”, Baoleevanh bày tỏ.
 
Nhiều sinh viên Lào sau khi tốt nghiệp tại Quảng Ngãi đã trở về nước công tác. Em Vannasone Thanabouasy, tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) cách đây 5 năm, hiện công tác tại Sacombank Lào. Vannasone nói và viết tiếng Việt rất giỏi. Vannasone nhớ lại, khi học tập tại Quảng Ngãi, ngoài giờ học tiếng Việt trên lớp, về ký túc xá, em và các bạn cùng nhau ôn luyện. Các thầy, cô giáo luôn bên cạnh động viên em học tập. Nhờ vậy, em đã vượt qua khó khăn để học tập tốt.
 
Sự nhiệt tình, chu đáo của thầy, cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam là điều khiến sinh viên Lào nhớ mãi. Anh Nasakoun Keosuntixay, hiện là Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Champasak  chia sẻ, tôi tốt nghiệp trở về nước đến nay đã 7 năm, nhưng vẫn luôn giữ trong trái tim mình hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. “Những ngày đầu đến Việt Nam, tôi chỉ nói được từ “xin chào” và “cảm ơn”. Việc học tiếng Việt thời gian đầu rất khó khăn vì nhiều âm không có trong tiếng Lào. Những bài khó, thầy, cô giáo nói chậm lại và giải thích cho tôi hiểu. Các bạn người Việt luôn hỏi thăm tôi có hiểu bài không và thường xuyên giúp tôi ôn bài... Những tháng ngày trên đất Quảng, tôi luôn cảm thấy ấm lòng”, Nasakoun kể.
 
Việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nước bạn Lào góp phần vun đắp mối quan hệ anh em, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào nói chung và Quảng Ngãi với các tỉnh Nam Lào nói riêng ngày càng gắn kết và đi vào chiều sâu. Đây cũng là cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và cùng nhau phát triển.
 
Tết Lào trên quê hương núi Ấn - sông Trà
 
Vào tháng Tư hằng năm, các trường CĐ, ĐH trên địa bàn tỉnh và các sinh viên Lào cùng tổ chức tết cổ truyền Bunpimay. Đây là cái Tết ấm áp nghĩa tình giúp sinh viên Lào vơi đi nỗi nhớ nhà trong dịp tết cổ truyền của dân tộc Lào. Thầy và trò là sinh viên Việt Nam, sinh viên Lào tay trong tay hòa cùng điệu múa, nụ cười hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người khi cùng thực hiện các nghi thức trong ngày tết cổ truyền của dân tộc Lào. Em Keopaseuth Thansouvan, sinh viên năm 3, Khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) chia sẻ, trong ngày tết cổ truyền Bunpimay ở Quảng Ngãi, chúng em tự tay chuẩn bị các lễ vật giống như Tết tại quê nhà, thực hiện các nghi lễ như buộc chỉ cổ tay, té nước, chúc Tết và thưởng thức món ăn truyền thống của dân tộc Lào. “Chúng em rất vui và hạnh phúc. Cảm ơn thầy, cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam luôn dành tình cảm đặc biệt cho sinh viên Lào”, Keopaseuth xúc động bày tỏ.
 
NHÓM PV - CTV
 
Kỳ cuối: Tình nghĩa Việt - Lào vững bền hơn núi, hơn sông
 

.