Mô hình "Dân tin - Đảng cử": Đột phá từ thôn, tổ dân phố (kỳ 2)

07:09, 27/09/2022
.
[links(right)]
 
Kỳ 2: Đưa chủ trương về cơ sở
 
(Báo Quảng Ngãi)- Với quy định tiêu chuẩn cụ thể về trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị và tuổi đời đối với các chức danh bí thư (hoặc phó bí thư, cấp ủy viên) chi bộ thôn, tổ dân phố, việc triển khai đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, khi nhiều nhân sự không đảm bảo cả 3 tiêu chuẩn trên. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao của các địa phương được lựa chọn thí điểm, việc thực hiện Đề án 07 đã đạt nhiều kết quả.
 
Việc xây dựng tiêu chuẩn bí thư, phó bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là cơ sở quan trọng để lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời là giải pháp cơ bản để đáp ứng được yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện việc này đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có đầy đủ phẩm chất chính trị, năng động, sáng tạo, có kỹ năng hoạt động thực tiễn, có trình độ chuyên môn để nắm bắt đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Dẫu khó vẫn không lùi bước
 
Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Lương Kim Sơn cho biết, là một trong ba đơn vị thí điểm nên huyện triển khai rất kỹ, vì khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Với sự hỗ trợ của Tổ công tác Đề án 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện đã nắm chắc tình hình nhân sự ở địa bàn, hỗ trợ tham vấn và bàn hướng giải quyết. Qua rà soát, có đến 52 nhân sự bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chi ủy viên chi bộ của 16/22 đảng ủy xã, thị trấn chưa đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ học vấn, độ tuổi theo Đề án 07. Vậy là, huyện chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn thực hiện công tác vận động, bố trí những người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia cơ cấu các chức danh hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
 
Cử tri tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), bầu tổ trưởng tổ dân phố, nhiệm kỳ 2022 - 2025.      Ảnh: THANH THUẬN
Cử tri tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), bầu tổ trưởng tổ dân phố, nhiệm kỳ 2022 - 2025. Ảnh: THANH THUẬN
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Lương Kim Sơn, qua thực hiện Đề án 07, huyện đạt được 2 điều lớn nhất. Đó là, qua triển khai Đề án đã khẳng định cấp cơ sở và cán bộ trong toàn hệ thống chính trị phải xác định, làm cán bộ thì yêu cầu phải đạt chuẩn, chứ không chỉ có năng lực, nhiệt tình, uy tín. Bên cạnh đó, huyện đã sàng lọc “lớp cán bộ công thần” ở cơ sở nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn, thay vào đó là đội ngũ cán bộ vừa có uy tín thực sự, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định để đảm đương nhiệm vụ.
 
Đổi mới tư duy và cách làm
 
“Triển khai thực hiện Đề án 07, Ban Thường vụ Huyện ủy Tư Nghĩa xác định và quán triệt trong toàn Đảng bộ huyện xem đây là khâu đột phá trong xây dựng bộ máy ở thôn, tổ dân phố trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”.
 
Phó Bí thư Thường trực
Huyện ủy Tư Nghĩa
HỒ SỸ PHONG

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tư Nghĩa Hồ Sỹ Phong chia sẻ, triển khai thực hiện Đề án 07, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định và quán triệt trong toàn Đảng bộ huyện xem đây là khâu đột phá trong xây dựng bộ máy ở thôn, tổ dân phố trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Bởi, công tác cán bộ ở thôn, tổ dân phố trước đây ít được quan tâm, đặc biệt là tiêu chuẩn cán bộ.

 
Trước khi thực hiện Đề án 07, huyện Tư Nghĩa có 74 đồng chí không đủ điều kiện về trình độ học vấn; 32 đồng chí chưa qua đào tạo lý luận chính trị; có 37 đồng chí trên 65 tuổi. Điều này là do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của thôn, tổ dân phố và cán bộ làm ở thôn, tổ dân phố. Một số người cho rằng đây là cấp thấp nhất nên vận dụng sao cũng được. Vì vậy, trong một thời gian dài không có sự chuẩn bị nhân sự cho vị trí này, nên việc tìm chọn nhân sự đảm bảo theo tiêu chuẩn Đề án 07 gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, cán bộ làm công tác này đều là bán chuyên trách, nên không có nhiều người quan tâm đến vị trí này.
 
Tuy nhiên, xác định đây là bước đổi mới về công tác cán bộ nên khi cơ sở gặp khó khăn, huyện Tư Nghĩa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần không chọn người không đủ chuẩn. Giải pháp huyện Tư Nghĩa đưa ra là sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ. Cùng với đó là vận động, thuyết phục những người có đủ tiêu chuẩn. Nhờ đó, ban đầu nhiều người quyết liệt từ chối, nhưng bằng cách tiếp cận, vận động, giải thích, trao đổi thì thuyết phục được họ nhận nhiệm vụ, nên 79/79 thôn, tổ dân phố có nhân sự cơ bản đảm bảo yêu cầu đề ra. 
 
Từ sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, huyện Tư Nghĩa đã thực hiện thành công Đề án trên địa bàn. Ngày 22/5/2022, các xã, thị trấn đồng loạt tiến hành bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tại 79/79 thôn, tổ dân phố, với không khí vui tươi, phấn khởi. Kết quả cả 79 thôn, tổ dân phố cử tri chỉ bầu một lần, trong đó, nhân sự tái cử chỉ chiếm 41,7%, còn lại đều là những nhân tố mới đảm bảo yêu cầu đề ra. Đáng chú ý là, nếu trước đây chỉ có 9/79 bí thư kiêm trưởng thôn thì nay tăng lên 20/79 bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Trước có 2/3 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên 65 tuổi, thì nay chỉ có 2 đồng chí trên 65 tuổi (được Ban Thường vụ Huyện ủy cân nhắc lựa chọn và thống nhất).  
 
Thành công của cuộc bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, nhiệm kỳ 2022 - 2025 ở huyện Tư Nghĩa được xem là tiền đề vững chắc để các chi bộ trên địa bàn đảm bảo công tác nhân sự bầu cấp ủy tại đại hội chi bộ; đồng thời, tiếp tục khẳng định hiệu quả to lớn từ mô hình "Dân tin - Đảng cử".
 
Tạo luồng sinh khí mới
 
Tại huyện Ba Tơ, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho biết, chính vì làm tốt khâu nhân sự nên ngày hội bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, nhiệm kỳ 2022 - 2025 đã trở thành ngày hội của toàn dân. Sau đó, tổ chức đại hội chi bộ thôn, tổ dân phố để bầu bí thư chi bộ. Kết quả là, cử tri bầu được 93 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố theo đúng đề án nhân sự được duyệt. Trong đó có 8 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; 85 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; 1 chi ủy viên kiêm trưởng thôn. Đây là một giải pháp nhằm cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, ngày hội của toàn dân, mà quan trọng hơn chính là nhằm thúc đẩy, làm tốt hơn nữa việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
 
Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền Phạm Văn Hoa thì cho rằng, mặc dù việc triển khai gặp không ít khó khăn, vì đặc thù của một xã miền núi, nhưng qua thực hiện Đề án 07 thành công, xã đã tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. “Từ kết quả của bầu trưởng thôn, xã tiến hành tổ chức đại hội các chi bộ và kết quả là có 2/4 chi bộ có đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn”, ông Hoa cho biết thêm.
 
Cùng với 3 huyện thí điểm mô hình “Dân tin - Đảng cử”, các địa phương khác như Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi cũng tích cực hưởng ứng thực hiện thí điểm triển khai thực hiện mô hình “Dân tin - Đảng cử” ở những nơi có điều kiện. Trong đó, nhiều xã, phường ở TP.Quảng Ngãi chọn cùng một ngày để tất cả các thôn, tổ dân phố tổ chức cho cử tri đi bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân và ngày bầu cử thật sự là ngày hội ở cơ sở.
 
HOÀNG TRIỀU - THANH THUẬN - BÁ SƠN
 
 
--------------
Kỳ 3: Hạt nhân quy tụ sức mạnh lòng dân
 

.