Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy: Bình Sơn cần nhiều trợ lực

05:10, 11/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cụ thể hóa bằng chương trình hành động với những nội dung thực hiện cụ thể, thiết thực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bảo tồn và phát huy một số loại hình nghệ thuật truyền thống... Đó là một trong những giải pháp chủ yếu mà huyện Bình Sơn đang tập trung thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, Bình Sơn vẫn đang cần nhiều trợ lực từ tỉnh và các nguồn lực xã hội hóa...

TIN LIÊN QUAN

Thôn Thọ An, xã Bình An có 184 hộ dân với gần 700 nhân khẩu, trong đó có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Cor. Trước thực trạng nhiều hộ đồng bào dân tộc Cor ở đây không còn giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, năm 2017, huyện Bình Sơn đã đầu tư 300 triệu đồng để khôi phục văn hóa của đồng bào Cor. Ngoài việc đặt may 30 bộ trang phục truyền thống, mua 10 bộ chiêng trống và khôi phục Tết ngã rạ của đồng bào Cor, trong những buổi họp dân, Phòng VHTT  huyện phối hợp với xã, mời các nghệ nhân đồng bào Cor ở Trà Bồng truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào Cor cho những hộ dân ở đây...

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Là người dân tộc Cor, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Thọ An rất hào hứng mỗi khi được các nghệ nhân truyền dạy văn hóa dân tộc mình. Ông Minh cho biết: Thời gian qua, do tập trung làm kinh tế, bà con ít tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Nay được huyện quan tâm mời các nghệ nhân ở huyện Trà Bồng về giúp đồng bào Cor ở Thọ An khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bà con ở đây ai cũng rất vui, tích cực tham gia.  

Bình Sơn tiếp tục đầu tư khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống của cư dân ven biển.
Bình Sơn tiếp tục đầu tư khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống của cư dân ven biển.


Theo kế hoạch, năm 2018, huyện Bình Sơn tiếp tục đầu tư xây dựng nhà sàn gần 2 tỷ đồng để làm nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa cho đồng bào dân tộc Cor trên địa bàn xã nói riêng và các địa phương khác. Phó Chủ tịch UBND xã Võ Thanh Quang, cho biết: Huyện đã có chủ trương và xã cũng đã công khai cho dân biết về việc khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, nên ai nấy đều rất vui, vì nhà sàn là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi hoàn thành, công trình này sẽ là nơi sinh hoạt, khơi lại những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cor.

Thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, Bình Sơn đã đầu tư bảo tồn và phát huy các lễ hội văn hóa truyền thống như: Đua thuyền ven biển, Tết ngã rạ của đồng bào Cor, lễ hội cầu ngư của ngư dân. Đây là 3 lễ hội đặc trưng nhất, là nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân Bình Sơn, nên được huyện quan tâm đầu tư phục hồi. Việc khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội ở huyện Bình Sơn không những góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương mà còn góp phần thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, khó khăn lớn nhất của huyện Bình Sơn hiện nay vẫn là thiếu nguồn lực trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, phục vụ việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
 

Đầu tư cho thiết chế văn hóa hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, vì lợi nhuận từ lĩnh vực này không cao, nên chưa hấp dẫn các tổ chức, cá nhân.
Trưởng Phòng VHTT huyện Bình Sơn HUỲNH KIM NGÂN

Khó khăn về nguồn lực

Bình Dương là xã đầu tiên về đích nông thôn mới của tỉnh đã huy động được nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng và khôi phục các thiết chế văn hóa. Trong đó huy động từ nhân dân 26 tỷ đồng, góp sức đưa xã về đích nông thôn mới. Còn các địa phương khác đều gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực, để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Điển hình là ở xã Bình Long đang phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2018, nhưng hệ thống các thiết chế văn hóa ở địa phương còn nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Dương, đến thời điểm này xã vẫn chưa có nhà văn hóa, khu vui chơi phục vụ phong trào TDTT cho nhân dân, làm ảnh hưởng đến phong trào chung của địa phương và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa rất khó khăn. Trong khi đó, nguồn lực Nhà nước chưa đủ để đầu tư. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân là rất lớn, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng xa. Vì vậy, huyện Bình Sơn cũng như các ngành chức năng của tỉnh cần có giải pháp khắc phục vấn đề này, để Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy thực sự đi vào cuộc sống.

Đâu là giải pháp?

Huyện Bình Sơn phấn đấu đến năm 2020 thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Cụ thể là, trên 50% xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 80- 85% thôn, tổ dân phố, 85-90% hộ gia đình văn hóa; 85-90% cơ quan văn hóa; 100% hộ được nghe đài và xem truyền hình; 100% số xã, thị trấn có nhà văn hóa và sân vận động; 70% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hóa và sân TDTT.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện Bình Sơn sẽ tăng mức đầu tư cho văn hóa tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, cũng cần hỗ trợ từ các nguồn đầu tư của tỉnh cho mục tiêu phát triển văn hóa và xây dựng con người. Phó Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Đỗ Thiết Khiêm, cho biết: Thời gian đến, huyện sẽ tập trung khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor, phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, con người Bình Sơn. Tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bình Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng; khôi phục lại một số lễ hội cầu ngư, cúng thần Nam Hải, cúng Âm linh tự, rước hồn mẹ Lúa, hội làng văn hóa thể thao...  

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Cụ thể là, đổi mới công tác quản lý, tổ chức và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở gắn kết với khai thác có hiệu quả công năng của Trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa và Đài truyền thanh xã, thị trấn. Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức làm văn hóa có trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp hơn, nhất là ở cơ sở để quản lý và tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho người dân.

Nỗ lực của Bình Sơn trong việc thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đây là nghị quyết mang tầm bao quát rộng lớn, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự tham gia của người dân. Tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho sự nghiệp văn hóa và các đề án tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, mở các lớp nghiệp vụ quản lý trên lĩnh vực văn hóa.

Bài, ảnh: Thanh Thuận


 


.