Người chiến thắng trở về

09:04, 29/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở Côn Đảo, Phú Quốc sau khi về với Đảng, sống trong lòng dân tộc được tôn vinh với tên gọi “Người chiến thắng trở về”.

Tình yêu và niềm tin dành trọn cho Đảng, cho dân tộc đã tiếp cho họ sức mạnh để chiến thắng mọi thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.

“Làm cách mạng phải làm cho đến cùng”       

Đối với những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, cuộc đời họ gắn liền với khúc tráng ca bi hùng. Cái chết đối với họ nhẹ tựa lông hồng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn một suy nghĩ cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ở tuổi 84, nhắc lại ký ức của những tháng ngày bị địch bắt, tù đày ở Côn Đảo, ông Bùi Tuấn, ở thôn Trà Lâm, xã Bình Khương (Bình Sơn) vẫn một câu nói hùng hồn: “Làm cách mạng phải làm cho đến cùng”.

Suốt 12 năm bị địch bắt, tù đày, trong đó 8 năm bị giam cầm, tra tấn dã man tại Côn Đảo, ông Tuấn cũng đã tự động viên mình như thế, mọi thủ đoạn tàn bạo của địch đã không khuất phục được tinh thần cách mạnh trong ông.   

Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày mừng vui trong ngày gặp mặt.
Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày mừng vui trong ngày gặp mặt.


Ông Tuấn kể, ngày đầu tiên đến Côn Đảo, vừa đặt chân lên cầu tàu 914 đã bị địch đàn áp. Bọn trật tự gõ vào đầu người tù bảo: “Côn Sơn không phải đất liền nha các con”. Tên Nguyễn Văn Vệ-Tỉnh trưởng tỉnh Côn Sơn phát loa nói: “Côn Sơn là nơi có bàn tay sắt để trừng trị kẻ nào ngoan cố, mà cũng là bàn tay dịu hiền, để nâng đỡ những kẻ nào hối cải. Các anh muốn trở về với gia đình thì chấp hành nội quy ở đây, nếu ngoan cố thì không có ngày về”.

Một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng thì sá chi gian khổ, thủ đoạn đày đoạ thân xác của người tù âu cũng là cho thấy sự thất bại của quân xâm lược. Vậy nên, những người tù đồng thanh hô: “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”. Ngay tức khắc, địch phóng lựu đạn cay và xông vào đánh tới tấp khiến nhiều người ngất xỉu, sau đó chúng kéo lê giam vào chuồng cọp. “Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ở Côn Đảo đã đi cùng dân tộc trong suốt cuộc trường chinh giành lại độc lập, tự do”, ông Tuấn nói.

Dẫu chưa một lần gặp Bác Hồ, thế nhưng nhiều chiến sĩ cách mạng trong những tháng năm bị địch bắt, tù đày vẫn luôn nghĩ đến Bác để có thêm niềm tin và nghị lực đối mặt với thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù. Theo lời kể của ông Tuấn, vào ngày sinh nhật Bác Hồ, ở trong tù tổ chức hát những ca khúc cách mạng, nhớ đến Bác với lòng tôn kính vô hạn. Ngày Bác mất, ở trong tù cũng làm lễ và triển khai học Di chúc của Bác.

Niềm vui của đời người

Chuyện về những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày dẫu đã qua mấy mươi năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà, nay vẫn luôn được nhắc đến với niềm tự hào khó tả, bởi đó là một phần trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Đối với ông Phạm Thanh Nhân (81 tuổi), ở thôn An Châu, xã Bình Thới (Bình Sơn), trong câu chuyện của những tháng năm bị địch bắt, tù đày, ông vẫn nhớ hoài người bạn tù mà ông thường nói với con cháu là “người sinh ra ông lần thứ hai”. Đó là ông Đặng Văn Mến (72 tuổi), hiện là Chủ tịch Hội Tù yêu nước xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Ông Nhân bị địch bắt giam tại Phú Quốc hơn 7 năm. Có lần chúng  đưa ông xuống khu tân sinh hoạt (khu chiêu hồi), suốt hơn 10 ngày bị tra tấn ông vẫn kiên quyết: “Tui không ở lại đây, mấy ông muốn giết thì cứ giết”. Sau đó, địch giam ông ở khu biệt lập. Tại đây, ông Nhân gặp người bạn tù ở cùng quê là ông Đặng Văn Mến. Cả hai đã động viên nhau giữ vững khí tiết người cộng sản.

Ở Phú Quốc, mỗi ngày có biết bao người tù bị chết vì những đòn tra tấn dã man, đói khát, bệnh tật, những tưởng ông Nhân cũng không qua khỏi vì ốm nặng, nhưng được sự chăm sóc tận tình của ông Mến, chia sẻ từng hạt cơm, giọt nước, chăm sóc vết thương đang từng ngày lở loét... đã giúp ông Nhân dần hồi phục và tiếp tục cuộc chiến với địch.

Hai ông Phạm Thanh Nhân (bên phải) và Đặng Văn Mến chụp ảnh kỷ niệm trong ngày gặp lại nhau.
Hai ông Phạm Thanh Nhân (bên phải) và Đặng Văn Mến chụp ảnh kỷ niệm trong ngày gặp lại nhau.


Ông Đặng Văn Mến bị địch bắt đày đi Phú Quốc năm 1967, tại đây nhiều người tù biết đến ông là người gan dạ, kiên cường, được Đảng ủy Nhà lao tặng danh hiệu “Dũng sĩ đấu tranh chính trị”. Sau nhiều ngày tuyệt thực đòi quyền dân chủ, dân sinh, địch hỏi ý kiến người tù về nguyên nhân và yêu sách cụ thể.

Biết trước sẽ lại đón nhận những đòn tra tấn dã man nếu phát biểu, nhưng ông Mến vẫn mặc kệ, ông dõng dạt nói lên chính kiến và đòi quyền lợi cho người tù. Ngay lập tức, chúng lôi ông ra ngoài đánh cho đến chết ngất. Ông Mến kể, cuối năm 1970, ông tham gia thực hiện nhiệm vụ do Đảng ủy nhà lao giao, đó là giết 2 tên chiêu hồi đầu sỏ, địch phát hiện được và kết án ông 25 năm tù, đày đi Côn Sơn.

Tháng 1.1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, sau đó bên dòng sông Thạch Hãn, địch trao trả những chiến sĩ cách mạng từng bị chúng giam cầm, ông Nhân và ông Mến đã gặp lại nhau trong niềm xúc động chẳng thể nói thành lời. Mới đây, trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử hai ông lại có dịp gặp nhau. 

Khoác vai người bạn tù năm xưa, ông Nhân nói: “Suốt cuộc đời tôi luôn nhớ đến ông-một chiến sĩ cách mạng kiên cường”. Nghe thế, ông Mến cười khà. “Cuộc đời tôi chưa lần nào chùn bước trước khó khăn. Điều tôi cảm thấy vui mừng là hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên”, ông Mến nói.  

Thế đấy, đối với người chiến sĩ cách mạng, sự cống hiến và hy sinh cho dân tộc vẫn trên hết thảy. Dù bị địch giam cầm, tra tấn dã man, niềm tin tất thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của chân lý cách mạng vẫn luôn đong đầy và điều đó được đánh dấu bằng sự kiện lịch sử ngày 30.4.1975.   

Bài, ảnh:  MINH ANH


 


.