Phát biểu của Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2016

08:12, 30/12/2016
.

TIN LIÊN QUAN

Thưa các đồng chí đại biểu Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,


Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; tổng kết công tác dân vận năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin gửi tới các đồng chí và qua các đồng chí xin gửi tới toàn thể anh chị em làm công tác dân vận trong toàn tỉnh lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,

Báo cáo trình Hội nghị cho thấy, qua 03 năm thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, công tác dân vận đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; tập trung chỉ đạo nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị, vấn đề bức xúc chính đáng của Nhân dân.

Công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nhiều tiến bộ; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định và phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở; kiện toàn tổ chức, xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả; gắn phong trào thi đua, cuộc vận động với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác dân vận ngày càng đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực. Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được triển khai ngày càng sâu rộng; xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh…

Có thể nói, công tác dân vận của tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân ngày càng bền chặt.

Tại Hội nghị này, tôi trân trọng đề nghị các đồng chí cần nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận thời gian qua; tôi xin gợi ý một số nội dung; đó là: Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết 25 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy chưa phù hợp thực tiễn, hiệu quả chưa cao; chưa đánh giá, dự báo kịp thời những diễn biến tư tưởng trong Nhân dân; nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng chậm đổi mới, còn đơn điệu, tính thuyết phục chưa cao; chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ công tác dân vận, chưa đầu tư thỏa đáng công sức cho công tác dân vận; chưa thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền. Một số nơi không sát dân, không làm tốt công tác tuyên truyền vận động Nhân dân; nắm bắt, xử lý, giải quyết một số vấn đề bức xúc, nổi cộm của Nhân dân có lúc chưa kịp thời, dứt điểm; phương pháp vận động, tập hợp quần chúng chưa phù hợp với từng đối tượng. Công tác dân vận của chính quyền ở một số địa phương và sở, ngành chưa được quan tâm đúng mức, còn có mặt hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, không làm tròn bổn phận là công bộc của Nhân dân, không sâu sát thực tế cơ sở; chưa lo nghĩ nhiều đến Nhân dân, người nghèo. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu; giám sát và phản biện xã hội còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; bộ máy cồng kềnh, cán bộ nhiều nhưng chưa làm được nhiều việc cho dân?

Tôi đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các đồng chí đề ra để thực hiện Nghị quyết 25 và các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận trong thời gian tới. Tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề để các đồng chí nghiên cứu, suy nghĩ, sáng tạo; xác định quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận năm 2017 và những năm đến.

Thưa các đồng chí,

Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Với ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã dành rất nhiều tâm sức và có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận chỉ đạo mang tính chiến lược về công tác dân vận. Nhất quán với Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu của công tác dân vận trong thời kỳ mới, đó là: Củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; tập hợp, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mục tiêu này thì việc “củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân” là mục tiêu đặc biệt quan trọng, được xem là hướng đích cao nhất của công tác dân vận trong tình hình mới.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, để củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng đòi hỏi các cấp, các ngành phải tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực công tác cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị… Vì niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ cũng như sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; sự gắn bó mật thiết của Nhân dân với Đảng phải được xây dựng, tạo lập bởi nhiều yếu tố, hội đủ các điều kiện cần thiết để đạt được hiệu quả thực chất. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, lòng tin của Nhân dân phụ thuộc rất nhiều vào tính đúng đắn của các quyết sách của Đảng và Nhà nước; sự trong sạch, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; sự gương mẫu, liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên; sự quan tâm thực hiện các vấn đề dân sinh, dân trí, dân chủ đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Những vấn đề này, suy cho cùng, chính là chiều sâu của công tác dân vận, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị; nhất là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc; đổi mới tư duy; tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững; đem lại lợi ích thực sự thiết thực cho Nhân dân.

Hai là, phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân. Vì chăm lo lợi ích, hạnh phúc cho Nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Xây dựng, chăm lo đời sống Nhân dân là mục đích trực tiếp, là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và các cơ quan Nhà nước, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của Nhân dân đối với Đảng, là một động lực tạo ra sự lan tỏa, huy động nguồn lực to lớn trong Nhân dân để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho Nhân dân.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và các cơ quan trong hệ thống chính trị có nhiều nỗ lực chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng có những chính sách, những việc làm chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân; có những địa phương, những cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong khi nhiều nơi đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm thì còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, vô trách nhiệm, vô cảm trước những khó khăn của Nhân dân, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Do vậy, tôi đề nghị các cấp ủy đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị; nhất là mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa quan trọng của vấn đề chăm lo đời sống nhân dân; quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề này; có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống nhân dân. Nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của Nhân dân cũng đều vô nghĩa và không có sức thuyết phục.

Ba là, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân. Đây là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng và là bản chất của chế độ ta.

Thực hiện các quy chế dân chủ của Đảng; những năm qua, quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được mở rộng và phát huy, ở nhiều nơi đã hình thành nền nếp thường xuyên tổ chức để Nhân dân tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương, phương hướng nhiệm vụ công tác của địa phương, đơn vị; huy động quần chúng thực hiện các chủ trương của Đảng; động viên Nhân dân tham gia kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức Đảng, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên. Đa số Nhân dân ta rất tốt; trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào; trong kháng chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước; lúc thuận lợi, khi khó khăn Nhân dân vẫn một lòng tin vào Đảng, hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì sự phồn vinh của dân tộc; nhưng Nhân dân rất bất bình, bức xúc với thái độ xem thường, không tôn trọng Nhân dân; chưa coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi Nhân dân, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng; thích mệnh lệnh, cửa quyền; không thành khẩn nhận lỗi với Nhân dân. Một số cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén khi giải quyết công việc của dân. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng.

Tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; nhất là mỗi cán bộ, đảng viên cần soi rọi lại chính mình, cơ quan, đơn vị mình để khắc phục; phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Xoá bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên Nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp uỷ Đảng cần lắng nghe ý kiến Nhân dân trước khi quyết định. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát" phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng; muốn để cho “dân biết” thì phải công khai, minh bạch; muốn để cho “dân bàn” thì cơ quan, tổ chức và người lãnh đạo phải gần dân, mở lòng với Nhân dân; biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của Nhân dân; từ đấy Nhân dân mới được hỏi, được nói, được bàn bạc mọi việc cho đến thấu lý, vẹn tình và hăng hái tham gia các công việc của địa phương, tham gia quản lý xã hội. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của Nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân; kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận; củng cố và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận theo hướng chủ động, tích cực, linh hoạt; tăng cường đi cơ sở, bám sát thực tiễn với phương châm "việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm"; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của Nhân dân, làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nắm vững những nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả; các cấp ủy cần có biện pháp kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi bộ máy Đảng và Nhà nước. Chú trọng lựa chọn, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tâm, đủ tầm, có năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, thực sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với nhân, thực sự là “công bộc” của Nhân dân.

Năm là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Theo đó, để thực hiện tốt trách nhiệm của mình, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp cần phải thường xuyên quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân vận gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về công tác dân vận. Đẩy mạnh dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành. Tập trung giải quyết kịp thời bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân.

Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính phải thực chất, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân; khắc phục tình trạng nói nhiều làm ít; nói một đằng làm một nẻo; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, tạo kẻ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho Nhân dân; thực hiện việc lấy ý kiến của công dân về mức độ hài lòng đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của công chức, cơ quan nhà nước; xây dựng chính quyền liêm khiết, kiến tạo, hành động, phục vụ tổ chức và công dân.

Sáu là, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp cần quan tâm lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở và gắn bó mật thiết với Nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Tăng cường tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, vận động đoàn viên, hội viên và toàn dân thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Coi trọng và phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh theo lời dạy của Bác Hồ “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Bảy là, quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận của các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, có số lượng, chất lượng, cơ cấu dân tộc và giới tính hợp lý để thực hiện tốt năm bước công tác dân vận là “điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và hành động”.

Thưa các đồng chí,

Đảng ta mang trọng trách lãnh đạo Nhà nước và xã hội; là Đảng duy nhất cầm quyền trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển; mỗi cán bộ, đảng viên; nhất là các đồng chí đứng đầu các cấp cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng và rất nặng nề; quán triệt sâu sắc quan điểm: “Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ; động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi tích thiết thực của Nhân dân; đường lối, chủ trương phải đúng; giải pháp phải cụ thể; cách thức thực hiện phải phù hợp; đội ngũ cán bộ phải hết lòng vì dân”.

Tôi mong rằng, các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là những đồng chí trực tiếp làm công tác dân vận, cần thấm nhuần sâu sắc những quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tư tưởng về công tác dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tích cực đổi mới, sáng tạo, vượt qua chính mình; phấn đấu hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao. Nhân dịp năm mới, chúc các đồng chí đón một mùa xuân đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc. Chúc công tác dân vận ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn.
 


.