Nhìn lại công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

10:08, 17/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghiên cứu lịch sử Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm hiểu rõ các chặng đường lịch sử của Đảng, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam để vận dụng vào giai đoạn cách mạng hiện nay. Đồng thời qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Đồng chí Võ Văn Hào - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, trong những năm qua, cấp ủy các địa phương, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội trong tỉnh đã thực hiện tốt Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư; Chỉ thị 09 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống các địa phương, ban, ngành trong tỉnh.

Nhiều đơn vị đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện; coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang (thứ 3 từ phải sang) trao sách Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 1930 - 2015 cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu nhân lễ phát hành kỷ yếu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang (thứ 3 từ phải sang) trao sách Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 1930 - 2015 cho các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu nhân lễ phát hành kỷ yếu.


Đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các địa phương đã chịu khó nghiên cứu, thu thập tư liệu từ các văn bản hiện đang lưu giữ tại địa phương cũng như các đồng chí cán bộ qua các thời kỳ ở địa phương...

Đa số các công trình được triển khai đúng quy trình khoa học. Các ấn phẩm phản ánh được quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của từng đảng bộ và phong trào cách mạng của địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
 

Từ 2002 đến nay, các ngành, địa phương đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn, chỉnh biên xuất bản 143 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Trong đó, cấp tỉnh 29 ấn phẩm; cấp huyện 16 ấn phẩm; cấp xã, phường, thị trấn có 88 đầu sách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Đến nay, chỉ có huyện Sơn Tịnh và Mộ Đức có 100% xã, thị trấn biên soạn và xuất bản sách lịch sử Đảng bộ. Một số huyện có nhiều xã, thị trấn chưa xuất bản được lịch sử Đảng bộ như: Đức Phổ còn 8 địa phương. Riêng huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Lý Sơn, mỗi huyện mới chỉ có 1 xã hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương.

Bên cạnh đó, chất lượng nội dung một số sách lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn chưa cao, chỉ liệt kê các sự kiện, hoặc có nội dung, vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử... chưa được kiểm chứng; một số nhận định mang tính chủ quan; một số sự kiện, nhân vật chủ yếu chưa được đề cập. Nhiều sách bố cục chưa xác định được mốc bắt đầu và kết thúc; phân kỳ chưa thực tế. Nhiều sách biên soạn không đúng phương pháp, logic, chưa sử dụng đúng ngôn ngữ lịch sử Đảng, viết dưới dạng báo cáo, hoặc dạng văn nói, kể chuyện...

Theo đồng chí Võ Văn Hào, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nói trên là do việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị ở một số cấp ủy, sở, ngành chưa đồng bộ. Một số sở, ban, ngành, địa phương còn lúng túng trong tổ chức thực hiện hoặc còn ngại khó khăn, phức tạp nên chưa có quyết tâm cao để thực hiện. Nhiều cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử, hoặc khoán trắng cho người biên soạn.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách lịch sử Đảng của tỉnh còn thiếu và đa phần là thế hệ trưởng thành sau chiến tranh. Cán bộ cấp xã, huyện, thành phố làm kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ chuyên môn. Người thẩm định trình độ năng lực có hạn nên để lọt thông tin rất nhiều, dẫn đến sai sót.

Những tồn tại đó đang đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thông các địa phương, ban, ngành trong tỉnh. Do đó, các cấp ủy trong tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo trong lĩnh vực này.

Bài, ảnh: BÁ SƠN
 

 


.