Kỷ niệm 91 năm ngày báo chí cách mạng việt nam (21.6.1925 - 21.6.2016)
Báo chí góp phần quan trọng vào những thành quả to lớn của quê hương, đất nước

01:06, 21/06/2016
.

 

*Đồng chí Võ Văn Hào, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Báo chí góp phần quan trọng vào những thành quả to lớn của quê hương, đất nước

Thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã thể hiện tốt vai trò là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Phần lớn các tác phẩm báo chí đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội...; phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch; quảng bá hình ảnh quê hương Quảng Ngãi đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí tỉnh nhà thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, như: Chưa thật sự bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương để phản ánh đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Các tin, bài đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhiều. Một số thông tin đăng tải thiếu khách quan, chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận... Những hạn chế, thiếu sót đó đã làm giảm tác dụng, vai trò định hướng của báo chí.

Thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục nỗ lực sáng tạo, không ngừng đổi mới, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đưa thông tin đến với nhân dân nhanh, chính xác, tạo được sự đồng thuận cao, góp phần cùng tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thách thức, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch trong năm 2016...
Bá Sơn

 

*Ông Trần Cao Tánh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Mỗi cơ quan báo chí cần đưa ra những quy tắc nhất định

Theo tôi, ngoài 9 Quy định đạo đức hành nghề của người làm báo, mỗi cơ quan báo chí nên có bảng quy tắc nghề nghiệp buộc phóng viên phải tuân thủ. Trong đó, phẩm chất quan trọng nhất là tính trung thực; cụ thể là trung thực với nguồn tin, trung thực với sự thật, không vụ lợi, không áp đặt, không bịa đặt... Nhà báo cũng phải chú trọng xu hướng chính trị của báo chí, đó là phải phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, coi đây là điều tối cao nhất cho đạo đức nghề nghiệp.

Muốn có đạo đức nghề nghiệp thì trước tiên phải nâng cao trình độ chính trị, vì nhận thức chính trị đi liền với đạo đức nghề nghiệp. Lâu nay phóng viên có những sai sót là do nhận thức, hiểu biết về chính trị chưa được đảm bảo. Đó cũng là một trong số nguyên nhân dẫn đến vấn đề thương mại hóa báo chí, gây bức xúc trong dư luận. Thực tế, có một số cá nhân làm báo vì mục đích cá nhân chứ không làm báo vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng chung phục vụ. Đây là một vấn đề đặt ra trong thời buổi hiện nay. Hơn lúc nào hết, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần đưa ra những quy tắc nhất định.

*Ông Nguyễn Đăng Lâm - nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Ngãi: Người làm báo phải luôn trung thực và dũng cảm


 Trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, một người làm báo  phải là người hội đủ 2 yếu tố chính, đó là: Trung thực và dũng cảm. Chỉ khi chúng ta giữ được tâm sáng, lòng trong thì bút mới sắc, từ đó tác phẩm ra đời mới thuyết phục, đem lại lợi ích cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đó cũng chỉ là điều kiện cần.

Muốn trở thành nhà báo giỏi, vừa có đức, vừa có tài, người làm báo phải tự rèn luyện, học tập và không ngừng vươn lên. Cuộc sống vận động không ngừng, nên chỉ có đi nhiều, tiếp xúc nhiều, sâu sát người dân, đồng cảm với từng thân phận hay nỗi khó khăn của doanh nghiệp... người cầm bút mới có được cái nhìn trung thực hơn, khách quan hơn và sâu sắc hơn. Từ đó, mỗi tác phẩm báo chí trở thành tiếng nói thôi thúc cộng đồng, các cấp, ngành hành động vì cuộc sống tốt đẹp của đồng bào, vì sự phát triển kinh tế - xã hội. Xét cho cùng, mỗi tác phẩm báo chí sẽ đọng lại lâu dài trong lòng bạn đọc bởi các yếu tố: "nhanh - đúng - trúng - hay".

Hiện nay, có một nhiệm vụ mà người dân luôn đặt niềm tin trên vai người làm báo là đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Người làm báo phải là những người tiên phong trong công tác này. Muốn vậy, phóng viên, nhà báo phải phối hợp cùng với cơ quan chức năng phụ trách lĩnh vực phòng, chống tham nhũng đưa ra công luận những cá nhân, tổ chức vi phạm. Bên cạnh đó, người làm báo phải thính, nhạy với những khuất tất và cần bản lĩnh, dũng cảm để đưa vụ việc ra ánh sáng.

 

*Ông Nguyễn Trung Quân - Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC): Thông tin thiếu chính xác làm cho doanh nghiệp điêu đứng

Chúng ta hay nói báo chí có quyền lực “mềm”. Nói cách khác, báo chí và những người làm báo có ảnh hưởng lớn đến xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Bởi một thông tin thiếu chính xác được đưa lên báo, có thể làm cho doanh nghiệp điêu đứng, xã hội ảnh hưởng nặng nề.

Với những người làm doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn nhà báo phải có cái tâm, dũng cảm bênh vực lẽ phải, lên án cái xấu và cổ vũ, động viên những mặt tích cực, đặc biệt là tôn trọng sự thật.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, chúng tôi mong muốn báo chí và những người làm báo chia sẻ nhiều hơn nữa, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về hội nhập hiện nay; thông tin kịp thời và chính xác những chủ trương lớn, để doanh nghiệp có kênh thông tin chính thống, đầy đủ nhất, để có điều kiện tiếp cận, nắm bắt cơ hội để hội nhập, làm ăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

 

*Ông Nguyễn Huy Đức - Bí thư chi bộ tổ dân phố 21 - phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi: Người làm báo phải có tâm và tầm nhìn bao quát

Theo quan điểm của tôi, ngoài cái tâm thì người làm báo phải có tầm nhìn bao quát. Trong một tình huống cụ thể, nhà báo xác định phải ứng xử như thế nào để phù hợp với quy tắc đạo đức, mang lại điều mà xã hội và công chúng mong đợi.

Vì một con sâu người ta có thể đổ đi để nấu lại nồi canh khác, nhưng một nhà báo, tác phẩm vi phạm đạo đức nghề nghiệp không những gây hậu quả xã hội to lớn, mà còn làm mất  uy tín của cơ quan báo chí.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, bàn chuyện đạo đức của người làm báo, cá nhân tôi mong sao người viết báo hãy sống và ứng xử thật khiêm tốn và đúng mực, có những bài viết khách quan, trung thực và đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Mỗi người làm báo cần nắm vững pháp luật, tuân thủ Luật Báo chí, làm tròn trách nhiệm công dân và có trách nhiệm với xã hội.


Nhóm PV Nội Chính

 


.