Góp ý vào các Văn kiện XII của Đảng: Tâm huyết, đầy trách nhiệm đối với tình hình đất nước

09:11, 16/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng được công bố, Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã triển khai lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thành viên, nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo... Cùng với việc đánh giá cao những quan điểm mới được đề cập trong Dự thảo, các nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân đã đề xuất với Đảng nhiều giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN

Đến 31.10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hoàn thành lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Theo đánh giá của Ban Thường trực, hầu hết ý kiến đánh giá dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng thể hiện được những nội dung căn bản, cốt lõi về những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; đề ra được mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2015 – 2020 sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nội dung dự thảo các Văn kiện đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, toàn diện, khoa học; thể hiện tập trung trí tuệ, trách nhiệm cao.

Mặt trận tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các văn kiện XII của Đảng
Mặt trận tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các văn kiện XII của Đảng


Phần đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 – 2015) và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986 – 2016), nêu: “Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát”, có ý kiến đề nghị thay cụm từ “dần ổn định” thành từ “cơ bản ổn định” và bổ sung từ “dần” trước cụm từ “được kiểm soát”. Vì thực tế trong những năm qua, nền kinh tế đất nước tuy có bị ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, song vẫn có sự phát triển, đời sống của nhân dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức, người nghỉ hưu nói riêng vẫn được bảo đảm tốt. Tuy nhiên, về lạm phát thì thực tế chưa hoàn toàn kiểm soát được.

Đối với việc nhận định:“Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hòa bình, ổn định được giữ vững để phát triển đất nước”. Có nhiều ý kiến đề nghị thêm cụm từ “cơ bản” trước cụm từ “được giữ vững”. Bổ sung như vậy vừa đúng thực tế, vừa làm cơ sở để xác định được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị hệ trọng là bảo vệ Tổ quốc thời gian đến như đã được xác định trong tiêu đề “bảo vệ vững chắc Tổ quốc”. Riêng phần nhận định “nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao”, có ý kiến cho rằng, đánh giá này lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay mà vấn đề nợ là do chúng ta chủ động điều hành, quản lý, cần phải thể hiện ý chí, quyết tâm điều chỉnh, không thể cứ tiếp tục chi rồi để nợ công tăng nhanh, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế quốc gia. Đây cũng là một vấn đề hệ trọng của đất nước.

Về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm đến (2016 – 2020), Đảng ta nhận định: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ diễn biến hòa bình… nguy cơ mất ổn định”. Có ý kiến cho rằng, trong đoạn này đã nêu hết bốn nguy cơ mà lại dùng từ “nhất là” là chưa chính xác. Cần viết lại như sau: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra tiếp tục tồn tại là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ diễn biến hòa bình… nguy cơ mất ổn định”. Đối với mục tiêu “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, có ý kiến đề nghị cần đưa mốc thời gian cụ thể như Đại hội XI để xác định lộ trình và phấn đấu thực hiện, thay cho từ “sớm” đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Một trong những nội dung được góp ý nhiều nhất là việc thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhiều ý kiến cho rằng: Mục tiêu, nhiệm vụ là rất đúng, nhưng kết quả thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra; còn tình trạng nói nhiều, làm ít. Ngoài ra, có nhiều ý kiến đề nghị cần tập trung nghiên cứu, rà soát, đối chiếu các nội dung tương ứng giữa Báo cáo chính trị và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; nhằm bảo đảm những nội dung đánh giá căn bản phải thống nhất giữa hai Văn kiện này.

Đồng chí Đinh Thị Hồng Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho rằng, đợt tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng lần này thông qua kênh Mặt trận là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn, nhận thức thực tế hơn những thành tựu cũng như những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, từ đó đóng góp những ý kiến góp ý thực chất, xuất phát từ trí tuệ, tâm huyết đầy trách nhiệm của người góp ý để phát triển đất nước 5 năm tới.

Bài, ảnh:THANH THUẬN
 


.