Gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát

10:10, 11/10/2012
.

(QNĐT)- Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta rất coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đó là một trong những quy luật tồn tại, phát triển của Đảng.
 

TIN LIÊN QUAN


Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng là một cơ thể sống, để tồn tại và phát triển, Đảng phải thường xuyên tăng thêm sinh lực của mình bằng cách phát triển, đưa những người ưu tú vào Đảng và kịp thời đưa những người không còn đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng.

 

Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm".
Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm". Ảnh TL


Tự phê bình và phê bình nhằm làm cho Đảng tốt hơn lên, khắc phục những hạn chế, yếu kém, cả những sự thoái hóa, hư hỏng, nhất là những suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Muốn vậy, từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên của Đảng phải đề cao tự phê bình và phê bình.

Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, Đại hội XI của Đảng đã xác định tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc của tổ chức hoạt động và sinh hoạt đảng; đồng thời cũng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ của tổ chức đảng và đảng viên là thường xuyên và nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình.

Nhờ đó, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng (gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị) thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của giai đoạn cách mạng mới.

Tuy vậy, đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới, ngày 16/1/2012, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

 Từ việc đánh giá thực trạng của cán bộ, đảng viên trong Đảng hiện nay về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; nghị quyết nghiêm khắc chỉ rõ nguyên nhân của tình hình trên là do “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân… Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát… ” (1) . Từ đó, Nghị quyết cũng xác định nhóm giải pháp đầu tiên là tự phê bình và phê bình và hiện nay các cấp uỷ Đảng đang tiến hành thực hiện vấn đề này.

Như vậy, qua nhận định về nguyên nhân của tồn tại mà Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) nêu có thể thấy, chất lượng tự phê bình và phê bình gắn với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có mối quan hệ gắn bó với nhau. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình gắn với công tác kiểm tra, giám sát (về nội dung và hình thức tự phê bình và phê bình) sẽ mang lại những hiệu hiệu quả tích cực hoặc ngược lại.

Qua thực tiễn cho thấy rằng, những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư cách đảng viên làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng trong thời gian qua xét đến cùng là do không thường xuyên tự phê bình và tiếp thu phê bình trong sinh hoạt đảng; nhưng mặc khác cũng là do các tổ chức đảng chưa thực sự làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình của đảng viên, để những tồn tại, khuyết điểm kéo dài, gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì vậy, việc gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhóm giải pháp thứ nhất của Nghị quyết TW 4 (khóa XI) là một yêu cầu khách quan, nhằm thực hiện tốt cả hai nội dung trên bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất: Gắn với tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát sẽ nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong Ðảng. Có thể nói, qua kiểm tra, giám sát, sự việc được công khai, minh bạch, mọi vấn đề không được che giấu hoặc xử lý nội bộ mà phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền phân tích, mỗi sai phạm đều được tập thể cân nhắc làm rõ; công khai, dân chủ, minh bạch làm cho mọi người cùng thấy khuyết điểm rõ hơn để tìm cách khắc phục.

Vì vậy, với phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”, công tác kiểm tra, giám sát gắn liền với tự phê bình và phê bình sẽ góp phần hạn chế hiện tượng làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ; xuê xoa, nể nang, hoặc nặng hơn là việc lợi dụng phê bình để tâng bốc nhau hoặc soi mói, chỉ trích, trù dập nhau, gây mất đoàn kết nội bộ, mất tình đồng chí trong Đảng.

Thứ hai: Tự phê bình và phê bình gắn công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần nâng cao tính gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên.


Hoạt động kiểm tra, giám sát cũng như tự phê bình và phê không phải để truy tìm khuyết điểm, để trừng phạt, để kỷ luật, mà quan trọng hơn, kiểm tra để giúp cho đảng viên khắc phục khuyết điểm, phấn đấu ngày càng tiến bộ, từ đó sẽ nâng cao ý thức tự giác của họ.

Thực tế cho thấy, ở nhiều vụ việc, do chúng ta chưa làm tốt công tác này dẫn đến đảng viên luôn tìm cách hoặc che giấu khuyết điểm hoặc vi phạm dù đã rõ.

Vì vậy, tự phê bình và phê bình gắn với kiểm tra, giám sát nhằm hướng tới rèn luyện tính tự giác để đảng viên chủ động báo cáo trung thực với Đảng khi được kiểm tra, tự giác báo cáo những kết quả và những vi phạm và cao hơn nữa là tự giác nhận hình thức xử lý; qua đó sẽ giúp mỗi tổ chức đảng, mỗi đảng viên soi lại mình, tổ chức mình, gia đình mình xem cái gì tốt thì phát huy, cái gì thiếu sót, khuyết điểm thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.

Thứ ba: Tự phê bình và phê bình gắn với kiểm tra, giám sát sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách của cán bộ, đảng viên. Nhân cách của người đảng viên là tư cách, phẩm chất của người đảng viên được bộc lộ qua quan hệ giữa đảng viên với Đảng và quan hệ giữa đảng viên với quần chúng nhân dân.

Vì vậy, ngoài tự phê bình và phê bình thì công tác kiểm tra, giám sát với những quy định cụ thể sẽ là công cụ quan trọng giúp cho cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận và hoàn thiện bản thân mình.

Qua việc được kiểm tra, giám sát (của Đảng và của quần chúng nhân dân) gắn với tự phê bình và phê bình sẽ giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện lối sống gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, quan tâm hơn đến quyền lợi của nhân dân; khi quyền lợi của nhân dân bị vi phạm, họ kiên quyết bảo vệ. Họ lắng nghe, tôn trọng khi tiếp xúc với nhân dân, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; không sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân.

Ngoài ra, tác dụng của tự phê bình và phê bình gắn với kiểm tra, giám sát để chỉ ra khuyết điểm của cán bộ, đảng viên cũng là để bảo vệ chính họ, bảo vệ Đảng, để cán bộ, đảng viên không sa vào khuyết điểm lớn hơn, nặng hơn, vì khuyết điểm của người cán bộ, đảng viên không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, mà còn có hại đến uy danh của Đảng, đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng.


                                    Th.s Đỗ Tiến Cẩn


(1) -  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.24

 


.