Mấy suy nghĩ về tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4

09:05, 02/05/2012
.

(QNg)- Tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI (NQTƯ4) là việc làm đầu tiên rất quan trọng. Tuy nhiên, học để nắm được nội dung của Nghị quyết chưa phải là vấn đề quan trọng nhất, mà cơ bản là thực hiện cho được yêu cầu nghị quyết đề ra. Vì vậy, trong quá trình quán triệt nghị quyết cần liên hệ đầy đủ, sâu sắc tình hình của đảng bộ mình, đặc biệt là những khuyết điểm, yếu kém và các nguyên nhân chủ quan chủ yếu.

TIN LIÊN QUAN


Trong các vấn đề cấp bách NQTƯ 4 đã nêu: Về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; về công tác cán bộ; về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan đơn vị, cần xác định trong Đảng bộ thể hiện như thế nào, mặt nào là nghiêm trọng nhất, nơi nào là phổ biến nhất, tác hại đến mức độ nào, ảnh hưởng đối với lòng tin của dân đối với Đảng biểu hiện ra sao. Nguyên nhân chủ quan do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, của tập thể lãnh đạo như Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, hay chủ yếu do người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, bộ phận tham mưu...

Liên hệ được đầy đủ và sâu sắc, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật mới định hướng được nội dung tự phê bình và phê bình cho tập thể, cá nhân và khi cần, gợi ý được chính xác cho tập thể, cá nhân tự kiểm điểm. Các tổ chức, tập thể và cá nhân tự liên hệ với những khuyết điểm, yếu kém chung trong toàn Đảng là một bước chuẩn bị cho tự phê bình và phê bình; tránh cách suy nghĩ khuyết điểm là của người khác, tập thể khác, đơn vị và cá nhân mình chỉ có ưu điểm và thành tích; trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũõng, lãng phí, chạy theo danh lợi tiền tài là ở nơi khác, người khác, trong đó không có đảng bộ mình, cá nhân mình.

Về tự phê bình và phê bình: Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ: "Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tập thể và cá nhân), các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng kiểm điểm trước với tinh thần gương mẫu để cấp ủy, cán bộ, đảng viên cấp dưới thực hiện theo. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại. Về quy định này có mấy vấn đề xin được làm rõ. Đó là về cơ chế giám sát, thẩm định: Thế nào là kiểm điểm đạt yêu cầu hay không.

Cách đánh giá và tập thể nào có quyền phán quyết? Những nơi mà cấp ủy cấp trên mất đoàn kết, nhiều khuyết điểm, liệu có đủ điều kiện đánh giá cấp dưới kiểm điểm tự phê bình và phê bình đạt yêu cầu hay không? Vì vậy xin đề nghị: Sau khi tự phê bình và phê bình xong ở một cấp bên trên, nên dành thời gian thông báo cho cấp dưới biết kết quả chung để cấp dưới học tập, noi theo. Đồng thời thu thập ý kiến phản hồi từ bên dưới để cấp trên tự xem xét lại đã thực hiện tự phê bình và phê bình đạt yêu cầu hay chưa.

Đối với những vụ việc có khuyết điểm, sai lầm lớn, hậu quả nghiêm trọng, sau khi tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu tự phê bình và phê bình, cần thông báo cho cấp dưới, thậm chí toàn Đảng biết (nếu ở cấp Trung ương). Đừng ngại việc thông báo như thế, vì Đảng ta không sợ công khai tự phê bình và phê bình; khi tự nhận thấy khuyết điểm, sai lầm và ra sức sửa chữa thì uy tín sẽ ngày càng được củng cố và nâng cao.

Về thời gian thực hiện tự phê bình và phê bình: Kế hoạch là cần thiết nhưng đừng quá gò bó về thời gian. Cần làm từng bước thật chắc. Với suy nghĩ đó, xin đề nghị nên quy định: Khi nào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương và cá nhân ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ủy viên Trung ương Đảng kiểm điểm tự phê bình và phê bình xong (tức là kiểm điểm đạt yêu cầu, thực sự là tấm gương cho cấp dưới noi theo) thì Trung ương cho phép cấp tỉnh, thành, đảng bộ trực thuộc TƯ tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Tương tự như vậy, BCH Đảng bộ, tỉnh, thành, đảng bộ trực thuộc Trung ương nào được Trung ương xác nhận làm xong đạt yêu cầu thì cho phép cấp huyện, thành phố trực thuộc, đảng ủy trực thuộc tiến hành. Khi Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xác nhận BCH Đảng bộ huyện, quận, đảng bộ trên cơ sở nào làm xong đạt yêu cầu thì cho phép đảng bộ cơ sở tiến hành.

Cần thật sự đổi mới cách tổ chức thực hiện NQTƯ 4, tránh chạy theo thời gian, tránh kiểm điểm tự phê bình và phê bình mang tính hình thức, không đảm bảo chất lượng tự phê bình và phê bình như yêu cầu NQTƯ 4 đề ra.


Trịnh Quang Hạo
 


.