Vài nhận thức về Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: Nhìn từ những cái mới

02:03, 26/03/2012
.

(QNg)- Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII chỉ rõ: "Đảng chỉ ra nghị quyết, chỉ thị khi thật cần thiết. Nghị quyết phải ngắn gọn, rõ ràng, các cấp ủy và tổ chức đảng từng ngành có thể thực hiện được ngay, giảm bớt thời gian chờ đợi hướng dẫn, cụ thể hóa ở các cấp". Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã thể hiện được tinh thần đổi mới đó với các vấn đề rất cơ bản:

1. Làm nổi bật sự cần thiết phải ra nghị quyết về xây dựng Đảng hiện nay. Sự cần thiết đó đã được đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thuyết trình thật đầy đủ tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai nghị quyết ngày 27/2/2012. Trong nghị quyết, sau khi tóm tắt thành tựu về xây dựng Đảng qua 25 năm đổi mới và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nghị quyết đã tập trung làm rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục; khuyết điểm, yếu kém về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý kể cả cán bộ cao cấp, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Nghị quyết cũng đã phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan đầy đủ và sâu sắc, nhất là nguyên nhân chủ quan. Từ việc phân tích tình hình và nguyên nhân, Trung ương đã chọn 3 vấn đề cấp bách để tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tránh những cách làm dàn trải trước đây trong công tác xây dựng Đảng. Trong ba vấn đề cấp bách được chọn có liên quan mật thiết với nhau thì vấn đề được xác định là trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách nhất, là khâu đột phá trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng hiện nay, đó là: "Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng".

2. Mục tiêu đề ra ngắn gọn rõ ràng, nhưng thực hiện phải đầy quyết tâm, vượt qua thử thách, không chút dễ dàng, đó là "phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng...". Đây là điểm yếu trong việc thực hiện mục tiêu của nhiều nghị quyết về xây dựng Đảng trước đây. Về phương châm đề ra với cái mới là thể hiện sự quyết tâm cao, quyết liệt, đó là: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh,...", "Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp Trung ương người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo,...", "Phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; đồng thời không để rơi vào trì trệ, hình thức, không chuyển biến được tình hình...".

3. Về giải pháp, đây là nội dung thật mới trong nghị quyết này. Lâu nay hiếm có nghị quyết nào về xây dựng Đảng mà dành hơn 50% câu chữ để nói về các giải pháp thực hiện. Trong giải pháp lại được chia ra từng nhóm, trong mỗi nhóm các nội dung đề ra có mối liên kết chặt chẽ để đưa đến một kết quả toàn diện. Các nhóm đó là: Nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về công tác chính trị, tư tưởng. Các nhóm giải pháp thực chất là hướng dẫn nội dung và cách triển khai thực hiện các mục tiêu và nội dung ba vấn đề cấp bách mà nghị quyết đề ra và các yêu cầu phải đạt được. Đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, như cách ra Nghị quyết Trung ương 4 lần này thì các cấp, các ngành có thể tổ chức thực hiện được ngay, giảm bớt thời gian chờ đợi hướng dẫn, cụ thể hóa ở trên.

Ngoài những cái mới đã nhận thức trên, có thể nêu một số điểm mới khác, đó là:
Nghị quyết yêu cầu cụ thể đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành TƯ nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên trong việc kiểm điểm các khuyết điểm, yếu kém và tìm cho được nguyên nhân đích thực gây trở ngại trong việc thực hiện các nghị quyết về xây dựng Đảng trước đây. Yêu cầu phải trung thực trong việc kê khai tài sản và công khai nơi công tác và nơi cư trú.

Nghị quyết đề ra việc hướng dẫn để sớm thực hiện quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Ban hành quy chế để hàng năm BCH Trung ương góp ý kiến thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể BCT, BBT; BCH Đảng bộ các cấp góp ý kiến thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp mình.

Tin tưởng rằng, với sự đổi mới trong việc ra Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và tổ chức thực hiện nghị quyết qua Chỉ thị số 15/CT-TƯ của Bộ Chính trị ngày 24/2/2012 và hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết ngày 27-29/2/2012 vừa qua là tiền đề quan trọng để đảm bảo sự thành công của việc thực hiện nghị quyết này.


Trịnh Quang Hạo
 


.