Trà Bồng hôm nay

02:08, 27/08/2010
.

(QNg) - Năm 1959 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, đồng bào các dân tộc ở Trà Bồng cùng các huyện miền Tây Quảng Ngãi sát cánh bên nhau làm nên khởi nghĩa Trà Bồng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn mới... Và hôm nay, đồng bào các dân tộc ở Trà Bồng luôn đoàn kết son sắt theo Đảng, thi đua sản xuất chiến thắng đói nghèo, xây dựng quê hương no ấm, hạnh phúc.

 Sau ngày giải phóng, Trà Bồng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đời sống đồng bào thiếu thốn đủ bề. Khó khăn là vậy nhưng đồng bào các dân tộc ở Trà Bồng đã đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
 
Thông qua các Chương trình 134, 135... Nhà nước đã đầu tư cho Trà Bồng hàng trăm tỷ đồng, xây dựng hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, tạo động lực cho đồng bào huyện Trà Bồng vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
 
Đồng thời các chính sách, dự án về hỗ trợ an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ  như: Hộ nghèo được cấp thẻ khám, chữa bệnh; học sinh được miễn, giảm học phí, được cấp đồ dùng học tập đến trường; xây dựng mới và sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà, công trình nước sinh hoạt; trợ giúp pháp lý; đào tạo cán bộ...

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, cán bộ và nhân dân Trà Bồng đã đưa ra nhiều giải pháp tận dụng thế mạnh của mình để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó Trà Bồng đã phát huy thế mạnh về lâm nghiệp, ưu tiên trồng và chăm sóc keo lá tràm, quế. Trong 5 năm (2005 - 2010), Trà Bồng đã trồng 16.328 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng lên 47%. Cùng với trồng rừng, Trà Bồng còn chú trọng vào việc khai hoang ruộng bậc thang, nâng diện tích cây lúa nước lên 1.830 ha, năng suất đạt 38,4 tạ/ha, sản lượng hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch. Nếu năm 2006 sản lượng được hơn 6.200 tấn thì đến năm 2010 đạt 8.200 tấn, góp phần ổn định lương thực ở địa phương.
 
Một góc thị trấn Trà Xuân hôm nay.
Một góc thị trấn Trà Xuân hôm nay.

Tận dụng thế mạnh của địa phương, Trà Bồng đã tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình lúa chất lượng cao, mô hình nuôi cá, cải tạo đàn bò, trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng... Đến nay Trà Bồng có 23.666 con gia súc (đàn bò 10.382 con); từng bước hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng chuyên canh mì, keo. Từ những kết quả trên giá trị sản xuất của huyện Trà Bồng cũng đạt cao so với kế hoạch huyện qua các năm. 5 năm (2005 - 2010), tổng giá trị sản xuất đạt 1.407 tỷ đồng, tăng 93% so với giai đoạn 2000 - 2005. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 16,6%. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 587,2 tỷ đồng; tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 636,2 tỷ đồng và thương mại dịch vụ đạt 183,6 tỷ đồng.

Kinh tế phát triển, đời sống đồng bào đã đỡ hơn nhiều so với trước đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm và giảm từ 79,48% (năm 2005), xuống còn 50,37% (năm 2010). Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như giáo dục, y tế cũng được huyện chú trọng. Từ các nguồn vốn huy động và vốn ngân sách hỗ trợ, Trà Bồng đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở trường học, trạm y tế đáp ứng phần nào nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của đồng bào. Đến nay Trà Bồng có 98% người dân được nghe đài và 90% người dân được xem truyền hình; 92% hộ dân được dùng điện quốc gia; 62% hộ gia đình, 95% cơ quan, 56% thôn đạt tiêu chuẩn gia đình, cơ quan, thôn văn hóa... An ninh quốc phòng luôn được giữ vững, hằng năm có trên 50% số xã vững mạnh về quốc phòng an ninh. Hàng trăm đảng viên luôn gắn bó với buôn làng sát cánh cùng bà con xây dựng nông thôn mới.

Theo lãnh đạo huyện Trà Bồng, đời sống đồng bào sẽ được cải thiện hơn khi huyện hình thành và đưa các dự án: Thủy điện Hà Nang, Trà Bói; khu nghỉ dưỡng sinh thái Cà Đam, sinh thái và cụm công nghiệp Thạch Bích; cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề thị trấn Trà Xuân... vào hoạt động.
 
B S 

.