Nghe một bài hát 50 năm trước

11:12, 25/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vào những ngày này, năm 1972, cách đây tròn 50 năm, tôi đang ở chiến trường ven lộ Bốn thuộc Cai Lậy - Mỹ Tho. Giữa những ngày chống càn ác liệt, ban ngày quân giải phóng đánh giặc, chúng tôi tạm lánh, ở sát vùng chiến sự, đêm xuống, khi trận đánh đã ngừng, chúng tôi trở lại địa bàn, lặn lội về xóm người dân trụ bám, về địa hình là những khu vườn bỏ hoang.
 
Dạo đó hình như đã Noel, đêm ở vùng Cai Lậy đã bắt đầu có gió chướng thổi lao xao trên ngọn cây trâm bầu. Chúng tôi lúc lội nước, lúc đi trên đường bờ ruộng tới nhà người dân. Vào một đêm như thế, khi anh bạn cùng đoàn công tác mở radio Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi chợt nghe tin tức về máy bay B-52 Mỹ ném bom Hà Nội. Chỉ nghe như thế, tôi lặng người, rồi tự nhiên nước mắt ứa ra. Tôi khóc vì thương Hà Nội, vì biết độ tàn phá khủng khiếp của bom B-52, vì thương thầy má mình ở Hà Nội không biết thế nào, có kịp sơ tán không. Tâm trạng tôi lúc ấy, quả thật rối bời. Nhưng rồi, tôi nghe tiếp Đài Tiếng nói Việt Nam. 
 
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.                       Ảnh: TTXVN
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Ảnh: TTXVN
Ngay sau bản tin, vút cao lên một bài hát do nghệ sĩ Trần Khánh và dàn đồng ca của đài thể hiện. Bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Tôi nghe phần lĩnh xướng của danh ca Trần Khánh vang lên trầm tĩnh kỳ lạ, và dàn đồng ca phất cao những dòng âm thanh - ánh sáng, quyết liệt và tự hào, đau thương nhưng không gục ngã. Âm nhạc ấy khiến lòng tôi yên tĩnh trở lại. Đó là âm nhạc chiến đấu, nhưng trào lên giữa niềm tự hào là nỗi đau thương, và nén chặt đau thương là hùng khí của Hà Nội, hùng khí của cả dân tộc không bao giờ chịu khuất phục:
 
“B-52 tan xác cháу sáng bầu trời/Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời/Rồng ta lao vút tới vâу bắt lũ hung thần khát máu".
 
Tôi nghe bài hát, và một luồng năng lượng bỗng chạy suốt châu thân tôi, mạnh mẽ, ấm áp, khiến tôi vượt qua phút yếu lòng. Âm nhạc Phạm Tuyên lúc ấy trở thành người bạn đáng tin cậy, trầm tĩnh, tự tin, lan tỏa lòng can đảm, khiến người nghe như bừng tỉnh. Tôi hiểu, bản thân mình đã chuyển qua một trạng thái khác.
 
Chúng ta bây giờ gọi âm nhạc chiến đấu ngày ấy là "nhạc đỏ", cách gọi ấy vẫn chưa nói hết được phần mãnh liệt mà âm nhạc chiến đấu ngày ấy mang lại cho người nghe, nhất là người nghe trong chiến tranh, giữa cuộc chiến đấu. Bởi khi ấy, người nhạc sĩ sáng tác bài hát, ca sĩ thể hiện bài hát đều là những chiến sĩ. Và Hà Nội 12 ngày đêm ấy là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Khi tất cả các loại vũ khí đều hiệp đồng trong tác chiến chống máy bay B-52, thì âm nhạc hay thơ ca là những vũ khí đặc biệt có thể xốc dậy tinh thần con người, nâng con người đứng thẳng kiên cường trong cuộc chiến đấu sinh tử. Âm nhạc của Phạm Tuyên là một vũ khí như vậy.
 
Cho tới bây giờ, 50 năm đã qua, đất nước ta đã hòa bình 47 năm, nhưng nghe lại bài hát "Hà Nội - Điện Biên Phủ" chúng ta vẫn còn xúc động. Vì đó là minh chứng cho tinh thần, cho tâm hồn Hà Nội, tâm hồn dân tộc chúng ta. Những giá trị ấy là bất tử!
 
THANH THẢO
 

.