Phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số quốc gia

02:12, 25/12/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
[links()]
 
Sáng 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022  -2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
 
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.  
 
Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;…
 
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi. Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới đầu cầu các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. 
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ.
 
Qua 1 năm triển khai Đề án 06, đến nay cả nước đã hoàn thành và đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao. Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thay đổi tư duy trong phối hợp đồng hành của các bộ, ngành trong phối hợp giải quyết phục vụ nhân dân. 
 
Đã bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng số; cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế; tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền...
 
Hệ thống định danh và xác thực điện tử đã phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân, trong đó trên 2,6 triệu tài khoản đã kích hoạt; cấp 76,5 triệu thẻ căn cước công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 12 đơn vị bộ, ngành và 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; Có 4 bộ, ngành đã triển khai số hoá, tạo lập dữ liệu dùng chung; 5 bộ, ngành và triển khai số hoá một phần.
 
 Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong 107 nhiệm vụ mà Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành thì đến nay có 42 nhiệm vụ của các bộ, ngành đã hoàn thành; 2 nhiệm vụ đang triển khai; 59/63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ.

Trong năm, các lĩnh vực về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, an toàn, an ninh mạng, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh đều đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; 11 tháng đầu năm có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 5,8 triệu văn bản điện tử gửi và nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia. Ước tính tỷ trọng kinh tế số đạt 14,18% GDP; số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 70 nghìn doanh nghiệp…
 
Chuyển đổi số đã góp phần giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. 
 
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, phân tích, đánh giá những kết quả trong thực hiện Đề án 06 trong năm qua; đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương. Các đại biểu chỉ rõ những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện; đề xuất các giải pháp trọng tâm triển khai Đề án 06 trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn.
 
Hội nghị đã thống nhất đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; ngoài những công việc theo lộ trình Đề án 06, cần tập trung khắc phục những “điểm nghẽn" của năm 2022.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo hội nghị.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
 
Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số đã từng bước chuyển đổi nhận thức và chuyển đổi thói quen từ môi trường thực sang môi trường số. Nhiều sản phẩm chuyển đổi số đã thể hiện được tính hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. 
 
Thủ tướng nêu rõ năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
 
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là chuyển đổi cả về tư duy và hành động. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp thu thành tựu kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của đất nước, địa phương, đồng thời cần có tư duy, tầm nhìn chiến lược.
 
Thực hiện chuyển đổi số cần huy động tổng lực sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và phải bảo đảm an toàn thông tin. Việc triển khai thực hiện cần bài bản, tránh tình trạng chồng chéo, hình thức, lãng phí và phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 một cách chủ động, tích cực, thực chất, hiệu quả. Tập trung hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong quá trình triển khai kế hoạch đề ra, các đơn vị cần kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc phát sinh để xử lý dứt điểm. 
 
"Năm 2023 là năm 'Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới' với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tin, ảnh: H.P

.