Dâng hương tưởng niệm 70 năm ngày mất quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng

02:04, 21/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 21.4, tại di tích mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 70 năm ngày mất quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (21.4.1947- 21.4.2017). 

TIN LIÊN QUAN

Dự lễ có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ; Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Lê Quang Thích; đại diện lãnh đạo Quân khu V; một số sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam; đại diện gia tộc họ Huỳnh ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam; cùng đông đảo nhân dân và học sinh trên địa bàn phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi.
 
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 
 
Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Văn Thước, sinh ngày 01.10.1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
 
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tham gia khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân, góp phần khơi dậy phong trào yêu nước rộng khắp. Trên cương vị là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ nhiệm, kiêm chủ bút Báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tích cực đấu tranh đòi quyền lợi cho dân, cho nước.
 
Lãnh đạo tỉnh dâng hương Cụ Huỳnh Thúc Kháng
Lãnh đạo tỉnh dâng hương Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cụ Huỳnh Thúc Kháng được mời tham gia Chính phủ lâm thời, với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, Cụ được giao giữ Quyền Chủ tịch nước. Với trọng trách được giao, Cụ vừa tích cực góp phần xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động.
 
Ngày 21.4.1947, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh qua đời tại thôn Phú Bình, xã Hành Phong, nay là thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
 
Cuộc đời cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương tiêu biểu của một bậc đại trí thức yêu nước nhiệt thành, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, vì dân, vì nước đến hơi thở cuối cùng. Với 71 năm tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có nhiều công lao to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Trước sau Cụ luôn thể hiện nhân cách của một người chí sĩ, suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập.
 
Đông đảo cán bộ và người dân đến dâng hương Cụ Huỳnh
Đông đảo cán bộ và người dân đến dâng hương Cụ Huỳnh.
 
Đọc diễn văn ôn lại sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch UBND Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh: Tưởng niệm 70 năm ngày mất cụ Huỳnh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và mãi mãi tri ân những đồng chí, đồng đội và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã kề vai sát cánh làm nên những mốc son lịch sử trong thời gian Cụ Huỳnh công tác và làm việc tại quê hương Quảng Ngãi. Thế hệ hôm nay và lớp lớp con cháu mai sau sẽ mãi mãi không quên những đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và cho tỉnh nhà.
 
Sau lễ dâng hương, hoa tưởng niệm tại di tích mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn, các đại biểu đã đến dâng hương tại Di tích trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, nơi cụ Huỳnh ở và làm việc tại Quảng Ngãi trong những năm kháng chiến chống Pháp.
 
N.Đức
 

.