Liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp

05:02, 27/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sẽ đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó góp phần giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong tỉnh.
[links()]
 
Nhiều tiềm năng, thế mạnh
 
Vùng DTTS&MN của tỉnh là khu vực giàu tiềm năng về đất đai, lợi thế cho phát triển nhiều loại nông, lâm sản. Đơn cử như huyện Sơn Tây, với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để trồng các loại cây dược liệu như địa liên, tam thất nam, thất diệp nhất chi hoa (sâm bảy lá), gừng sẻ, nghệ... Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm cho biết, huyện xác định việc bảo tồn và trồng một số loại cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương sẽ góp phần vào mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu dược liệu ổn định, hướng đến cải thiện sinh kế bền vững cho người dân. Trên cơ sở những mô hình, dự án hiệu quả, thời gian tới, huyện tập trung thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường.
 
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và các doanh nghiệp khảo sát thực tế để đầu tư các dự án liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp tại xã Sơn Kỳ (Sơn Hà).
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh và các doanh nghiệp khảo sát thực tế để đầu tư các dự án liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp tại xã Sơn Kỳ (Sơn Hà).
Tại huyện Sơn Hà, đến nay, các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như gà kiến, mắm cá niên, khổ qua rừng và một số sản phẩm khác đã được hình thành và phát triển. “Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.000ha trồng mì bị bệnh vi rút khảm lá, nên huyện có chủ trương chuyển đổi diện tích này sang cây trồng khác. Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà đầu tư có tâm huyết để đồng hành cùng với huyện thực hiện các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực của địa phương; đồng thời nâng cao đời sống cho người dân, nhất là đồng bào DTTS”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho hay.
 
Đẩy mạnh quảng bá thu hút đầu tư
 
Thực hiện các nội dung thuộc Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh), từ cuối năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Khe Xai Eco (Hà Tĩnh), Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C khảo sát đầu tư các dự án liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN tại các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ. Các dự án được hướng đến là trồng và chế biến các cây dược liệu, hương liệu như tam thất nam, sả chanh Ấn Độ, nuôi bò thảo dược, trồng tre lấy măng...
 
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn cho biết, các DN trên có hướng đầu tư phù hợp với điều kiện của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Do đó, Ban Dân tộc tỉnh đã kết nối DN với các địa phương, nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện tốt trong việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian đến.
 
Qua các buổi làm việc với địa phương và khảo sát thực tế, các DN đã bước đầu lựa chọn xây dựng một số chuỗi liên kết sản xuất tại các xã Sơn Tinh (Sơn Tây), Sơn Kỳ (Sơn Hà) và Ba Ngạc (Ba Tơ). Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh Trần Quý chia sẻ, trên cơ sở khảo sát, UBND xã giới thiệu vùng trồng cây dược liệu là tam thất nam, thất diệp nhất chi hoa, sả chanh Ấn Độ tại điểm suối Thác Lụa, thôn Bà He và Xà Ruông, với khoảng 300ha. Địa phương cũng dự kiến vùng chăn nuôi tại thôn Nước Kỉa (150ha) để phục vụ cho việc chăn nuôi bò thảo dược. Nếu các dự án được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân...
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 

.