Lan tỏa sản phẩm OCOP

14:55, 05/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm đặc trưng và thế mạnh địa phương. Qua đó, giúp TP.Quảng Ngãi trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP.

Người dân đồng lòng phát triển

Hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, TP.Quảng Ngãi đã khơi dậy và thúc đẩy phát triển sản phẩm là đặc sản, thế mạnh của quê hương trong cộng đồng. Minh chứng là, các chủ thể của sản phẩm OCOP trên địa bàn, không chỉ là hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn có sự tham gia của cộng đồng dân cư với "bà đỡ" là các hợp tác xã (HTX).

Tại xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), hàng chục nông dân trên địa bàn đã đồng hành cùng HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà hoàn thành các thủ tục, để dưa leo và bí đao Nghĩa Hà trở thành những sản phẩm đạt chuẩn OCOP đầu tiên của TP.Quảng Ngãi.

Thành phố Quảng Ngãi hỗ trợ người dân mở các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP trong tháng 10/2023.
Thành phố Quảng Ngãi hỗ trợ người dân mở các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP trong tháng 10/2023.

"Làm nông nghiệp ở thời đại 4.0, chúng tôi xác định, phải nhạy bén và tích cực nắm bắt những cái mới. Từ khi OCOP còn là điều khá mới mẻ trên thị trường, chúng tôi may mắn được địa phương hỗ trợ, đồng hành nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội và triển khai ngay. Nhờ đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, bí đao, dưa leo của xã Nghĩa Hà được nhiều người tiêu dùng biết đến và có cơ hội vào siêu thị, các cửa hàng lớn, với giá bán cao hơn", Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nghĩa Hà Lê Văn Nghĩa vui mừng cho biết.

Ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), nơi được xem là vựa rau diếp cá của tỉnh (diện tích gần 18ha, sản lượng khoảng 14 nghìn tấn/năm), nông dân nơi đây cũng nhạy bén phát triển rau diếp cá trở thành sản phẩm OCOP. "Rau diếp cá trồng 1 lần, thu hoạch nhiều năm, nhưng trước đây, chúng tôi chỉ quen làm theo kiểu trồng rồi bán cho thương lái, chứ đâu ai nghĩ đến việc rau mà cũng cần có nhãn hiệu. Nhưng khi được UBND xã hướng dẫn, phổ biến về những cái được khi đạt OCOP, chúng tôi quyết tâm phải cùng cộng đồng trách nhiệm và tham gia", bà Nguyễn Thị Hoa, một hộ trồng diếp cá tại Tịnh Châu, chia sẻ.

Theo đuổi hành trình phát triển rau diếp cá của quê hương mình trở thành sản phẩm OCOP, gần 30 hộ dân tại Tịnh Châu, với "bà đỡ" là HTX nông nghiệp Tịnh Châu đã đồng lòng trồng rau theo quy trình sạch, kiên trì xây dựng nhãn hiệu cùng các thủ tục cần thiết để được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. "Đến nay, sau gần 2 năm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, chúng tôi tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý cho rau diếp cá Tịnh Châu, với mong muốn sản phẩm OCOP của địa phương ngày càng chất lượng hơn, giá trị kinh tế cao hơn, để tạo việc làm ổn định và giúp người dân có thu nhập khá", Giám đốc HTX Nông nghiệp Tịnh Châu Đặng Hoàng Sơn bày tỏ.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Là chủ thể của sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh (với sản phẩm bò khô Thu Ba), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba đã phát triển điểm bán sản phẩm OCOP tại phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), với hơn 100 sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Theo Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba Lê Nhất Vũ, không chỉ phát triển điểm bán sản phẩm OCOP để bán sản phẩm theo hướng truyền thống, công ty còn bán sản phẩm OCOP của chính mình là bò khô Thu Ba và các sản phẩm OCOP của các chủ thể khác trên sàn thương mại điện tử và trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là cách để sản phẩm OCOP lan tỏa trên thị trường, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba mở điểm bán sản phẩm OCOP tại phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) để bán sản phẩm OCOP bò khô do công ty sản xuất cùng với hơn 100 sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thu Ba mở điểm bán sản phẩm OCOP tại phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) để bán sản phẩm OCOP bò khô do công ty sản xuất cùng với hơn 100 sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Tính đến nay, TP.Quảng Ngãi có 36 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao (chiếm 1/3 sản phẩm OCOP 4 sao toàn tỉnh), 33 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Cùng với đó, TP.Quảng Ngãi phát triển 5 điểm bán sản phẩm OCOP, góp phần lan tỏa sản phẩm ra thị trường. Thành phố cũng là địa phương có số lượng điểm bán sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Lâm, thời gian qua, thành phố xác định, hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng. Bởi, phát triển sản phẩm OCOP giúp tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là người dân vùng ven đô thị.

Cũng theo ông Lâm, quan điểm của thành phố trong phát triển sản phẩm OCOP là, không chỉ chú trọng phát triển về số lượng, mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Vì vậy, địa phương đang tiếp tục hỗ trợ người dân cải tiến mẫu mã, đổi mới quy mô sản xuất và làm "bà đỡ" cho các chủ thể trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường. Trong đó, thành phố dự kiến hình thành một số tuyến phố đi bộ, kết hợp mở các điểm bán sản phẩm OCOP của TP.Quảng Ngãi nói riêng và toàn tỉnh nói chung trên phố đi bộ, nhằm tạo cơ hội cho sản phẩm OCOP phát triển bền vững. 

Hỗ trợ gần 3 tỷ đồng xây dựng thương hiệu
Đồng hành cùng người dân phát triển sản phẩm OCOP, trong 3 năm qua, TP.Quảng Ngãi đã chi gần 3 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể sản phẩm hoàn tất các quy trình, thủ tục để xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Những hỗ trợ kịp thời, thiết thực này tạo tiền đề để người dân bắt nhịp, nâng tầm sản phẩm thế mạnh của thành phố, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người dân.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 

Xuất bản lúc: 14:55, 05/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.