Mối nguy từ trào lưu văn hóa lệch chuẩn

15:10, 11/05/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Mấy ngày qua, một đoạn rap được chế lời từ bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu đã lan truyền nhanh chóng trên khắp nền tảng Tik Tok, gây nên làn sóng tranh cãi từ cư dân mạng. Hiện tượng “lệch chuẩn” về lịch sử, văn hóa của giới trẻ đang trở thành nỗi băn khoăn, trăn trở trong xã hội.

Hình ảnh Lượm bị biến tấu

Lượm là bài thơ rất đỗi quen thuộc đối với người dân Việt Nam, được nhà thơ Tố Hữu phác họa hình ảnh một cậu bé liên lạc trong những năm kháng chiến chống Pháp, vừa hồn nhiên, hăng hái và dũng cảm. Hình ảnh Lượm đã khắc sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam, cống hiến hết mình vì đất nước, non sông. Bài thơ đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt phần Tập đọc lớp 2 và Ngữ văn lớp 6 học kỳ II.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, hình ảnh Lượm lại bị chế thành nhạc và bị biến tấu mất đi tinh thần gốc ban đầu: “Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ Cái đầu cắt moi...”. Đây là một đoạn trong bài rap chế lời do rapper 2See và DJ FWIN thực hiện. Đoạn nhạc cùng hashtag "Chubeloatchoat" đã nhanh chóng lan truyền và trở thành trào lưu trên khắp mạng xã hội Tik Tok. Hiện, từ khóa “chubeloatchoat” có tới 38,3 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội này.

Trong đó, phổ biến nhất là những video với hình ảnh học sinh đứng lên bàn ghế, mặc quần tây, áo trắng, áo dài, đồ thể dục nhưng có tư thế khá nhạy cảm, không phù hợp. Thậm chí, còn có một số video lại sử dụng nhạc kết hợp với mặc bikini.  

Học sinh mặc áo dài với tư thế không phù hợp, đứng lên bàn ghế để “đutrend”
Học sinh mặc áo dài với tư thế không phù hợp, đứng lên bàn ghế để “đu trend”

Ngay khi trend này được chia sẻ rầm rộ, đoạn nhạc này nhanh chóng bị chỉ trích vì nội dung và hình ảnh đều không phù hợp với tinh thần thiêng liêng của bài thơ về nhân vật lịch sử. Bên cạnh thái độ phẫn nộ, phản đối gay gắt thì còn có những hoài nghi của số đông khán giả về phương pháp giáo dục và nhận thức của giới trẻ hiện nay đối với lịch sử, văn hóa. 

“Lệch chuẩn” về văn hóa và lịch sử

Không rõ đây là lần thứ bao nhiêu vấn đề “nhạc rác”, nhạc chế có nội dung phản cảm trên mạng xã hội bị lên án. Thế nhưng, những hành động xử lí không triệt để chỉ làm cho trào lưu này lắng xuống và trong thời gian không lâu một trào lưu phản cảm khác nổi lên và xâm chiếm nhận thức giới trẻ. 

Với bản chất không giới hạn của Internet và mạng xã hội, hằng ngày giới trẻ thường tiếp cận với hàng tá thông tin khác nhau. Còn quá “hẹp” trong khả năng nhận diện và đánh giá thông tin, giới trẻ vẫn thường hay tiếp nhận số lượng lớn thông tin xấu, độc. Với một số bạn trẻ hiện nay, nhạc đơn giản chỉ là giai điệu bắt tai hoặc chạy theo trào lưu, câu like, câu view. 

Cô giáo Huỳnh Thị Vân - Trường Trung học cơ sở Vạn Tường chia sẻ, việc bóp méo những tác phẩm văn học, hình tượng lịch sử không chỉ làm mất đi tính thiêng liêng hào hùng, mà còn đi ngược với những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc. Càng có nhiều học sinh tiếp xúc thì càng tiếp tay cho những thông tin xấu, độc. Cũng chính từ đó mà giới trẻ rất nhanh sẽ dễ dàng bị hấp dẫn và hòa nhập theo những hành vi, lối sống xấu từ những trào lưu này.

Lịch sử dần bị giới trẻ lãng quên, coi thường các giá trị tiêu biểu của nghệ thuật kháng chiến, mượn chữ nghĩa văn chương để bôi lem, làm xấu hình ảnh một số anh hùng, danh nhân của đất nước. Bởi, những hi sinh, vất vả của thế hệ cha ông chỉ vẫn nằm trên những trang giấy, con chữ và chưa thực sự đi vào trái tim, nhận thức của thế hệ mới. 

Trước hiện trạng đầy nhức nhối, Giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng Nguyễn Thị Phương Hảo bày tỏ, đây là vấn đề cần được giải quyết từ phía cấp nhà quản lý. Cần quản lý chặt các nội dung thông tin, có biện pháp chế tài xử lý những thông tin tiêu cực. Đồng thời về phía nhà trường cũng nên có những phương pháp giáo dục thiết thực và hiệu quả, tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan thực tế và tuyên truyền sâu rộng hơn các giá trị văn hóa, lịch sử cho các bạn trẻ.

Các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế là một trong những giải pháp góp phần hạn chế vấn đề “lệch chuẩn” về lịch sử, văn hóa trong học sinh, sinh viên.
Các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế là một trong những giải pháp góp phần hạn chế vấn đề “lệch chuẩn” về lịch sử, văn hóa trong học sinh, sinh viên.

Nếu như các cơ quan quản lý không vào cuộc kịp thời, đưa ra những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì không dừng lại ở Lượm, vấn đề “lệch chuẩn” về lịch sử, văn hóa sẽ vẫn còn tiếp diễn, lan rộng và ngày càng ăn sâu vào tư tưởng, lối sống của giới trẻ.

Bài, ảnh: TRẦN THẢO – THY PHƯỚC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.