Đại tá Trịnh Đình Thạch - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh: Lý Sơn là phòng tuyến quân sự then chốt của Tổ quốc

10:10, 01/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện đảo Lý Sơn được xem là đảo tiền tiêu, là phên giậu của Tổ quốc. Do đó, giữ vững an ninh - quốc phòng là một trụ cột quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện Lý Sơn. Xung quanh vấn đề này, PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trịnh Đình Thạch- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh.

-PV: Xin đồng chí cho biết, huyện đảo Lý Sơn có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc?

Đại tá Trịnh Đình Thạch: Để xây dựng huyện đảo Lý Sơn phát triển toàn diện và bền vững thì điều tiên quyết đặt ra là, phải không ngừng củng cố, tăng cường sức mạnh kinh tế của Lý Sơn, đồng thời xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên đảo và trên biển. Trong đó, xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là vấn đề chiến lược, then chốt.

Trong những năm qua, Lý Sơn nhận được sự đầu tư lớn từ các cấp, ngành và sự quan tâm ủng hộ của đồng bào cả nước, vì Lý Sơn có vị trí chiến lược, là đảo tiền tiêu và là phên giậu của Tổ quốc. Vai trò quan trọng của Lý Sơn trong công cuộc giữ vững an ninh - quốc phòng của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung là điều không thể bàn cãi. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng ở Lý Sơn ngày càng khang trang; đời sống của nhân dân từng bước đi vào ổn định. Chúng ta xác định, việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở huyện đảo Lý Sơn phù hợp với yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực phòng thủ địa phương, phải mang tính hệ thống, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

-PV: Muốn xây dựng Lý Sơn vững mạnh về an ninh - quốc phòng, chúng ta phải chú trọng những gì, thưa đồng chí?

Đại tá Trịnh Đình Thạch: Muốn vững mạnh về an ninh - quốc phòng, chúng ta phải xây dựng được nền quốc phòng toàn dân trong khu vực phòng thủ của huyện đảo Lý Sơn. Muốn xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, trước hết, chúng ta phải xây dựng thế trận quốc phòng vững mạnh và phát huy các tiềm lực chính trị - tinh thần; kinh tế; quân sự.

Xây dựng hệ thống chính trị ở huyện đảo Lý Sơn vững mạnh là một giải pháp quan trọng để củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay. Nghĩa là, chúng ta phải xây dựng được trên đảo Lý Sơn nền tảng chính trị vững chắc từ cơ sở, thôn, xã phải thực sự “vững mạnh toàn diện”. Muốn vậy, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mỗi một người dân trong công tác an ninh - quốc phòng cần được nâng cao, tăng cường cảnh giác trước các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước ta; hiểu được vị trí chiến lược đảo tiền tiêu của Tổ quốc, để từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Về tiềm lực quân sự, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Bộ Quốc phòng, chúng ta đã từng bước được tăng cường, hiện đại hóa, đảm bảo phòng thủ trong mọi tình huống. Các lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức huấn luyện và diễn tập bắn đạn thật. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ, khả năng tác chiến độc lập, hiệp đồng tác chiến của các lực lượng trên đảo một cách nhuần nhuyễn...

-PV: Trong thế trận quốc phòng toàn dân ở Lý Sơn, ngư dân đóng vai trò như thế nào?

Đại tá Trịnh Đình Thạch: Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp toàn dân, chứ không chỉ riêng lực lượng nào. Đây là mấu chốt trong việc xây dựng tiềm lực về chính trị, an ninh - quốc phòng.

Ngư dân giữ vai trò quan trọng trong việc vừa đánh bắt, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Có thể khẳng định rằng, ngư dân Lý Sơn là những con người kiên cường, là “cột mốc chủ quyền sống” trên biển. Họ bám ngư trường không chỉ để mưu sinh, mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Điển hình như khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, ngư dân Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung  không hề chùn bước, họ vẫn tiếp tục lao động tại vùng biển đó. Người này bị cướp phá, thì người khác và lớp lớp thuyền viên vẫn kiên trung bám biển. Hành động đó đã tạo động lực lớn để các lực lượng chức năng nâng cao quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta đã trở thành mối gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Hình ảnh ngư dân kiên trung bám biển đã lan tỏa và hiệu triệu đồng bào trong cả nước cùng nhau hướng về Biển Đông, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

-PV: Xin cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN TRIỀU (thực hiện)
 

.