Thành phố Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại nhiều việc phải làm

02:07, 10/07/2009
.
 
LTS: Xây dựng thị xã Quảng Ngãi trở thành đô thị loại III và phấn đấu đạt những tiêu chí cơ bản của đô thị loại II vào năm 2015 là trách nhiệm rất lớn nhưng đồng thời là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Quảng Ngãi. Nhân kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, PV. BQN  đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Mỹ Liên- Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi xung quanh nội dung này.
 
*PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong phát triển đô thị từ khi thị xã Quảng Ngãi chính thức trở thành đô thị loại III.

*Đồng chí Lê Mỹ Liên: Tháng 8/2005, thị xã Quảng Ngãi chính thức trở thành đô thị loại III. Để tạo sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị về phát triển đô thị, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi cũng đã ban hành Nghị quyết số 07. Nhờ đó, bộ mặt thành phố tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hiện đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh và lấy ý kiến về báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của thành phố giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2025 để trình tỉnh phê duyệt.

Đến nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước bố trí đầu tư cho cơ sở hạ tầng khoảng 1.837 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển, đưa kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân trong 3 năm qua trên 22%. Phát triển lĩnh vực VH-XH gắn liền với xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đô thị. Thành phố đã hoàn thiện được 17 tiêu chí của đô thị loại III, còn 11 tiêu chí chưa hoàn thiện, chủ yếu là: Mật độ và mức tăng trưởng dân số, diện tích xây dựng nhà ở và đất dân dụng, điện, nước, tỷ lệ cây xanh… Bên cạnh việc hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, Thành phố cũng tập trung phấn đấu thực hiện đạt được 11 tiêu chí của đô thị loại II, gồm: Thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, cân đối dư ngân sách, mức tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ phi nông nghiệp, đất xây dựng công trình công cộng, khu dân cư, nước sạch, điện chiếu sáng và máy điện thoại.

*PV: Bên cạnh những mặt đạt được thì vấn đề phát triển đô thị ở thành phố vẫn còn nhiều bất cập  khiến dư luận rất bức xúc. Vậy đâu là nguyên nhân?

*Đồng chí Lê Mỹ Liên: Kinh tế Thành phố tuy đạt ở mức tăng trưởng khá nhưng chất lượng chưa cao. Nhiều dịch vụ chất lượng cao còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và hội nhập kinh tế Quốc tế. Tốc độ xây dựng và quy hoạch phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều khu chức năng của quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 thành phố phê duyệt 2002 đến nay không còn phù hợp và chậm được điều chỉnh, bổ sung. Cơ sở hạ tầng đô thị tuy được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang nhưng thiếu đồng bộ. Kiến trúc đô thị chưa có nhiều công trình hiện đại, tạo ấn tượng. Hiện còn 60 tuyến đường đã quy hoạch nhưng chưa được xây dựng. Công tác quản lý về quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng còn yếu; quản lý Nhà nước về đất đai chưa theo kịp với yêu cầu của quá trình đô thị hoá. Quản lý, bảo vệ cảnh quan, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị còn nhiều mặt hạn chế.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên về mặt khách quan là do thành phố được xây dựng và phát triển từ một đô thị quy hoạch lại, có xuất phát điểm về kinh tế và hạ tầng kém. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chỉ mới đáp ứng được 20% kế hoạch xây dựng cơ bản của thành phố. Một số sở, ban ngành của tỉnh chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ thành phố trong việc xây dựng phát triển đô thị. Về chủ quan là do các cấp uỷ đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh uỷ chưa thật quyết liệt, dẫn đến tiến độ phát triển đô thị chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển đô thị đối với thành phố chưa tốt,  thiếu tích cực trong tham gia xây dựng và phát triển thành phố.

*PV: Vậy theo đồng chí, thành phố và tỉnh cần phải làm gì để thực hiện tốt việc phát triển đô thị trong thời gian đến?

*Đồng chí Lê Mỹ Liên:  Để hoàn chỉnh các tiêu chí của đô thị loại III và đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại II để đến năm 2015 đạt đô thị loại II theo tinh thần Nghị quyết số 07 của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cần sớm có ý kiến về những vần đề sau: Chỉ đạo Sở Xây dựng hoàn chỉnh Quy hoạch mở rộng không gian thành phố về phía Bắc sông Trà trong tháng 8/2009 để làm cơ sở kiến thiết xây dựng đô thị trong nhiệm kỳ đến và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết thành phố tỷ lệ 1/2000. Ban hành cơ chế, chính sách có tính đặc thù đối với thành phố. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình do các sở, ngành của tỉnh làm chủ đầu tư. Đầu tư mở rộng cửa ngõ phía Nam, Đông và Tây. Phân cấp mạnh hơn cho thành phố trong công tác quản lý đất đai, xây dựng và quản lý văn hoá.

Sớm cụ thể hoá các văn bản của Trung ương liên quan đến quản lý đô thị. Ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 29 của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, giám sát các sở, ngành của tỉnh và thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh uỷ và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 07. Tăng cường cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi của các sở, ngành của tỉnh về công tác tại thành phố, nhất là trong lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên môi trường. Quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho thành phố theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 7/5/2007 của Tỉnh uỷ (khoá XVII) về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến 2015.

*PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phú Đức (thực hiện)

.