Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống ngành Công an (19.8.1945 – 19.8.2014):
Vì bình yên cuộc sống nhân dân

09:08, 19/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Công an tỉnh luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhân kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống ngành Công an (19.8.1945 – 19.8.2014), PV.Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Hòa - Giám đốc Công an tỉnh về công tác trên.

* PV: Xin Thiếu tướng cho biết đôi nét về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Công an tỉnh thời gian qua?.

* Thiếu tướng Lê Xuân Hòa: Thời gian qua, Công an tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) nói chung, phòng, chống tội phạm nói riêng. Qua đó, đã kiểm soát được tình hình; điều tra, khám phá và xử lý nhiều vụ án hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tham nhũng, được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, góp phần đảm bảo ANTT, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và đối ngoại của địa phương.

Đảng ủy và lãnh đạo Công an tỉnh luôn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm theo Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường phối hợp với UBMTTQ Việt Nam, các ngành, hội, đoàn thể để phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

Trong đó, Công an tỉnh luôn mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, rà soát, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ANTT, các băng, nhóm tội phạm; phòng, chống tệ nạn cờ bạc, mại dâm. Tăng cường nắm tình hình, chủ động tham mưu xử lý những vấn đề liên quan đến an ninh xã hội, tài chính, xây dựng cơ bản, buôn lậu, tội phạm rửa tiền. Kịp thời ngăn chặn không để phần tử xấu lợi dụng việc phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam để biểu tình, gây rối ANTT. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”, phức tạp về ANTT,…

* PV: Trong công tác điều tra phá án, ở Quảng Ngãi có xảy ra tình trạng ép cung, bức cung dẫn đến oan sai như một số địa phương khác hay không, thưa Thiếu tướng?

* Thiếu tướng Lê Xuân Hòa: Thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, Công an tỉnh đã điều tra, khám phá 1.726/2.154 vụ xâm phạm trật tự xã hội, bắt xử lý 3.619 đối tượng, khởi tố điều tra 1.240 vụ, 2.266 bị can. Phát hiện, triệt xóa 102 băng, nhóm tội phạm hình sự, bắt, xử lý 509 đối tượng. Phát hiện, xử lý 204 vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bắt, xử lý 280 đối tượng, khởi tố điều tra 9 vụ, 13 bị can. Điều tra, làm rõ 10 vụ tham nhũng, bắt, xử lý 10 đối tượng, khởi tố điều tra 5 vụ, 7 bị can. Phát hiện, xử lý 554 vụ, 578 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường, khởi tố 14 vụ, 17 bị can. Phát hiện và điều tra làm rõ 105 vụ, 173 đối tượng phạm tội về ma túy, khởi tố 68 vụ, 103 bị can.

Theo đó, công tác điều tra tố tụng luôn được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật; chất lượng công tác điều tra được nâng lên nên không để xảy ra bức cung, nhục hình, xâm phạm hoạt động tư pháp, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Để tăng cường công tác này, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 08 của Bộ Công an về khắc phục tình trạng làm oan người vô tội trong các vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm đối với cán bộ Công an có liên quan. Triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Công an về khắc phục sơ hở, thiếu sót, chấn chỉnh sai phạm trong công tác bắt giữ, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm.

Triển khai nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, nâng cao năng lực cơ quan điều tra các cấp trong lực lượng Công an giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; các quy chế, quy định về phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến công tác giam giữ, tạm giam, hỏi cung bị can, cho can phạm được gặp mặt người thân. Triển khai kế hoạch liên ngành về giao ban định kỳ, công tác điều tra - truy tố - xét xử án hình sự giữa Công an với Viện Kiểm sát tỉnh, TAND tỉnh… Đặc biệt, làm tốt công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự cơ quan điều tra, giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ nghiệp vụ của điều tra viên và cán bộ làm công tác bổ trợ tư pháp để phòng ngừa sai phạm… nên chưa để xảy ra tình trạng oan, sai như một số địa phương khác.

* PV: Thời gian gần đây, một số đơn vị trong quá trình giam giữ đã để các đối tượng phạm pháp lợi dụng sơ hở bỏ trốn, Thiếu tướng sẽ chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này như thế nào?

* Thiếu tướng Lê Xuân Hòa: Thời gian qua, việc thực hiện công tác quản lý giam, giữ luôn được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng can phạm lợi dụng sơ hở của hệ thống giam giữ và sơ hở của cán bộ trông coi trốn khỏi nơi giam giữ, như vụ 2 can phạm trốn khỏi nhà tạm giữ Công an huyện Tư Nghĩa xảy ra năm 2012 và 2 can phạm trốn khỏi nhà tạm giữ Công an huyện Tây Trà xảy ra vào năm 2014.

Để chấn chỉnh vấn đề này, ngoài việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ có liên quan, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ có liên quan và Công an huyện, thành phố kiểm tra toàn diện cơ sở giam giữ; kiến nghị và cho sửa chữa, nâng cấp, khắc phục một số hạng mục bị hư hỏng, một số hạng mục thiết kế chưa hợp lý tại Trại tạm giam Công an tỉnh và Nhà tạm giữ công an các huyện, thành phố. Cụ thể hóa công tác quản lý giam, giữ bằng cách quyết định, quy định cụ thể và tổ chức tập huấn cho Công an các đơn vị, địa phương để quán triệt thực hiện. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị tổ chức quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý giam giữ, không để đối tượng mua chuộc hoặc lợi dụng sơ hở để trốn khỏi nơi giam, giữ...

* PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

    BÁ SƠN (Thực hiện)
 

.