Đồng chí Lê Quang Thích - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh:
Thành tựu 25 năm đã tạo tiền đề cho bước phát triển mới...

09:07, 01/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập vào ngày 1. 7.1989 trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định. 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh không ngừng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để đầu tư cho sự phát triển toàn diện. Những thành quả của Quảng Ngãi có ý nghĩa lịch sử, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, đồng chí Lê Quang Thích - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho phóng viên  Báo Quảng Ngãi cuộc trao đổi về những thành tựu này.

*P.V: Theo đồng chí, những thành tựu nào được xem là “điểm nhấn” của Quảng Ngãi trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong 25 năm qua?

*Đồng chí Lê Quang Thích: Nhìn lại chặng đường 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã có bước phát triển rõ rệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, đến nay tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều nhà máy quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; phát triển văn hóa – xã hội ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.


Trong sự thành công đó, có thể điểm lại một số thành tựu quan trọng sau:

Nguồn nhân lực của tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng; văn hóa Quảng Ngãi mang tính tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và chứa đựng những yếu tố cốt lõi của văn hóa truyền thống quê hương núi Ấn - sông Trà giàu lòng yêu nước và tình cảm cách mạng.

Về tăng trưởng kinh tế, so với năm 1989, hiện nay GDP gấp 10,5 lần, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp 3 lần, công nghiệp – xây dựng gấp 40 lần, dịch vụ gấp 10 lần. Bình quân cả thời kỳ từ khi tái lập tỉnh GDP tăng 10,28%/năm.

Đặc biệt, giai đoạn 2009 – 2013 khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 16%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 25%/năm.

Về cơ cấu kinh tế, đã có sự chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 1990, cơ cấu nông - lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm gần 56%, công nghiệp – xây dựng chiếm 16,5%, dịch vụ gần 28%; đến năm 2013 cơ cấu nông - lâm nghiệp và thủy sản còn 15%, công nghiệp – xây dựng tăng lên gần 64%, dịch vụ 21%.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, nhất là từ khi Nhà máy Lọc dầu đi vào hoạt động. Ngay từ những năm 1990, nguồn thu của tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào các xí nghiệp quốc doanh, thuế sử dụng đất nông nghiệp... với khoảng 22 tỷ đồng. Đến năm 2013, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 31.199 tỷ đồng, tăng gấp 1.372 lần, đứng thứ 4 cả nước.


Thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng rõ rệt, từ 388 ngàn đồng năm 1990 tăng lên 2,7 triệu đồng năm 2000, tiếp tục tăng lên trên 24 triệu đồng vào năm 2010 và đạt gần 44 triệu đồng năm 2013, gấp 112 lần so với năm 1990. Kim ngạch xuất khẩu so với thời điểm tái lập tỉnh tăng 610 lần…

Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, quy mô trường lớp học được đầu tư mở rộng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 209 trường mầm non; 218 trường tiểu học; 167 trường THCS; 39 trường THPT; 14 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề; 3 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp và 36 cơ sở đào tạo nghề. Lĩnh vực y tế được củng cố, đã xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi (800 giường), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền, hoàn thiện hệ thống y tế 14 huyện, thành phố, đang xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi quy mô 300 giường. Tỷ lệ bác sĩ, số giường bệnh/vạn dân tăng lên đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, năm 2013 toàn tỉnh giảm còn 14,93%; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 50%; hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 36.000 lao động; đời sống vật chất và tinh thần của bà con trong tỉnh được nâng lên rõ rệt…

Thành tựu của 25 năm qua đã tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của Quảng Ngãi trong những năm đến.

*P.V: Quảng Ngãi được xem là điểm sáng về phát triển công nghiệp trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Đồng chí đánh giá thế nào về nhận định này?.

*Đồng chí Lê Quang Thích: Nói về điều này, tôi xin nêu một vài con số để so sánh, minh chứng về sự phát triển vượt bậc và thành tựu phát triển công nghiệp của tỉnh. Năm 1990, Quảng Ngãi chỉ có sản phẩm công nghiệp truyền thống là đường và một vài sản phẩm giá trị thấp như phân bón, gạch nung, nước mắm… Đến nay, trong tỉnh đã có nhiều sản phẩm công nghiệp mới với sản lượng lớn và giá trị cao như xăng dầu, Bio-Ethanol, hạt nhựa Polypropylen, nước khoáng Thạch Bích, sữa đậu nành Vinasoy, sản phẩm cơ khí công nghiệp nặng…   

Khu Kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú được đầu tư hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, sẵn sàng phục vụ các dự án có quy mô lớn. Đặc biệt, trong năm 2013 chúng ta đã tổ chức khởi công Khu Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ VSIP, tạo thêm động lực mới cho sự phát triển của Quảng Ngãi.

KKT Dung Quất sau 17 năm hình thành và phát triển đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Tại đây có nhiều công trình quan trọng như: Nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy đóng tàu, nhà máy Bio Ethanol, cảng biển nước sâu, Công ty công nghiệp nặng Doosan, Khu Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ VSIP... giải quyết việc làm thường xuyên cho 11.500 lao động, trong đó 77% là lao động người Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, nguồn thu của ngân sách từ KKT Dung Quất không ngừng tăng qua các năm, cao nhất là năm 2013 với 27.500 tỷ đồng, đã góp phần đưa Quảng Ngãi vào nhóm các tỉnh có nguồn thu cao.

Khu công nghiệp Quảng Phú và Tịnh Phong giải quyết việc làm thường xuyên cho 12.600 lao động. Một số nhà máy lớn đang hoạt động tại các KCN Quảng Ngãi như Công ty TNHH Điện tử Foster, Công ty giày Rieker...; có 11 cụm, điểm công nghiệp với 87 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 66 dự án đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 3.000 người.

Trong những năm đầu tái lập tỉnh, Quảng Ngãi chỉ có 155 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước, đến nay có khoảng 3.441 doanh nghiệp, tăng hơn 22 lần, trong đó có 3.407 doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 gấp 84 lần năm 1989 và gấp 7,86 lần năm 2008 - là năm chưa có sản phẩm lọc hóa dầu; tăng bình quân hàng năm giai đoạn 1990 - 2013 trên 20%. Nếu tính riêng giai đoạn 2009 - 2013 tăng bình quân 51%/năm.

Hệ thống mạng lưới điện trước đây chủ yếu cung cấp cho thị xã Quảng Ngãi, đến nay đã cung cấp cho 92% dân số toàn tỉnh. Một số công trình thủy điện đã đưa vào vận hành như Hà Nang, Nước Trong, Sông Riềng với tổng công suất 30,5MW; đang triển khai dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014...

*P.V: Phát triển đô thị và đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông là những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, đồng chí cho biết một số thành quả trong hai lĩnh vực này?

*Đồng chí Lê Quang Thích: Hạ tầng đô thị của Quảng Ngãi những năm qua đã từng bước hình thành và phát triển. Thành phố Quảng Ngãi được đầu tư phát triển và trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đến nay, thành phố đã điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính về phía bắc và phía đông thêm 9 xã và 1 thị trấn của huyện Sơn Tịnh và 3 xã của huyện Tư Nghĩa, nâng diện tích tự nhiên và dân số của thành phố Quảng Ngãi lên 16 ngàn ha và trên 260 ngàn người. Giao thông nội thành được quan tâm đầu tư, có nhiều công trình quan trọng đã và đang hoàn thành như đường Mỹ Khê – Trà Khúc, đường bờ nam sông Trà Khúc, Trường Chinh, Phan Đình Phùng nối dài, đường Nguyễn Tự Tân giai đoạn 1...

Tại KKT Dung Quất, đã dần hình thành đô thị Vạn Tường theo tiêu chuẩn đô thị loại V và phát triển đô thị Dốc Sỏi. Tại các huyện cũng đã hình thành và phát triển các đô thị như ở phía nam có Đức Phổ, phía bắc có Châu Ổ, phía tây có Di Lăng. Các đô thị như Mộ Đức, La Hà, Chợ Chùa, Ba Tơ, Trà Bồng cũng được đầu tư để hình thành các đô thị cấp huyện.

 

T23-6.jpg
 


Về hạ tầng giao thông, thời điểm 1989, toàn tỉnh chỉ có 2 tuyến quốc lộ với chiều dài 167km, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 66,5%; 7 tuyến đường tỉnh với chiều dài 179km, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 55,8%; 967km đường huyện, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa chỉ đạt 2%; 63km đường đô thị và 24,5km đường xã chưa được nhựa hóa, cứng hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ; 11 tuyến đường tỉnh; 159km đường đô thị; 1.374km đường huyện; 1.976 km đường xã. Tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn tỉnh là 7.759km, tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm năm 1989. Tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa trên các tuyến đường quan trọng như quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị gần 100% và 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã... Chúng ta cũng đang cùng Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, mở rộng Quốc lộ 1...

*P.V: Đồng chí cho biết cần phải làm gì trong bối cảnh thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen, để Quảng Ngãi tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời gian đến?

*Đồng chí Lê Quang Thích: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong bối cảnh thời cơ thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen, để tận dụng được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI đề ra, đòi hỏi ý chí, lòng quyết tâm, sự nỗ lực phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có trách nhiệm và sự đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi.

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây có nhiều tiềm năng và lợi thế, Quảng Ngãi phải tiếp tục phấn đấu hoàn thành sớm, trước thời hạn các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Phát huy truyền thống của địa phương có bề dày lịch sử, văn hiến và cách mạng; các tiềm năng, lợi thế, kinh nghiệm và thành tựu đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi đoàn kết phấn đấu, đi đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện thắng lợi 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược và 2 nhiệm vụ trọng tâm, mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XVIII đề ra. Đó là: phát triển công nghiệp; phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi.

Song song với phát triển kinh tế, chúng ta sẽ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo tốt các chính sách người có công cách mạng và an sinh xã hội, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Việc phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở trong sạch vững mạnh. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… tạo động lực mạnh mẽ, tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh thời gian đến.

*P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này!

THANH TOÀN (thực hiện)
 


.