Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Giám đốc Sở Tư Pháp:
Luật Đất đai 2013 đảm bảo phát huy quyền làm chủ của người dân

03:04, 11/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 (Luật 2003) đã bộc lộ những hạn chế, dẫn đến việc thực thi pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, ngày 29.11.2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai năm 2013 (Luật 2013), có hiệu lực kể từ 1.7.2014. Xung quanh các quy định mới của Luật 2013, phóng viên báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

*PV: So với Luật 2003, thì Luật 2013 có những điểm mới nổi bật nào, thưa ông?

*Ông NGUYỄN MẠNH THẮNG: Luật 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều so với Luật 2003. Đặc biệt, Luật 2013 có nhiều điểm mới so với Luật 2003. Đó là, Luật 2013 đã bổ sung thêm nhiều quy định về các quyền cũng như nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như: Quy định về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của từng đối tượng sử dụng đất phù hợp với hình thức giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất và quy định các điều kiện khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Luật 2013 quy định đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn các nội dung về điều tra, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... quy định đầy đủ, rõ ràng về những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải thu hồi; quy định giá đất bồi thường cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Bỏ việc công bố bảng giá đất vào ngày 1.1 hằng năm.

Luật 2013 còn thiết lập sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và nước ngoài. Đặc biệt  đã bổ sung quy định về điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng, dự án đầu tư tại khu vực biên giới, ven biển và hải đảo. Bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động, đăng ký đất đai trên mạng điện tử; quy định rõ hơn trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người.

Luật 2013 cũng quy định hoàn chỉnh hơn các chính sách đất đai đối với khu vực nông nghiệp; hoàn thiện hơn quy định về chế độ sử dụng đất đối với sử dụng cho khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Hơn nữa, Luật đã dành một chương để quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đất đai của mọi người dân, trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

*PV: Những điểm mới đó đem lại lợi ích gì cho người dân?

*Ông NGUYỄN MẠNH THẮNG: Theo Luật 2013, người sử dụng đất được Nhà nước đảm bảo để phát huy quyền làm chủ của mình, thực hiện quyền tham gia, giám sát, kiểm tra trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tham gia đóng góp ý kiến của mình từ khi lập quy hoạch đồng thời giám sát toàn bộ quá trình thực thi pháp luật về đất đai. Luật đã quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm một cách công khai, minh bạch đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi; điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất, nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.

*PV: Để Luật đến được với người dân, các cấp, ngành của tỉnh sẽ phải làm gì?


*Ông NGUYỄN MẠNH THẮNG: Ngày 24.12.2013, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 5302/KH-UBND về triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014, trong đó xác định rõ, năm 2014 sẽ tập trung phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 và một số văn bản pháp luật quan trọng khác. Bên cạnh đó, năm 2014, các cấp, ngành cũng sẽ tiếp tục hướng mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về cơ sở, nhất là cho người dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; tăng cường tuyên truyền kết hợp với tư vấn, giải đáp pháp luật, hướng dẫn chế độ chính sách, hướng dẫn thủ tục hành chính các lĩnh vực pháp luật quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân như: Pháp luật về dân sự, hình sự, hòa giải ở cơ sở, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đất đai...

NGUYỄN TRIỀU (thực hiện)
 


.