Chính sách tiền tệ ở Quảng Ngãi: Đang chuyển động tích cực

12:01, 02/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013 đầy khó khăn, nhưng nhờ hệ thống ngân hàng Quảng Ngãi thực hiện tốt các chính sách tiền tệ nên tín dụng tăng trưởng cao và thị trường vàng trên địa bàn hoạt động khá ổn định. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Luyện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi.

* PV: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng ở Quảng Ngãi vẫn đạt mức khá cao, ông có thể chia sẻ điều này?

* Ông Trần Luyện: Thực hiện các giải pháp tiền tệ, hệ thống ngân hàng Quảng Ngãi đã hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay khôi phục sản xuất, nhất là cho vay xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, các ngành kinh tế mũi nhọn, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các dự án sản xuất kinh doanh...


Năm qua, bên cạnh giữ vững các khách hàng truyền thống, ngành ngân hàng còn mở rộng đối tượng cho vay. Đặc biệt là hướng đến các khách hàng nhỏ lẻ, khách hàng là ngư dân... Vì vậy, đến cuối năm nay, tổng dư nợ và huy động vốn ngành ngân hàng Quảng Ngãi đều đạt và vượt chỉ tiêu. Ước đến cuối năm 2013, tổng nguồn huy động vốn đạt 30.500 tỷ đồng, tăng 66,6%; tổng dư nợ đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2012...

* PV: Hướng đến thị trường nhỏ, lẻ và mở rộng đối tượng cho vay trong điều kiện nền kinh tế suy thoái, các ngân hàng thương mại có quá mạo hiểm không thưa ông?

* Ông Trần Luyện: Mở rộng đối tượng cho vay mà các ngân hàng thương mại hướng đến hiện nay là ngư dân và cho vay khách hàng nhỏ, lẻ. Trước đây, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện là chủ yếu. Nhưng gần đây, các ngân hàng thương mại đã thấy được ưu thế của khách hàng này, nên mạnh dạn tìm các giải pháp thu hút.

Các ngân hàng đều nhận định, cho ngư dân vay vừa thực hiện đúng chủ trương vừa giúp ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu thuyền vươn khơi làm ăn, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, vừa giải ngân được nguồn vốn, đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Còn hướng đến thị trường nhỏ, lẻ là bước đi khôn khéo của các ngân hàng. Bởi, một khi nguồn vốn đến được nhiều khách hàng thì số dư nợ càng cao, độ rủi ro phân tán càng nhiều, nên nợ xấu sẽ giảm đáng kể... Bước đi tuy "nhỏ, lẻ" nhưng chắc chắn này thì không có gì phải gọi là mạo hiểm cả!.

Bên cạnh tạo nguồn vốn cho vay, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng cho vay... được các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại luôn giữ và thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước nên khách hàng vay vốn và trả lãi đúng kỳ hạn. Vì vậy mà nợ xấu năm 2013 chỉ chiếm 1,03% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu.

* PV: Khi Ngân hàng Nhà nước công bố độc quyền thị trường vàng, đưa về một thương hiện là SJC và thị trường vàng trang sức mỹ nghệ đã được quản lý chặt chẽ, theo ông,  thị trường vàng Quảng Ngãi năm qua thế nào?

* Ông Trần Luyện: Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất và mua, bán vàng miếng. Trên cơ sở này, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ngãi đã triển khai nhiều lần đến các ngân hàng thương mại, các hộ cá thể kinh doanh vàng những quy định ràng buộc về hoạt động kinh doanh vàng. Hoạt động của thị trường vàng ở Quảng Ngãi thời gian qua đã đi vào nền nếp hơn. Tình trạng đầu cơ, sốt giá, tích trữ vàng không còn. Các hộ sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ trước đây hoạt động tự do, nay đã đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ngân hàng đã cấp giấy phép cho khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động vàng trang sức mỹ nghệ. Các doanh nghiệp này, vừa hoạt động kinh doanh vừa có khả năng sản xuất. Việc cấp giấy phép kinh doanh vàng đã giúp cho khâu quản lý dễ dàng hơn. Vì vậy mà thị trường vàng trong thời gian qua hoạt động khá ổn định.

* PV: Năm 2014 tình hình kinh tế sẽ còn ảm đạm, ngành ngân hàng làm gì để duy trì các điểm sáng và góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh?

* Ông Trần Luyện: Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về lĩnh vực tiền tệ. Trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm lãi suất huy động vốn, giảm dần lãi suất cho vay phù hợp với cung - cầu vốn trên địa bàn. Đối với ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh cho vay xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; cho vay đối với thành phần kinh tế dân doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cho vay hộ nghèo... Ngành ngân hàng tiếp tục cung ứng kịp thời đầy đủ tiền mặt phục vụ cho sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...


MAI HẠ (thực hiện)
 


.