Ông Nguyễn Đại - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi:
Đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng

01:06, 23/06/2013
.

(QNg)- Từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn Quảng Ngãi bước vào mùa khô. Đặc biệt, tháng 5, 6 và 7 là những tháng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng. Xác định điều đó, trong những năm gần đây, ngành kiểm lâm Quảng Ngãi đã tích cực tham mưu công tác chỉ đạo và thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn hiệu quả. Ông Nguyễn Đại nói rõ hơn về công tác này.

*P.V: Có nét gì mới trong công tác PCCCR năm 2013, thưa ông?

*Ông Nguyễn Đại: Để chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị  về triển khai các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh năm 2013. Trong đó có những nội dung trọng tâm là: Củng cố, kiện toàn và thường xuyên duy trì hoạt động của ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR; tăng cường kiểm tra đôn đốc hoạt động của chủ rừng cũng như chính quyền địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rừng, PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR đến nhân dân; mua sắm trang thiết bị, xây dựng mới sửa chữa và duy trì hoạt động thường xuyên các công trình phục vụ bảo vệ rừng và PCCCR; tổ chức diễn tập phương án PCCCR...


Nét mới trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR là việc thành lập tổ, đội PCCCR theo hướng liên kết các hộ có rừng liền kề để nếu xảy ra cháy thì nhóm trưởng dễ huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ. Mặt khác, bắt buộc người dân khi đốt rẫy hay đốt dọn thực bì sau khi thu hoạch rừng phải báo cáo cho chính quyền địa phương biết để có phương án PCCCR...

*P.V: Cơ chế, chính sách đối với những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và  kết quả công tác PCCCR trong 6 tháng đầu năm?

*Ông Nguyễn Đại: Toàn tỉnh hiện có 123 xã trong vùng trọng điểm dễ cháy rừng trong mùa khô. Đối với các địa phương này, UBND xã được ký một hợp đồng lao động chuyên trách công tác tham mưu, theo dõi việc bảo vệ rừng và PCCCR.


Một điều đáng ghi nhận là cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh đã có ý thức cao trong công tác PCCCR - nhất là khi sử dụng lửa đốt thực bì hay nương rẫy. Nhờ nỗ lực tổng hợp của các cấp, các ngành và địa phương mà trong 6 tháng đầu năm 2013 toàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng (ở Bình Sơn, Tư Nghĩa và Sơn Tịnh). Các địa phương này đã kịp thời huy động lực lượng tại chỗ dập tắt lửa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

*P.V: Theo ông, đâu là những tồn tại, hạn chế và khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR hiện nay?

*Ông Nguyễn Đại: Tình hình cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, đốt than trái pháp luật vẫn còn xảy ra nhất là ở vùng giáp ranh giữa các huyện Ba Tơ, Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà, Tây Trà nhưng chưa được kịp thời phát hiện ngăn chặn.

Công tác tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường quốc lộ chưa được thường xuyên. Việc ngăn chặn các điểm phá rừng, khai thác, đốt than trái pháp luật chưa hiệu quả. Việc triển khai phương án giao rừng, cho thuê rừng chậm, khiến rừng còn thiếu chủ. Chính quyền ở một số địa phương và chủ rừng còn buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Việc xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật chưa kiên quyết...

Khó khăn hiện nay trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là kinh phí còn hạn hẹp; phương tiện PCCCR chưa đảm bảo và chữa cháy chủ yếu bằng thủ công. Vào mùa khô luôn thiếu nguồn nước, trong khi các điểm cháy rừng thường xảy ra ở vùng cao, vùng sâu nên công tác chữa cháy rừng càng khó khăn hơn.

*P.V: Hướng khắc phục như thế nào, thưa ông?

*Ông Nguyễn Đại: Bên cạnh việc triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị  của UBND tỉnh về triển khai các biện pháp PCCCR trên địa bàn tỉnh năm 2013, thì trong kế hoạch kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm nay chúng tôi đặt ra một số yêu cầu sau: UBND các xã nâng cao cảnh giác, chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa nguy cơ cháy rừng; tổ chức cứu chữa kịp thời khi xảy ra cháy rừng, không để lây lan gây cháy lớn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm nay.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương và các chủ rừng... để cộng đồng xã hội cùng tham gia thực hiện công tác quan trọng này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn để đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR...

THANH TOÀN
(thực hiện)


 


.