Thạc sĩ Trần Thanh Trường - PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông:
Ứng dụng chữ ký số mang lại nhiều tiện ích cho tổ chức và cá nhân

01:09, 01/09/2012
.

(QNg)- Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động giao dịch ngày càng trở nên phổ biến. Phó Giám đốc Sở TT&TT - thạc sĩ Trần Thanh Trường đề cập đến những tiện ích; kết quả thực hiện và định hướng triển khai, ứng dụng chữ ký số trên địa bàn Quảng Ngãi...
 
*P.V: Việc ứng dụng chữ ký số mang lại nhiều tiện ích, cụ thể như thế nào?


*Ths Trần Thanh Trường: Chữ ký số (một dạng chứ ký điện tử) là thông tin được mã hóa bằng khóa riêng (tương ứng với một khóa công khai) của người gửi, được đính kèm theo văn bản nhằm đảm bảo cho người nhận định danh và xác thực đúng nguồn gốc, tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được. Điều 8 của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 đã xác định giá trị pháp lý của chữ ký số, thay thế cho chữ ký tay đối với cá nhân và thay thế cho con dấu và chữ ký của người đại diện pháp luật đối với tổ chức, doanh nghiệp.

Việc ứng dụng chữ ký số trong giao dịch mang lại các tiện ích cho cá nhân và tổ chức sử dụng. Đó là: Giảm thủ tục hành chính, thời gian luân chuyển, chi phí giấy tờ trong hoạt động quản lí công văn, thư điện tử nhằm tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước; tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; không phải xếp hàng chờ đợi để nộp hồ sơ bằng giấy trực tiếp tại các điểm giao dịch; tiện ích trong việc lưu trữ hồ sơ, chứng từ; thuận tiện tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, việc ứng dụng chữ ký số sẽ giao dịch online trực tuyến qua Internet, ký số mọi lúc mọi nơi; không phải phụ thuộc vào giờ hành chính hoặc ngày nghỉ...

*P.V: Điều kiện để việc thực hiện ứng dụng  chữ ký số trong các lĩnh vực công tác?

*Ths Trần Thanh Trường: Trước hết cần xác định có nhu cầu ứng dụng hệ thống chứng thực để đảm bảo an toàn cho các giao dịch (hoạt động điều hành tác nghiệp) trên mạng hay không.

Bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin, mật mã có đủ khả năng hỗ trợ người dùng cuối. Có hệ thống mạng nội bộ hoạt động ổn định kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng hoặc đường truyền riêng kết nối với Ban Cơ yếu Chính phủ. Có hệ thống mạng máy tính, hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động ổn định.

Về mặt pháp lý, Chủ tịch UBND tỉnh là người quản lí thuê bao trên địa bàn, nhưng có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ này. Người quản lí thuê bao phải có văn bản đề nghị cấp chứng thư số gửi Cục cơ yếu 893  để được cấp chứng thư số và thực hiện các thủ tục cấp chứng thư số.

*P.V: Việc triển khai ứng dụng chữ ký số ở Quảng Ngãi so với một số tỉnh, thành phố trong nước?

*Ths Trần Thanh Trường: Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 300 DN sử dụng chữ ký số trong kê khai thuế qua mạng, 26 DN sử dụng chữ ký số trong giao dịch với Hải quan tỉnh. Đối với chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước thì Quảng Ngãi là tỉnh thứ 5, sau Thái Bình, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, triển khai chữ ký số.

Do đó, chúng ta có thể thấy, việc triển khai chữ ký số tại Quảng Ngãi là tương đối sớm so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhưng theo tôi, vấn đề không phải là triển khai sớm hay muộn, mà cần phải cân nhắc thời điểm triển khai để phát huy hiệu quả.

*P.V: Về những định hướng triển khai, ứng dụng chữ ký số tại Quảng Ngãi thời gian đến ?

*Ths Trần Thanh Trường: Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án triển khai Chữ ký số trong toàn tỉnh để trình UBND tỉnh. Đề án sẽ xác định ứng dụng chữ ký số cho những ứng dụng trọng tâm nào, lộ trình triển khai, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, tuyên truyền phổ biến rộng không những trong CCVC mà cả các tầng lớp nhân dân. Trước mắt, trong năm 2012, sẽ triển khai thử nghiệm liên thông phần mềm eOffice gắn với chữ ký số và ứng dụng chữ ký số cho giao dịch email. Liên thông phần mềm eOffice gắn với chữ ký số sẽ triển khai thử nghiệm tại 6 đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Giao thông – Vận tải, Thanh tra tỉnh và UBND huyện Sơn Hà để chuẩn bị triển khai trong toàn tỉnh trong thời gian đến.

Đối với ứng dụng chữ ký số cho giao dịch email (XXX@quangngai.gov.vn) sẽ triển khai trong toàn tỉnh phục vụ việc gửi nhận các văn bản: Giấy mời, công văn, thông báo kết luận... theo tinh thần Công văn số 1831/UBND ngày 30/6/2008 của UBND tỉnh. Để chuẩn bị cho công tác triển khai này, Sở TT&TT sẽ xây dựng hồ sơ để Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện cấp phát chứng thư số và tổ chức tập huấn cho các đối tượng có liên quan.

*P.V: Để việc triển khai, ứng dụng chữ ký số ngày càng phổ biến, Sở TT&TT đã có những đề xuất, kiến nghị gì với UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương?

*Ths Trần Thanh Trường: Để công tác triển khai chữ ký số sâu rộng trong toàn tỉnh đạt được hiệu quả cao, theo tôi, kỹ thuật sẽ không phải là vấn đề lớn mà các biện pháp hành chính sẽ mang tính quyết định. Do đó, UBND tỉnh cần ban hành quy chế ứng dụng chữ ký số trong giao dịch các văn bản hành chính và triển khai quyết liệt, cương quyết ở mọi cấp, mọi ngành. Đối với các sở, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai đầy đủ các tính năng của phần mềm eOffice, nghiêm túc thực hiện quy chế của UBND tỉnh và có quy chế, quy trình nội bộ, chuẩn bị cơ sở vật chất và con người đảm bảo cho công tác triển khai.


THANH TOÀN (thực hiện)
 


.