Đồng chí Nguyễn Duy Nhân - Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Lao động Thương binh và xã hội:
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công

06:07, 27/07/2012
.

(QNg)- Nhân kỉ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012), Giám đốc Sở LĐ-TB-XH đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi xung quanh việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn tỉnh.

*PV: Khái quát về công tác giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi những năm gần đây, đồng chí đề cập những vấn đề gì?

*Đồng chí Nguyễn Duy Nhân: Công tác giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng (NCC) không chỉ là nhiệm vụ của ngành LĐTBXH mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân  Quảng Ngãi. Đây còn là trách nhiệm, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" - truyền thống quý báu của dân tộc. Vì vậy, thời gian qua Quảng Ngãi đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ.

Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành LĐTBXH Quảng Ngãi đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng, truy tặng Danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" (VNAH) cho 252 mẹ, nâng tổng số Mẹ VNAH toàn tỉnh lên 2.564 mẹ; công nhận và giải quyết cho trên 195 người hưởng trợ cấp người hoạt động cách mạng (HĐCM) trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hi sinh, từ trần theo Nghị định số 89/2008/NĐ-CP của Chính phủ; xác nhận và giải quyết cho 4.197 người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ hưởng trợ cấp chất độc hóa học; 8.016 người HĐKC được tặng thưởng Huân, Huy chương; 17.338 con đẻ của NCC được hưởng trợ cấp ưu đãi giáo dục, đào tạo; 17.014 thân nhân người HĐCM, HĐKC chết trước ngày 1/1/1995 theo quy định tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ...

Trên cơ sở kết quả rà soát hồ sơ đề nghị xác nhận, giải quyết hưởng trợ cấp ưu đãi NCC còn tồn đọng, ngành LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ LĐ-TB-XH giải quyết xác nhận cho 211 hồ sơ thương binh, 101 hồ sơ liệt sĩ và 1.030 hồ sơ người HĐCM, HĐKC bị địch bắt tù đày được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Đến nay, tỉnh ta cơ bản đã hoàn thành công tác xác nhận, công nhận đối tượng NCC còn tồn đọng.

Ngành LĐTBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh xét duyệt và giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6.546 người HĐKC chống Mỹ chưa được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí trên 25 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành LĐTBXH đã thực hiện tốt công tác chi trả trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng được kịp thời, chi đủ, đúng số lượng và tận tay đối tượng. Ngoài chính sách, chế độ của Nhà nước, bình quân hàng năm Quảng Ngãi đã trích ngân sách tỉnh từ 17 - 28 tỉ đồng để tổ chức đi thăm, tặng quà các gia đình NCC...

Song song với triển khai thực hiện các chính sách kể trên, công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ luôn được quan tâm. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 250 hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang, nâng tổng số mộ liệt sĩ được đưa vào an táng trong các Nghĩa trang liệt sĩ toàn tỉnh lên 28.174 mộ. Toàn tỉnh hiện có 115 Nghĩa trang liệt sĩ, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành xây dựng mới 3 Đền tưởng niệm liệt sĩ; nâng cấp, sửa chữa 67 Nghĩa trang liệt sĩ, 2.345 bia, vỏ mộ liệt sĩ.

*PV: Quảng Ngãi là một trong những tỉnh thực hiện tốt việc  xây dựng nhà ở cho gia đình NCC, đồng chí cho biết cụ thể về công tác này?

*Đồng chí Nguyễn Duy Nhân: Để nâng cao đời sống đối với gia đình NCC, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước, thì công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở được tỉnh xem như là bước đột phá và luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn kinh phí huy động của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh; của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cùng nguồn ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 4.974 nhà, với tổng kinh phí 68.130 triệu đồng, giải quyết cho một bộ phận gia đình NCC đang gặp khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với NCC trên địa bàn tỉnh.

*PV: Việc vận động toàn xã hội chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ và giải quyết việc làm cho con, em NCC những năm qua như thế nào?

*Đồng chí Nguyễn Duy Nhân: Trong những năm qua, ngành LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với UB Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể đẩy mạnh việc vận động các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia hưởng ứng phong trào "Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ". Nổi bật là cuộc vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" và "Phụng dưỡng Bà mẹ VNAH", chăm sóc bố mẹ liệt sĩ neo đơn, đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi... Nhờ đó, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC đã trở thành việc làm thường xuyên ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, 100% Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến suốt đời, được tặng nhà tình nghĩa, thăm viếng trong các dịp lễ, tết, chăm sóc lúc ốm đau; có trên 500 bố, mẹ liệt sĩ neo đơn, hàng trăm thương binh nặng và con liệt sĩ mồ côi được nhận đỡ đầu, giúp đỡ, kèm cặp đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Những Mẹ VNAH, bố, mẹ liệt sĩ neo đơn thì được các hội, đoàn thể ở địa phương phân công hội viên đến giúp đỡ những công việc thường ngày như lo bữa ăn, chăm sóc khi đau ốm. Đã có trên 2.557 sổ tiết kiệm tình nghĩa tặng cho các gia đình NCC, với tổng số tiền trên 1,3 tỉ đồng. Hàng năm tỉnh đã tổ chức điều dưỡng tập trung luân phiên và tại gia đình cho trên 13 ngàn lượt NCC, với tổng kinh phí trên 12 tỉ đồng. Đặc biệt, để chăm sóc sức khỏe đối với NCC ngày một tốt hơn, từ nguồn kinh phí đầu tư của Bộ LĐ-TB-XH, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng Trung tâm Điều dưỡng Người có công với cách mạng và đưa vào sử dụng từ năm 2007. Hàng năm, Trung tâm đã đón tiếp và tổ chức điều dưỡng tập trung luân phiên cho trên 2.000 lượt NCC.

*PV: Đến thời điểm này đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC đã bằng hoặc khá hơn mặt bằng chung so với dân cư nơi cư trú?

*Đồng chí Nguyễn Duy Nhân: Với việc thực hiện tốt các chính sách như trên, đến nay Quảng Ngãi có 157 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC theo 6 tiêu chí của Bộ LĐ-TB-XH. Từ phong trào này đã góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn trong việc xã hội hóa các chương trình chăm sóc NCC, lồng ghép với nhiều chương trình khác như cho vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, hỗ trợ phương tiện sản xuất… và kết hợp với sự tự phấn đấu vươn lên của chính bản thân đối tượng, gia đình NCC thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 90% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với dân cư nơi cư trú.

*PV: Để thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC, thời gian đến chúng ta sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

*Đồng chí Nguyễn Duy Nhân: Công tác giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ và chăm sóc NCC là một nhiệm vụ chính trị - xã hội, đồng thời mang tính nhân văn sâu sắc. Do đó, để làm tốt công tác này, đòi hỏi cần phải có sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội cũng như bản thân đối tượng phải không ngừng phấn đấu tự vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất và trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình NCC còn khó khăn; tu sửa, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ và chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ trong học tập, đào tạo nghề, sắp xếp việc làm cho con em gia đình NCC, để các gia đình này ổn định cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…


THANH TOÀN
(thực hiện)

 


.