Mô hình nông, lâm nghiệp và thủy sản: Vì sao khó nhân rộng?

05:05, 21/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng nhiều mô hình nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) chỉ dừng lại ở việc xây dựng và thực hiện, còn nhân rộng thì rơi vào cảnh chết yểu.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự tổng kết, đánh giá toàn diện những tồn tại trong việc xây dựng các mô hình NLTS, nhằm hạn chế sự lãng phí tiền của Nhà nước và công sức của hộ dân tham gia mô hình.

TIN LIÊN QUAN


Từ áp lực thành tích...

“Các mô hình NLTS phải thành công, không được thất bại. Áp lực thành tích này chính là nguyên nhân khiến nhiều mô hình NLTS đạt hiệu quả... trên giấy, vì chưa được nhân rộng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân khẳng định. Các mô hình NLTS là bước cụ thể hóa kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm; là thước đo hiệu quả của các dự án, đề án đã nghiên cứu. Để kết quả nghiên cứu được "tròn trịa", hầu như các mô hình thí điểm được đánh giá là hiệu quả, còn tính lan tỏa và khả năng nhân rộng thì... tính sau.

Trồng cây ăn quả là số ít mô hình được đánh giá là hiệu quả sau giai đoạn thí điểm.
Trồng cây ăn quả là số ít mô hình được đánh giá là hiệu quả sau giai đoạn thí điểm.


Tại huyện Đức Phổ, trong giai đoạn 2011-2016, địa phương này đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng, để xây dựng, thực hiện và nhân rộng 143 mô hình NLTS. Về mặt hiệu quả kinh tế, 100% mô hình đều đạt. Thế nhưng, số mô hình mà người dân lựa chọn sản xuất đại trà chiếm chưa đến 10%.

Trong khi đó, huyện Mộ Đức cũng đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây dựng và nhân rộng 77 mô hình NLTS. Là địa phương có nhiều mô hình “sống khỏe” sau giai đoạn thí điểm, nhưng số “chết yểu” cũng không nhỏ, đơn cử như mô hình nuôi gà Đông Tảo. Tuy mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng gà Đông Tảo “kén” điều kiện và kỹ thuật chăm sóc. Vì vậy, sau thời gian dài chăm sóc, hộ nuôi “mát tay” nhất cũng chỉ duy trì được... 15 con gà Đông Tảo!

Theo đánh giá của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, ngoài những tác động khách quan, hiệu quả của mô hình nuôi gà Đông Tảo thấp, cũng xuất phát từ bệnh thành tích. Để mô hình thành công, phải đầu tư chi phí lớn. Ví dụ, giống gà Đông Tảo đầu tư cho mô hình mua với giá 500.000 đồng/con, cao gấp 30 lần giống gà thông thường. Mức đầu tư cao, nhưng tỷ lệ hao hụt lên đến 30%, cộng với đầu ra bấp bênh, nên chẳng có nông dân nào lựa chọn mô hình này. Việc nhân rộng vì thế cũng thất bại.

Ngoài áp lực thành tích, các mô hình NLTS rơi vào cảnh “số lượng nhiều, chất lượng ít” cũng do Quyết định 30 về mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mô hình NLTS phải mới, nhưng kinh phí thực hiện không quá 30 triệu đồng. “Quy định này vừa “làm khó” địa phương vì phải liên tục thí điểm mô hình mới; vừa khiến các mô hình NLTS bị phân tán, thực hiện nửa vời vì không được kiểm tra để bổ sung, nghiên cứu”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lê Văn Việt cho biết.  

...đến việc thực hiện rập khuôn

Không ít mô hình khá thành công khi thí điểm, nhưng lại thất bại khi sản xuất đại trà. “Phần vì áp lực thành tích, phần do các địa phương rập khuôn các mô hình mà không cân nhắc xem đối tượng, điều kiện và phương thức canh tác có phù hợp hay không”, ông Lê Văn Việt lý giải. Như các mô hình nuôi thủy sản, sau khi thí điểm thành công, các địa phương khuyến khích người dân mở rộng quy mô sản xuất. Song vì rập khuôn đối tượng và quy trình sản xuất, nên khi thủy sản chết, hoặc giá bán thấp, không có đầu ra thì chính quyền địa phương cũng... bối rối trong việc xử lý. Ví dụ như mô hình nuôi cá điêu hồng, thác lác...

Lựa chọn đối tượng và tổ chức sản xuất chưa phù hợp là nguyên nhân khiến nhiều mô hình thủy sản rơi vào cảnh... chết yểu.
Lựa chọn đối tượng và tổ chức sản xuất chưa phù hợp là nguyên nhân khiến nhiều mô hình thủy sản rơi vào cảnh... chết yểu.


Khi lựa chọn địa điểm thực hiện, chính quyền địa phương đã không lường trước được sự biến động của nguồn nước đầu vào, nên bố trí hệ thống tiêu, cấp chưa phù hợp. Vì vậy, khi kênh Thạch Nham cắt nước, cá cũng thiếu nước. Đã thế, điều kiện nuôi cá đại trà cũng không như mô hình, nên thời gian thu hoạch bị lệch so với dự kiến, khiến sản phẩm rơi vào tình trạng giá thấp cũng chẳng ai mua.

Khi xảy ra tình trạng trên, ngành chuyên môn và chính quyền các cấp thường “trách” nông dân sản xuất theo kiểu phong trào, tự phát. “Nhưng trước đó, khi tổng kết mô hình thí điểm, cán bộ cứ bảo trồng cây này, nuôi con kia sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao, việc tiêu thụ dễ dàng, giá bán cao, nên nông dân cứ ngỡ đơn giản, rủ nhau sản xuất”, ông A Văn Bình, thôn An Chỉ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) cho hay.

Để tháo gỡ những tồn tại và bất cập, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh cho rằng, trên cơ sở kết quả giám sát các mô hình NLTS, Thường trực HĐND sẽ có những đánh giá cụ thể, từ đó yêu cầu các đơn vị điều chỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện sản xuất của từng địa phương. “Các mô hình NLTS phải thực chất, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường và đáp ứng được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, chứ không vì thành tích”, bà Minh khẳng định.


Bài, ảnh: THANH PHONG

 

Tập trung vào những đối tượng đặc thù, tránh rập khuôn        

 
"Mô hình nông lâm thủy sản (NLTS) phải tập trung vào những đối tượng đặc thù, đạt giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện và phương thức canh tác của từng địa phương, để tránh tình trạng nhiều nơi cùng sản xuất một loại". Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh khi trao đổi về vấn đề xây dựng, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình NLTS.

-PV: Ông cho biết định hướng của tỉnh về việc xây dựng, thực hiện các mô hình NLTS?

Ông ĐẶNG VĂN MINH: Trong khi nhiều mô hình NLTS do Nhà nước đầu tư khó nhân rộng, thì một số mô hình tự phát của người dân lại đạt hiệu quả. Ví dụ như mô hình chăn nuôi heo sạch, hoặc liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo sạch ở huyện Nghĩa Hành. Mô hình của người dân hiệu quả, vì họ tạo được mối liên kết với doanh nghiệp, xác định được hướng đi riêng, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, chứ không rập khuôn và theo phong trào. Từ những mô hình ấy, sắp tới UBND tỉnh sẽ định hướng việc xây dựng và nhân rộng các mô hình NLTS chung; đồng thời điều chỉnh và xây dựng những cơ chế khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ.

-PV: Sản xuất không khó, cái khó là tiêu thụ. Vấn đề này UBND tỉnh đã có những giải pháp tháo gỡ như thế nào?

Ông ĐẶNG VĂN MINH: Sản xuất hiệu quả phải gắn với tiêu thụ ổn định. Vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã làm việc với một số doanh nghiệp, nhằm xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; đồng thời xác định được một số loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như dưa lưới, cà chua, chanh... Hiện đã có một số doanh nghiệp mong muốn hợp tác trồng dưa lưới theo phương thức "doanh nghiệp chuyển giao quy trình kỹ thuật, bao tiêu đầu ra; còn nông dân góp đất, góp công". Nhưng để liên kết doanh nghiệp-nông dân hiệu quả, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn phải nâng cao trách nhiệm, làm tốt vai trò đầu mối, kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các địa phương cũng phải xác định cây, con đặc thù để tập trung đầu tư và nhân rộng, không làm theo phong trào. Ví dụ, mô hình trồng cây ăn quả phù hợp với đất Nghĩa Hành, nhưng không có nghĩa sẽ phát triển tốt ở các địa phương khác. Vì vậy, khi quy hoạch đối tượng, diện tích cũng như xây dựng mô hình NLTS, các địa phương phải chọn lọc, tránh rập khuôn để dễ dàng thu hút nhà đầu tư.

MỸ HOA
(thực hiện)

 


 


.