Đánh giá hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều: Hướng đến thực chất

06:03, 31/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc áp dụng cách đánh giá hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ khắc phục được sự “cảm tính” trong bình xét, đưa tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tiến đến thực chất hơn. Dựa trên những kết quả này, hộ nghèo, cận nghèo ở từng địa phương sẽ được tiếp cận với những chính sách giảm nghèo cụ thể và phù hợp hơn.
 

TIN LIÊN QUAN

 

 

Ông Nguyễn Duy Nhân– Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Xây dựng chương trình giảm nghèo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ kết quả Tổng điều tra hộ nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, Sở LĐ – TB&XH đã xây dựng chương trình giảm nghèo phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương. Qua đó bước đầu đề xuất với Trung ương điều chỉnh những cơ chế chính sách bất hợp lý để phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời, đề xuất với Trung ương và địa phương sau khi các hộ thoát nghèo phải duy trì những chính sách ưu đãi cho họ ít nhất 2 năm để khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững. Điều này thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về việc khuyến khích các hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội và có thu nhập ổn định.
 

Hết “xin - cho”,  tự đánh giá

Cuối năm 2015, các trưởng thôn trong tỉnh phải hoạt động hết công suất bởi cuộc điều tra hộ nghèo, cận nghèo phải thực hiện song hành với 2 tiêu chí theo chuẩn cận nghèo cũ, với mức thu nhập (khu vực thành thị 500 nghìn đồng, nông thôn 400 nghìn đồng/người/tháng); theo chuẩn mới ban hành về thu nhập (thành thị 900 nghìn đồng, nông thôn 700 nghìn đồng/người/tháng), cùng với cách đánh giá đa chiều. Ông Võ Anh Thành - Trưởng thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), cho hay: Ban đầu, khi đi tập huấn điều tra hộ nghèo, cận nghèo, chúng tôi rất khó nắm bắt, vì có nhiều cái mới, chẳng biết phải làm từ đâu cho chính xác. Nhưng nay thì tôi thấy cách điều tra mới này tiện lợi và phù hợp hơn rất nhiều. "Trước đây, tình trạng “xin-cho” khi bình xét hộ nghèo vẫn thường diễn ra, giờ tôi không còn phải lo người dân đến nhà "xin được hộ nghèo nữa"-ông Thành cho biết thêm.

Ông Huỳnh Văn Hòa – Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Cách đánh giá mới là người dân tự đăng ký sau đó cán bộ điều tra ở cơ sở tổ chức thẩm định dựa trên thang điểm cho sẵn. Theo hướng dẫn của Bộ LĐ - TB&XH là không tổ chức bình xét như trước mà họp dân, lấy ý kiến nhận xét, nhận dạng đặc điểm theo kê khai và kết quả điều tra đúng hay sai. Cách làm này giúp các gia đình chủ động, cán bộ cơ sở không bị sức ép về bình xét. Cộng đồng dân cư có thể giám sát trực tiếp nên hoàn toàn yên tâm tính khách quan, công bằng.

Tăng hộ nghèo, nhưng dễ hoạch định chính sách

Đến nay, Tổng điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 theo chuẩn giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh ta đã kết thúc. Theo đó, hộ nghèo theo chuẩn mới là 52.100 hộ, chiếm 15,19% tổng số hộ, tăng 5,97% so với chuẩn cũ; hộ cận nghèo 30.334 hộ, tỷ lệ 8,84% giảm 0,34% so với chuẩn cũ. Tuy nhiên, nếu chia theo khu vực miền núi và đồng bằng, thì tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi tăng lên đáng kể, từ 28,76% (chuẩn cũ) lên đến 46,76% (chuẩn mới). Hầu hết 6 huyện miền núi tỷ lệ hộ nghèo đều tăng cao, do tỷ lệ thiếu hụt về y tế cao (vì những hộ nghèo trước đây được cấp thẻ BHYT bằng ngân sách sẽ không được tính). Nước sạch, nhà vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin... thiếu hụt phổ biến đối với đồng bào dân tộc.

 Điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 theo giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Quảng Ngãi.
Điều tra hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 theo giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Quảng Ngãi.


Tại huyện Ba Tơ, trong tổng số 6.709 hộ nghèo thì có đến 5.604 hộ thiếu hụt về BHYT, 4.712 hộ thiếu hụt chỉ số về tình trạng đi học của trẻ em. Hộ nghèo ở huyện Sơn Hà thì lại thiếu hụt cao ở các chỉ số về chất lượng nhà ở với 3.487 hộ/8.063 hộ nghèo, nguồn nước sinh hoạt, hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh 6.527 hộ...

Tiêu chí mới đã thực chất hơn. Quá trình điều tra dễ dàng hơn trước bởi ngoài thu nhập, còn có những tiêu chí cụ thể “mắt thấy” như việc người dân tham gia giáo dục, bảo hiểm, nhà ở hợp vệ sinh... Ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Nghèo đa chiều được đo lường sẽ cho thấy sự thiếu hụt chung của từng cộng đồng, khu vực, theo đó các nhà hoạch định chính sách có thể thiết lập thứ tự ưu tiên trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục... Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp. Phương pháp điều tra này đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận của người dân về các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin. Đồng thời, phân loại đối tượng hộ nghèo và nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Thời gian qua, công tác giảm nghèo ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả, song chất lượng đời sống của một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng cao vẫn còn khoảng cách khá xa so với miền xuôi. Cách đánh giá mới kết hợp cả tiêu chí thu nhập và xác định mức thiếu hụt 5 chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin sẽ phản ánh đầy đủ nguyên nhân đói nghèo. Từ đó, giúp cơ quan chức năng hoạch định chính sách an sinh xã hội phù hợp.

*Ông Tạ Công Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh: Coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt, liên tục.
Theo Tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện tăng từ 5,53% lên 6,57%. Giai đoạn trước, mặc dù theo tiêu chí đơn chiều nhưng huyện Sơn Tịnh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường các tiêu chí giảm nghèo đa chiều cho người dân như hiện nay. Huyện đã phổ cập giáo dục cho 100% trẻ em mầm non, trên 90% hộ dân mua BHYT theo hộ gia đình, đầu tư 900 triệu đồng xây dựng hệ thống truyền thông cơ sở để tăng cường tiếp cận thông tin cho người dân... Dựa theo số liệu đánh giá nghèo đa chiều, trong giai đoạn đến, huyện Sơn Tịnh sẽ có những chính sách phù hợp hơn nữa để công tác giảm nghèo ngày càng thực chất. Trong năm 2016, huyện Sơn Tịnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8-2% theo chuẩn mới.

*Bà Bùi Thị Thanh – Tổ trưởng Tổ dân phố Làng Bồ, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà): Việc bình xét hộ nghèo theo chuẩn mới đánh giá thực chất tình trạng nghèo của người dân.
Trước đây, việc bình xét hộ nghèo rất vất vả, đôi khi người dân còn “cảm tính” trong việc xác định hộ gia đình đó có nghèo hay không. Việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới có nhiều cải tiến, cán bộ có thể đến từng nhà để đánh giá các tiêu chí cụ thể, rõ ràng và minh bạch. Người dân cũng cảm thấy công bằng hơn khi có thể giám sát trực tiếp và thực hiện đánh giá hộ nghèo trong cộng đồng.

*Bà Đoàn Thị Lên - ở tổ dân phố 21, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi): Hy vọng sẽ được hỗ trợ giảm nghèo bền vững hơn.
Năm vừa qua gia đình tôi đã thoát nghèo vì được hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững. Năm nay, theo điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới, gia đình tôi lại tái nghèo vì thiếu các tiêu chí cơ bản như thiếu BHYT, thu nhập thấp... Tôi hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ được hỗ trợ các chỉ tiêu thiếu hụt để có thể thoát nghèo bền vững.


Bài, ảnh:  VŨ YẾN



 


.