Lao động chưa qua đào tạo: Bức tranh sẫm màu

09:07, 16/07/2010
.

(QNg) - Thời đại công nghiệp hóa-hiện đại hóa đòi hỏi đội ngũ lao động phải đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn. Tuy nhiên ở Quảng Ngãi số đông người lao động chưa qua đào tạo. Ở tỉnh ta, trên tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến thương mại-dịch vụ, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo đều "áp đảo quân số".
 
 
Theo ước tính của các nhà chuyên môn thì hiện tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở tỉnh chiếm khoảng 70% tổng số người dân trong độ tuổi lao động. Thực trạng buồn này đã trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo nên bức tranh sẫm màu trong mắt của các nhà đầu tư, về trình độ của đội ngũ lao động trong tỉnh cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Lao động "phụ" thời @
Một anh bạn của tôi là chủ doanh nghiệp tư nhân thuộc vào hàng có tiếng ở Quảng Ngãi bảo rằng: "Trong thời đại bùng nổ khoa học kỹ thuật hiện nay thì lao động phổ thông là những lao động "phụ" ở các doanh nghiệp. Mà như thế thì thiệt thòi, trở ngại nhiều lắm…". Trong lĩnh vực công nghiệp với dây chuyền công nghệ hiện đại thì quả thật không ngoa khi cho rằng lao động phổ thông chỉ là lao động phụ. Thực tế ở các nhà máy, xí nghiệp, lao động phổ thông được chủ sử dụng lao động bố trí làm việc ở những khâu không đòi hỏi tính kỹ thuật cao, mà chủ yếu làm việc tại các dây chuyền cần nhiều đến sức khỏe cơ bắp. Đội ngũ lao động này phần lớn ở nông thôn, do mất đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống khó khăn nên xin vào làm thuê ở các nhà máy, xí nghiệp… Trường đời chính là ngôi trường  đào tạo nghề cho họ, chỉ cần thời gian là họ được "nâng bậc" nghề. Ở tỉnh ta, các doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông vào làm việc là điều đáng mừng, vì giải quyết được một lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn.
 
 Thanh niên người dân tộc thiểu số học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, để tham gia xuất khẩu lao động.
Thanh niên người dân tộc thiểu số học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, để tham gia xuất khẩu lao động.

Ở một số ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, sản xuất lâm sản… đội ngũ lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm số đông trong tổng số người lao động của doanh nghiệp. Họ vừa là lao động "phụ", mà cũng vừa là lao động "chính", vì thiếu họ thì nhiều dây chuyền sản xuất khó hoạt động. Tuy nhiên số lao động này khi làm việc tại các nhà máy đã nảy sinh không ít phiền hà.

Chúng tôi đến C.ty TNHH Hoàn Vũ-chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (KCN Quảng Phú) để tìm hiểu về trình độ của đội ngũ lao động. C.ty này đang dán thông báo tuyển công nhân. Ông Lưu Văn Bảy-Giám đốc c.ty thở dài, bảo: "Tuyển công nhân giống như muối bỏ bể. Họ làm việc chẳng có tính bền vững. Đến rồi đi… Đi rồi lại xin về…".

C.ty TNHH Hoàn Vũ hiện có trên 150 công nhân. Lúc trước Công ty có hơn 400 công nhân, thế nhưng "rụng" chỉ còn từng ấy người. Số lượng công nhân "gắn bó" được thế này còn đỡ, vì có thời điểm chẳng có người đến làm việc, nhất là sau Tết Nguyên đán… Vì lẽ xuất thân từ nông dân, chưa qua các lớp đào tạo, nên đội ngũ công nhân thiếu tác phong công nghiệp. Họ thích thì đến c.ty làm việc, còn không thì tự ý nghỉ ở nhà. Không riêng gì ở C.ty TNHH Hoàn Vũ mà hầu hết doanh nghiệp sản xuất ở Quảng Ngãi, nhất là ở các ngành may mặc, chế biến thủy sản-lâm sản… nhiều chủ doanh nghiệp "dở khóc, dở cười" vì đã nhận đơn đặt hàng, nhưng lại vắng bóng công nhân.

Năm nào cũng vậy, công nhân thường "nghỉ đông" sau khi ăn tết, nên nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải ngưng sản xuất. Lao động chưa qua đào tạo có mức thu nhập thấp và nghề nghiệp thiếu tính bền vững, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Nay họ làm việc nơi này, mai lại nhảy sang nơi khác và nhiều người lại quay về với thực tế thất nghiệp là chuyện thường xảy ra đối với số lao động chưa qua đào tạo. Đây là thực trạng đáng để các cơ quan chức năng và người lao động trong tỉnh lưu tâm.

Những con số "biết nói"
Con số "biết nói" đầu tiên mà chúng tôi muốn đề cập đến đó là số liệu thống kê trong  6 tháng đầu năm 2010 ở Trung tâm Giải quyết việc làm tỉnh. Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết việc làm cho 1.400 lao động. Trong số này lao động ở khu vực đồng bằng đã qua đào tạo chiếm khoảng 30%; còn ở khu vực miền núi thì chỉ có khoảng 5% lao động đã qua đào tạo. Lao động ở miền núi đăng ký tham gia xuất khẩu lao động thì 100% qua chưa đào tạo; ở đồng bằng chiếm khoảng 35%.

Tất nhiên một khi đã hoàn tất các thủ tục đăng ký xuất khẩu, người lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề. Song nêu lên đây để chúng ta thấy được rằng, trình độ tay nghề phục vụ phát triển lĩnh vực công nghiệp ở tỉnh ta còn quá khiêm tốn, nên nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề là bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Cũng trong 6 tháng qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký thất nghiệp của trên 600 lao động (chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo). Điều này cho thấy tính bấp bênh trong vấn đề việc làm đối với đội ngũ lao động thiếu trình độ chuyên môn và thiếu cả ý thức, tác phong công nghiệp.  
 
Công nhân Công ty TNHH Hoàn Vũ đang sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Công nhân Công ty TNHH Hoàn Vũ đang sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Hàng năm kinh phí Nhà nước "chia sẻ" cho công tác đào tạo nghề ở tỉnh ta gần 2 tỷ, có năm thì 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của người dân. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, 5 năm qua tỉnh ta đã trích ngân sách hỗ trợ dạy nghề cho gần 45.000 lao động. Tính đến cuối năm 2009 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chiếm 24% tổng số đối tượng trong độ tuổi lao động. So với tỷ lệ đã qua đào tạo nghề ở thời điểm năm 2005 (14,6%) thì đạt được ngưỡng 24% đã là kết quả đáng khích lệ, song so với thực tế trình độ tay nghề còn thấp kém của số đông người lao động cũng như nhu cầu được học nghề, thì tỉnh ta cần phải tăng tốc công tác hỗ trợ đào tạo nghề. Thiết nghĩ, công tác hướng nghiệp đào tạo nghề cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

*Ông Võ Duy Yên-Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh: "Cần đẩy mạnh hình thức đào tạo có địa chỉ"
Ở Quảng Ngãi hiện đang thiếu lao động thuộc các ngành cơ khí, gò hàn, động lực, song lại thừa lao động đã qua các lớp trung cấp văn phòng, tài chính-kế toán... Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta nên xem lại cơ cấu ngành nghề đào tạo, nên có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế nhu cầu tuyển dụng. Theo tôi cần đẩy mạnh hình thức đào tạo có địa chỉ, tức "đặt hàng" với nhà tuyển dụng để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi kết thúc khóa đào tạo. Tuy nhiên số lao động đã qua đào tạo ở tỉnh ta chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số đối tượng trong độ tuổi lao động.

Đối với đội ngũ lao động phổ thông thì mặc dù được các chủ doanh nghiệp tuyển dụng vào làm ở các vị trí không đòi hỏi tính kỹ thuật cao, song nguồn thu nhập thấp và thiếu tính bền vững. Thiết nghĩ, tỉnh ta cần có cơ chế, chính sách hợp lý, để khuyến khích người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề; đồng thời phải chú trọng công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ những năm học phổ thông.

 
* Ông Phạm Đăng Trương-Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh): "Rất nhiều nông dân có nhu cầu được học nghề"

Thực tiễn công tác dạy nghề cho nông dân ở tỉnh ta vẫn còn một số điểm bất hợp lý. Có những nghề mà nông dân cần được bồi dưỡng kiến thức, song lại không có trong danh mục đào tạo nghề được UBND tỉnh cho phép. Ví như hiện nay nhiều người dân có nhu cầu tham gia các lớp: nuôi gà sinh học; trồng rau an toàn; làm nấm rơm… nhưng lại không có trong danh mục nghề. Mà nếu đào tạo ngoài danh mục nghề, thì không được hỗ trợ kinh phí nên chúng tôi cũng rất khó xử… Thời buổi này nông dân phải am hiểu kiến thức chuyên môn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thì mới trụ vững được. Mà muốn vậy thì phải qua các lớp đào tạo. Chúng tôi đã về tận cơ sở để tuyển sinh và nhận thấy rất nhiều nông dân có nhu cầu được học nghề. Đề nghị tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ để đào tạo nghề cho nông dân; đồng thời sớm bố trí kinh phí để chúng  tôi mở lớp đào tạo nghề. Bây giờ đã bước sang tháng 7, song chúng tôi vẫn chưa được bố trí kinh phí của năm 2010 để tổ chức đào tạo nghề cho nông dân.

 
*Ông Lưu Văn Bảy-Chủ tịch Hiệp hội chế biến lâm sản tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Vũ (KCN Quảng Phú): “Người lao động yếu về tay nghề, thiếu về ý thức tổ chức kỷ luật...”

 Nói đến trình độ của đội ngũ lao động ở Quảng Ngãi thì theo tôi, cái mà nhà đầu tư cần thì công nhân Quảng Ngãi chưa có. Cái mà công nhân Quảng Ngãi có, thì nhà đầu tư không cần. Tỉnh ta thừa người lao động, nhưng họ lại thiếu trình độ tay nghề và tác phong công nghiệp. Bảo rằng lao động đã qua đào tạo thì từ thực tế ở các doanh nghiệp chế biến lâm sản cho thấy "trình độ tay nghề bằng 0" tức họ không qua các lớp đào tạo nghề, mà chỉ làm việc theo kiểu "tay quen". Người lao động yếu về tay nghề, thiếu về ý thức tổ chức kỷ luật, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp. Người lao động thích thì làm, không thích thì tự ý nghỉ việc. Ở tỉnh ta có hơn 10 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, thế nhưng với thực tế thiếu lao động trầm trọng như hiện nay thì khó bề sản xuất được lượng sản phẩm theo như đơn đặt hàng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp, cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2010.

P.L

.