Quyết tâm dập tắt bệnh tay chân miệng trong thời gian sớm nhất

08:08, 02/08/2011
.

(QNĐT) - Nhằm tiến đến khống chế hoàn toàn bệnh tay chân miệng trong thời gian sớm nhất, chiều 2/8, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Toản chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 30/7/2011, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận 3.288 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 5 trường hợp đã tử vong.

Bệnh được ghi nhận tại 14/14 huyện, thành phố với 145/154 xã, phường, thị trấn, trong đó 100% xã của các huyện đồng bằng có ca bệnh và 36 xã thuộc cáchuyện miền núi, hải đảo.

Các địa phương có số ca bệnh cao là: Tư Nghĩa (788), TP. Quảng Ngãi (536), Bình Sơn (464)… Trong những ngày gần đây, huyện Sơn Tịnh có số ca mắc mới tăng nhanh. Tại các huyện miền núi thì Trà Bồng có số ca mắc bệnh cao nhất (90 ca), huyện Tây Trà mới ghi nhận 7 ca và huyện Lý Sơn đã có 10 trường hợp.

Đến nay, trong 48 mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pastuer Nha Trang xét nghiệm phân lập virus gây bệnh, đã có 18 mẫu dương tính (12 mẫu dương tính với Enterovirus 71, 4 mẫu dương tính  với Coxsackievius A 16 và 2 mẫu dương tính với Enterovirus). Đặc biệt, Enterovirus 71 loại virus dễ gây các biến chứng nặng như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phủ phổi cấp và dễ dẫn đến tử vong.
 
a
Hiện khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh không còn tình trạng quá tải, trung bình chỉ còn dưới 100 ca bệnh điều trị nội trú mỗi ngày.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc phối hợp cùng ngành y tế tăng cường tập trung các nguồn lực chỉ đạo tích cực trong việc thu dung điều trị cũng như công tác truyền thông, nên người dân đã nâng cao nhận thức, có ý thức hơn trong việc cùng tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh tại gia đình và cộng đồng. Nhờ vậy, đã khống chế được sự gia tăng số ca mắc bệnh mới, bệnh đang có xu hướng giảm dần.

Đến ngày 29/7, các bệnh viện đã điều trị khỏi và xuất viện cho 3.071 trường hợp. Hiện khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh không còn tình trạng quá tải, trung bình chỉ còn dưới 100 ca bệnh điều trị nội trú mỗi ngày. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày gần đây, số bệnh nhân vào viện điều trị nội trú có chiều hướng tăng trở lại.

Ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Sở Y tế cho biết, tuy bệnh có chiều hướng giảm dần nhưng vẫn còn giao động thiếu bền vững, vì bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng kết hợp với sự giao lưu qua lại của cộng đồng, đặc biệt là vấn đề thực phẩm, cũng như nguồn nước sinh hoạt ở một số nơi bị nhiễm virus gây bệnh. Cùng một lúc có đến 3 chủng virus gây bệnh đã làm phức tạp thêm tình hình diễn biến của bệnh.

Để khống chế đến mức tối đa số ca mắc mới, quyết tâm tiến đến khống chế hoàn toàn bệnh tay chân miệng trong thời gian sớm nhất, đồng thời triển khai công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, tránh tình trạng xảy ra trường hợp “dịch kép” trên địa bàn tỉnh, cần phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nhằm khống chế và chấm dứt sự lây lan của bệnh. Sở Y tế vẫn tiếp tục dự phòng phương án thiết lập một khu vực/bệnh viện chuyên thu dung, cách ly các trường hợp mắc bệnh nếu số lượng bệnh có xu hướng gia tăng.
 
a
Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Toản phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Toản đề nghị các địa phương chỉ đạo đến tận cơ sở tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh để có những kiến thức tốt trong công tác phòng, chống bệnh, tuyệt đối không được lơ là để bệnh có điều kiện bùng phát trở lại, đặc biệt không để xảy ra thêm trường hợp tử vong.

Mặt trận, các hội, đoàn thể các cấp huy động mọi người dân tham gia vào hoạt động phòng, chống bệnh. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cần chủ động phối hợp với ngành y tế kiểm tra, giám sát bệnh ở học sinh các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học; tổ chức dọn vệ sinh trường học để chuẩn bị bước vào năm học mới “an toàn, không dịch bệnh”, tiến tới dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Ái Kiều

.