Bệnh tay - chân - miệng ở Quảng Ngãi: Vì sao thành điểm nóng?

01:07, 10/07/2011
.

Dù ngành y tế Quảng Ngãi đã triển khai quyết liệt trong công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng, nhưng có thời điểm Quảng Ngãi trở thành “điểm nóng” về bệnh này ở khu vực miền Trung? Vì sao lại như vậy?

Giãn bệnh nhân để điều trị bệnh tay - chân - miệng

Theo thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, tính từ đầu năm đã ghi nhận 1.760 ca mắc tay - chân - miệng (chỉ đứng sau TP. HCM). Trong đó có 5 ca tử vong đã cho thấy bệnh tay - chân - miệng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt số bệnh nhân tay - chân - miệng độ 3, độ 4 ở mức nguy hiểm đến tính mạng của trẻ chiếm khá nhiều. Bệnh tay - chân - miệng được ghi nhận tại 13/14 huyện, thành phố, 131/184 xã, phường, thị trấn. 100% xã của các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi đều có ca bệnh.
 
1.jpg
 
Các địa phương có số trường hợp mắc bệnh cao như huyện Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Bình Sơn… Đã có 10 mẫu dương tính, trong đó có 8 mẫu dương tính với Enterovirus 71 và 2 mẫu dương tính với Coxsackievvirus A 16. BS. Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết: Từ đầu tháng 4 đến nay đã có gần 870 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, Khoa Nhi đã thu dung điều trị khoảng 700 ca. Riêng trong những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7, mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 40-60 ca.
 
Tuy chỉ có 85 giường bệnh nhưng có thời điểm số bệnh tay - chân - miệng đang nằm tại đây là 291 ca. Vì vậy, gần như toàn bộ khu vực hành lang của khoa đã trở thành giường nằm cho bệnh nhân và người nhà. Thuốc điều trị không thiếu, thế nhưng do số lượng bệnh quá đông; trong khi đó nhân lực của khoa chỉ có 8 bác sĩ và 22 điều dưỡng, cộng với 3 điều dưỡng được tăng cường thêm là quá ít, nên hiện tất cả gần như đã kiệt sức.
 
Để giảm tải, Khoa Nhi đã đề nghị Ban giám đốc bệnh viện cho phép chuyển những ca bệnh khác như: tiêu chảy, sốt siêu vi…qua điều trị tại Khoa Nhiệt đới. Một số trường hợp mắc bệnh thông thường thì kê đơn cho về nhà, cứ sau 2 ngày đến tái khám một lần.

 Trăm dâu đổ đầu... y tế

Thời gian qua, hệ thống y tế dự phòng của tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động tư vấn, hướng dẫn và cấp 1.500kg cloramin B 2% cho 350 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình và hộ gia đình để xử lý môi trường, lau rửa nền nhà, vật dụng sinh hoạt, đồ chơi của trẻ. Tổ chức thực hiện hơn 200 đợt phun hóa chất xử lý môi trường, khử khuẩn bề mặt và hướng dẫn khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi tại các nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh hoặc có nguy cơ cao và các bệnh viện, phòng khám tư nhân định kỳ 2 lần/tuần…
 
Tuy nhiên, dù các biện pháp phòng chống bệnh tay - chân - miệng đã được triển khai ở hầu hết các địa phương, các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện nghiêm túc việc thu dung, điều trị nhưng có thực tế là vẫn còn nhiều địa phương chưa tích cực, chủ động kinh phí, huy động hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch, còn khoán trắng cho ngành y tế.

Một số bệnh viện tuyến huyện chưa thực hiện tốt việc tư vấn, hướng dẫn, động viên các gia đình có trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ an tâm ở lại tuyến huyện điều trị, nhằm giảm tải tình trạng quá tải của BVĐK tỉnh để hạn chế việc lây lan mầm bệnh từ địa phương này sang địa phương khác. Để khoanh vùng dập dịch, y tế Quảng Ngãi đã tập trung nhân lực, vật lực, tài lực cho công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế đã cấp bổ sung đầy đủ thuốc, vật tư phục vụ công tác xử lý ổ dịch, điều trị cho các đơn vị y tế tuyến huyện và điều động thêm 2 máy thở trẻ em từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đặng Thùy Trâm tăng cường cho Khoa Nhi của BVĐK tỉnh.
 
ThS. Nguyễn Tấn Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã lập đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều trường hợp nhiễm bệnh, xử lý môi trường, tổ chức phun hóa chất; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thường xuyên thông tin, hướng dẫn cho người dân về các biện pháp phòng ngừa và phát hiện bệnh.
 
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là người dân cần chủ động hơn trong việc phòng chống bệnh, nhất là ý thức vệ sinh cá nhân, môi trường xung quanh của người dân sẽ góp phần làm hạn chế nguy cơ bùng phát và lây lan của bệnh ra cộng đồng.
 
Theo SKĐS

.