Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, miền núi

07:06, 28/06/2011
.

(QNĐT) - Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp, chiều 28/6, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực báo về công tác phòng, chống bệnh trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 27/6/2011, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.936 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 5 trường hợp tử vong (TP. Quảng Ngãi 2, Tư Nghĩa 2, Bình Sơn 1).

Bệnh được ghi nhận tại 13/14 huyện, thành phố, 131/184 xã, phường, thị trấn. 100% xã của các huyện đồng bằng đều có ca bệnh. Các địa phương có số trường hợp mắc bệnh cao: Tư Nghĩa (423), TP. Quảng Ngãi (400), Sơn Tịnh (328), Bình Sơn (279)… Đã có 10 mẫu dương tính, trong đó có 8 mẫu dương tính với entero virus 71 và 2 mẫu dương tính với Coxsackiev virus A 16.

Bệnh có xu hướng tăng nhanh và diễn biến phức tạp kể từ giữa tháng 5 đến nay. Nếu tính từ 26/5-27/6, đã có thêm 1.809 trường hợp mắc mới, bình quân có 360 trường hợp mắc/tuần.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Giám  đốc BVĐK tỉnh cho biết, đến ngày 27/6/2011, lũy tích số trường hợp mắc bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện trên địa bàn tỉnh là: 1.934 trường hợp, trong đó Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh thu dung 1.147 trường hợp (chiếm 59,3%). So với thời điểm trước ngày 18/6, đến nay các bệnh viện tuyến huyện đã tích cực hơn trong việc thu dung, điều trị người bệnh.

Do số lượng ca bệnh tăng nhanh, BVĐK tỉnh vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày có từ 40-50 trường hợp mắc mới vào điều trị nội trú. Đặc biệt, trong 2 ngày 27 và 28/6, đã có 121 trường hợp mắc bệnh mới vào điều trị. Điều này, gây khó khăn cho việc chăm sóc, theo dõi diễn biến của bệnh và nhất là việc cách ly, dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Đến thời điểm này, chỉ có TP. Quảng Ngãi số ca mắc mới đang có chiều hướng giảm dần, còn các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Bình Sơn số ca mắc mới tiếp tục tăng, đáng lo ngại nhất là Tư Nghĩa. Hiện bệnh đang có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, miền núi. Số trường hợp mắc bệnh nặng dự báo sẽ tăng hơn so với trước.
 
Hiện bênh
Hiện bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp và có có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, miền núi. Vì thế, người dân cần chủ động đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú nhận hóa chất Cloramin B để khử khuẩn trong gia đình và môi trường xung quanh nhằm phòng chống sự lây lan.

Trong thời gian qua, ngành y tế đã tập trung nhân lực, vật lực, tài lực cho công tác phòng, chống dịch. Sở Y tế đã cung cấp bổ sung đầy đủ thuốc, vật tư phục vụ công tác xử lý ổ dịch, điều trị cho các đơn vị y tế tuyến huyện và điều động thêm 2 máy thở trẻ em từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đặng Thùy Trâm về cho Khoa Nhi của BVĐK tỉnh.

Ông Nguyễn Tấn Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện Sở đang xem xét đề nghị Bộ Y tế tăng cường bác sỹ từ Bệnh viện Trung ương Huế về hỗ trợ Quảng Ngãi thu dụng, điều trị bệnh nhân như chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

Sở cũng đang xem xét 2 phương án. Phương án thứ nhất là tiếp tục thu dung, cách ly, điều trị tại bệnh viện. Theo đó, cần phải sắp xếp, bố trị thêm 1 khu vực (giải phóng tầng 4, khu điều trị chuyên khoa lẻ hệ ngoại) để bố trí thêm gường bệnh, tăng cường biện pháp giám sát, bố trí lực lượng bảo vệ thực hiện nghiêm quy định về thăm nuôi, ra-vào khu vực cách ly.

Một phương án khác là thiết lập một khu vực/bệnh viện chuyên thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh trên cơ sở bố trí tại một bệnh viện tuyến huyện, có quy mô 150 - 200 gường bệnh, gần với trung tâm của tỉnh (Bệnh viện huyện Tư Nghĩa hoặc Sơn Tịnh).

Với phương án này, sẽ phải vận chuyển toàn bộ các trường hợp đang điều trị (không phải bệnh tay chân miệng) của bệnh viện tuyến huyện được lựa chọn lên BVĐK tỉnh, vận chuyển toàn bộ bệnh nhân tay chân miệng đang điều trị tại BVĐK tỉnh về bệnh viện cách ly. Điều này sẽ có khả năng gây hoang mang, lo lắng cho các gia đình có trường hợp mắc bệnh và nguy cơ trốn viện để ra ngoài điều trị có thể xảy ra.

Cũng theo ông Đức, nếu chọn phương án này, cần phải tăng cường tư vấn, giải thích, động viên đối với gia đình có trường hợp mắc bệnh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa tuyến trên và tuyến dưới trong quá trình vận chuyển, giao nhận và bố trí phân loại, thu dung bệnh nhân.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh, để nhanh chóng khống chế được bệnh, ông Hồ Minh Nên - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho hay, trong thời gian tới, hệ thống y tế dự phòng sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh, trong đó, tập trung vào việc giám sát ca bệnh và tuyên truyền hướng dẫn cho người dân, cộng đồng cách nhận biết các dấu hiệu ban đầu của bệnh, thực hiện tốt các biện pháp phòng, ngừa lây nhiễm.

Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thành phố phân công, cử cán bộ chuyên môn cùng với cán bộ y tế xã, phường về thôn, tổ dân phố cùng với nhân viên y tế thôn bản đến tận các gia đình có con dưới 5 tuổi và các nhà trẻ, mẫu giáo để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống: cách pha chế hóa chất Cloramin B 2% để xử lý môi trường, vệ sinh nhà cửa, vật dụng sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, nhất là các biện pháp rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chăm sóc, thay tả cho trẻ. 

Ái Kiều

.