Những đoàn lân nhí

09:09, 26/09/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Bên cạnh những đoàn lân chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản, những đoàn lân “nghiệp dư” như thế xuất hiện rất nhiều trên khắp các nẻo đường, mang đến một sắc màu riêng mỗi dịp Trung thu về.
 
 
Sáng tạo
 
Cứ tầm vào cuối tháng 7 Âm lịch,  trẻ em lại bắt đầu háo hức đón Trung thu. Niềm vui của các em là tự tay làm đầu lân, lồng đen, rồi lại tập nhảy múa, đánh trống. Tiếng cười nói, tiếng hò hét vang khắp nơi. Người lớn dường như cũng được đánh thức để đón một mùa Trung thu cùng các em.
 
Hạnh phúc của trẻ em thường bắt đầu khá đơn giản như vậy. Nó đơn giản như đoàn lân của con nít ở vùng quê, giản dị và khá mộc mạc. Những ngày này, hàng trăm đoàn lân như thế xuất hiện khắp các nẻo đường. 
 
Chúng tôi có dịp đi theo thưởng thức các màn biểu diễn của một “đoàn lân nhí” ở thôn Lâm Lộc Nam (xã Tịnh Hà). Đoàn lân có tên gọi “Tình bạn”, do bạn Phạm Anh Quang (13 tuổi) làm “bầu sô”, cùng 12 thành viên khác cùng là học sinh Trường THCS Nguyễn Chánh.
 
Đoàn lân nhí
Đoàn lân nhí "Tình bạn" biểu diễn dịp Trung thu về.
 
Theo quan sát, đoàn lân có ba bạn múa chính với ba con lân rực rỡ sắc màu, hai bạn nhận vai Tề Thiên, Ông Địa và một bạn đánh trống. Các thành viên còn lại giữ nhiệm vụ kéo xe, phục vụ nước non và chịu trách nhiệm thay thế khi các “nhân vật chính” đuối sức.
 
Kinh phí đoàn lân “Tình bạn” được đầu tư hơn một triệu đồng vào mùa trung thu năm ngoái. Đây là năm thứ hai các em đem lân ra sử dụng. Lần này, mỗi em lại đóng góp thêm 50 nghìn đồng để mua các dụng cụ trang trí, làm mới.
 
Lân cho con nít là những lân nhỏ và không quá "đắt đỏ". Tuy nhiên, với những đứa trẻ còn đang tuổi ăn, tuổi học như các em thì chi phí để mua lân là một vấn đề lớn. Điều này cũng đòi hỏi các em phải có kế hoạch tích góp từ trước bằng tiền ăn quà vặt, bỏ tiết kiệm. Do vậy, những gì có thể tự làm được các em đều tận dụng.
 
Em Phạm Anh Quang, bộc bạch: “Tụi em tận dụng nhiều lắm! Tụi em dùng những chiếc áo mưa phủ bề mặt trống phòng khi mưa ướt sẽ hỏng trống, rồi còn dùng lốp xe để buộc chặt áo mưa với mặt trống, mượn xe bò của ba mẹ để kéo trống, mượn gậy của bà nội cho Tề Thiên cầm. Để thêm rộn ràng, tụi em còn dùng các nắp xoong của gia đình để tạo ra âm thanh nữa đấy”.
 
Các em vận dụng tất cả những dụng cụ có sẵn để tiết kiệm chi phí.
Các em tận dụng tất cả những dụng cụ có sẵn để tiết kiệm chi phí.
 
Có lẽ, chính những sáng tạo đó mà khắp các thôn, xóm, mọi người đều hồ hởi mở cửa đón tiếp đoàn lân như một niềm may mắn vào nhà. Khi lân đang mải mê múa theo tiếng trống thì từng đoàn người đi theo cổ vũ, bàn luận về lân với một tâm trạng vui sướng. 
 
Bạn Lê Văn Hòa, thành viên của nhóm hớn hở chia sẻ: “Mỗi mùa lân, tụi em nhảy khoảng năm ngày. Mỗi ngày kiếm được khoảng 300 nghìn đồng. Số tiền lì xì có được, tụi em chia đều nhau coi như lấy lại vốn ban đầu, phần còn lại mua bánh kẹo, nước ngọt cùng nhau liên hoan”.
 
Cứ thế, các em nhảy múa từ đầu làng đến cuối xóm cho đến tối mới về. Cả người ướt đẫm mồ hôi nhưng khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ.
 
Hài hước
 
Không chỉ có mặt ở các làng quê mà khắp các phố phường ở Quảng Ngãi vẫn có rất nhiều đoàn lân con nít, bên cạnh những đoàn lân được đầu tư bài bản…
 
Một ngày cận kề rằm, dù là buổi sáng nhưng nhóm những đứa trẻ nghèo ở phường Chánh Lộ (Tp.Quảng Ngãi) vẫn say sưa biểu diễn trên trục đường Lê Lợi. Phải gọi đây là đoàn lân “siêu tí hon”. Bởi lẽ, các em phần lớn là học sinh tiểu học. Lớn nhất chỉ có em Nguyễn Can Phát (11 tuổi). 
 
Đây là năm đầu tiên các em tham gia múa lân. Không có tiền, các em chỉ dám mua được hai đầu lân khá "khiêm tốn" cùng một cái trống, tổng số tiền là 500.000 đồng. Đây là tiền do một bạn trong nhóm, nhà có điều kiện kinh tế khá giả cho mượn.
 
Một đoàn lân con nít với chú Tề Thiên ở độ tuổi mẫu giáo.
Một đoàn lân con nít với chú Tề Thiên ở độ tuổi mẫu giáo.
 
 “Thu nhập” chính của đoàn lân là từ người thân trong gia đình, họ hàng. Chủ nhà khá giả thương tình thì cho dăm ba chục ngàn, nghèo thì năm bảy ngàn cũng đủ làm hài lòng các em. “Tích tiểu thành đại”, số tiền thu được cũng kha khá.
 
Phát bảo, bạn nào có lịch học thì cứ đi học. Bạn nào rảnh thì xin gia đình đi nhảy lân. Nhóm nhảy cả ngày, kéo dài liên lục trong năm ngày. Mỗi ngày cũng kiếm được từ 100 đến 200 nghìn đồng. Với số tiền trên tụi em dự định chi lại 500.000 tiền mua lân. Phần còn lại chỉ dám rủ nhau ăn chè cho vui gọi là liên hoan, để dành năm sau mua lân lớn hơn.
 
Chị Lê Thị Thanh Thư, một chủ nhà ở đường Lê Lơi, người vừa lì xì tiền cho các em, bày tỏ: “Có nhiều đoàn lân ghé vào nhà nhưng sao tôi vẫn thích những đoàn lân con nít. Chỉ cần nhìn chúng là muốn bật cười rồi, sao mà không thương cho được chứ”.
 
Dứt lời chị Thư, chúng tôi đưa hướng nhìn về phía đoàn lân, nơi em Phát làm chỉ huy và đang hướng dẫn các bạn. “Bây giờ, mày đánh trống, thằng Quang làm ông Địa”, rồi lại “Lân ngủ đi!”,  “Leo lên ghế ngay!”, “Ông địa đâu quạt cho chủ nhà kìa!”, “Á! Rớt đuôi rồi”… Mọi người xung quanh xem lân múa mà cười giòn giã với những màn biểu diễn ngô nghê của các em.
 
Bên cạnh sự  “thương mại hóa” lân sư truyền thống, thì đâu đó, nhất là tại những vùng quê, Tết Trung thu như vẫn còn nguyên giá trị vốn có với những đoàn lân con nít. Nó đơn giản, mộc mạc nhưng không kém phần tươi vui. Người lớn dường như thấy mình trong những điệu nhảy, múa của trẻ nhỏ và hồi ức lại cái ngày xưa cũ còn cầm quạt mít, lân làm từ giấy vở, tre mành… Họ thấy yêu lũ trẻ hơn bao giờ hết, thấy Tết Trung thu với muôn phần ý nghĩa!
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu

.