Đem sức trẻ về phục vụ quê hương

08:07, 07/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều bạn trẻ dự tuyển vào Đề án tuyển 500 trí thức trẻ (Đề án 500) nguyện sẽ đem hết kiến thức và nhiệt huyết của mình giúp các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 
 
Cầm trong tay Quyết định nhận công tác về xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, em Bùi Đức Tường, tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh không khỏi bồi hồi bởi em sắp được thực hiện mơ ước của mình, đó là góp phần đem kiến thức về phục vụ quê hương.
 
Tường là một trong 15 đội viên trẻ lọt qua 172 hồ sơ để được chọn về địa phương công tác và thử thách. Tường chia sẻ: Em tốt nghiệp đại học được hơn 4 năm rồi. Sau khi ra trường em đã đi làm tại thành phố Hồ Chí Minh một thời gian với mức lương cũng ổn định. Sau đó em trở về quê hương làm ở một doanh nghiệp, tuy công việc ổn định, nhưng lại chưa phát huy hết những kiến thức mình học. Sau khi nghe tuyển dụng đề án 500, em đã đăng ký tham gia và kết quả lọt qua cả trăm hồ sơ để được chọn. 
 
Ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi trao Quyết định và động viên 15 trí thức trẻ được tuyển chọn lần này.
Ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi trao Quyết định và động viên 15 trí thức trẻ được tuyển chọn lần này.
 
Em rất vui vì được chọn và bố trí vào ngành Địa chính- nông nghiệp và Xây dựng. Đây là một trong những chuyên môn được học. Em nghĩ với những kiến thức mình đã học sẽ có ích rất nhiều cho địa phương. "Thời gian thử thách với em là 5 năm, có lẽ cũng đủ để em phát huy hết kiến thức của mình giúp địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo..." , Tường tự tin nói.
 
Trong số những trí thức trẻ được chọn lần này, có lẽ nhiều người khá ấn tượng với bạn Mai Thị Diễm, ở xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi. Tốt nghiệp loại khá ở một trường khá danh tiếng, đó là Trường Đại học Bách khoa- Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu nói tìm được một việc làm có thu nhập tương đối với em ở thành phố Hồ Chí Minh thì quả thật không khó, thế nhưng nhưng em vẫn quyết về quê và nộp đơn dự tuyển vào Đề án 500 để thực hiện ước mơ của mình.  Kết quả, em được chọn và bố trí về công tác tại xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, với lĩnh vực vực Địa chính- nông nghiệp-xây dựng và môi trường.
 
Diễm chia sẻ: Ngành học của em là quản lý và công nghệ môi trường, nên em thấy được chọn và bố trí công việc như thế là rất phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Là con gái, tuy chưa quen với sóng gió khi đi biển, nhưng em nghĩ rồi cũng sẽ quen. Khi em nộp hồ sơ thì em xác định, nếu được chọn thì cho dù ở đồng bằng, miền núi hay hải đảo thì em cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ và sẽ phấn đấu hết khả năng của mình để làm tốt nhiệm vụ được giao. Thời gian thử thách với em là 5 năm, tuy không dài, nhưng cũng đủ để chúng em phát huy hết được khả năng cũng như làm quen được với vùng đất mà chúng em được chọn để về công tác.
 
Còn em Đinh Văn Nghiệp (sinh năm 1991), dân tộc H're, quê ở xã Long Sơn, huyện Minh Long. Tốt nghiệp Học viện hành chính, chuyên ngành Thanh tra. Mong muốn lớn nhất của em sau khi tốt nghiệp là được vế quê hương công tác và rồi ước mơ đó của em đã trở thành hiện thực và giờ đây em được chọn và bố trí về công tác tại chính quê hương của mình.
 
Em nghiệp tâm sự: Mình sinh ra và lớn lên ở xã miền núi nghèo Long Sơn, chính vì vậy hơn ai hết mình hiểu được phong tục tập quán cũng như những gì người dân ở quê mình cần. Khi tham gia đăng ký vào đề án và lại được bố trí về địa phương công tác quả là một đặc ân quá lớn với mình, vì vậy không có lý do gì mà mình không nỗ lực để đem những kiến thức của mình đã học để phục vụ quê hương, giúp người dân quê mình. 
 
Ông Trần Văn Thanh- Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho biết, trong đợt này, Quảng Ngãi tiếp nhận 172 hồ sơ tham dự đề án, qua xem xét, sàng lọc và tuyển chọn, Hội đồng đã tuyển chọn được 15 hồ sơ, đây phần lớn là những hồ sơ đáp ứng được yêu cầu tại các địa phương. Sau khi được lựa chọn, các trí thức trẻ này đã qua hơn 2 tháng tập trung bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, các kỹ năng cần thiết và đi tế tại cơ sở. 15 đội viên trí thức trẻ được bố trí về các xã khó khăn của 9 huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng và Lý Sơn. 
 
Tuy nhiên các em được chọn lần này có thời gian thử thách là 5 năm. Trong thời gian 5 năm các em sẽ được nhận đầy đủ các chế độ tiền lương, trợ cấp và các khoản khác... Tuy nhiên, nếu trong thời gian 5 năm mà các em không phát huy được những kiến thức đã học, không đáp ứng được yêu cầu phát triển tại địa phương như đề án thì các em sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.