Triệu phú Hrê tuổi 30

01:03, 19/03/2013
.

(QNg)- Theo chỉ dẫn của người dân thôn Nước Như, xã Ba Xa (Ba Tơ), chúng tôi tìm đến nhà của anh Phạm Văn Him - căn nhà ngói khang trang nằm ngay trên trục đường chính của xã Ba Xa. Nhìn cơ ngơi bề thế mà vợ chồng anh gầy dựng, ít ai biết được rằng 2 năm về trước, gia đình anh vẫn còn nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương.

Nhớ lại kỷ niệm ngày còn gian nan, anh Phạm Văn Him tâm sự: "Ngày đó, nhà mình ở tít trong xóm, lại là nhà vách đất chứ không rộng rãi, chắc chắn như thế này đâu. Hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn, ai gọi cũng đi làm, nhưng cơm bữa đói bữa no, khổ sở lắm!".

Chị Phạm Thị Tranh đang chăm sóc đàn heo.
Chị Phạm Thị Tranh đang chăm sóc đàn heo.


Không can tâm sống mãi trong đói nghèo, anh Him bàn với vợ bán 2 con trâu mà cha mẹ cho để làm vốn lận lưng. Hai vợ chồng anh quyết định dùng số tiền này chăn nuôi heo kiếm lãi. Không đi theo "lối mòn"  nuôi heo thả rông như bà con trong thôn, anh Him cẩn thận xây dựng chuồng trại kiên cố. Vốn liếng còn lại bao nhiêu, gia đình anh mua 30 con heo giống. Mạnh dạn đầu tư nên sau chưa đầy 4 tháng, đàn heo đã đạt trọng lượng hơn 50kg/con, mang về cho gia đình anh gần 60 triệu đồng.

Sau một năm chăn nuôi heo, có được số vốn kha khá, vợ chồng anh Him quyết định đầu tư trồng keo để kiếm thêm thu nhập. Cất công tìm mua cây giống và học hỏi cách chăm sóc, gia đình anh Him đầu tư 4 triệu đồng để mua giống cây keo lai. Không thuê nhân công, hai vợ chồng anh ngày nào cũng vác cuốc, vác rựa vào rẫy để đào hố trồng cây. Kiên trì từ ngày này sang ngày khác, cuối cùng vợ chồng anh cũng trồng xong gần 4ha keo lai trên đất đồi.

Thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài", bên cạnh việc tập trung chăm sóc 4 ha keo lai, vợ chồng anh Him vẫn duy trì đàn heo hơn 30 con và trồng thêm 2 ha mì, 2 sào lúa nước. Chị Tranh còn chịu khó mua thêm máy xay xát vừa để tranh thủ kinh doanh, vừa phục vụ chăn nuôi, mỗi năm thu về tầm 4-5 triệu đồng. Có chị Tranh "đảm việc nhà", anh Him cũng quyết tâm không phí thời gian nhàn rỗi. Ngoài thời gian chăm sóc keo và mì trên rẫy, anh Him bỏ vốn ra thu mua lại vườn keo sắp thu hoạch của người khác về tự thu hoạch và bán lại cho thương lái để "lấy công làm lời".

Từ các nguồn thu, hiện nay bình quân mỗi năm gia đình anh có từ 200-250 triệu đồng. Ngôi nhà ngói đầy đủ tiện nghi của anh nay đã trở thành nơi tụ họp của bà con trong thôn. Ai nấy đều thán phục sự kiên trì, chịu khó của đôi vợ chồng trẻ có tuổi đời chưa đến 30 này nên đến để học hỏi và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Anh Phạm Văn Đinh, một người dân thôn Nước Như bộc bạch: "Mình sang nhà nó chơi để học hỏi gia đình nó, rồi về làm theo. Thấy nhà nó không thả heo đi rông ngoài đường, mà thu về tiền triệu, nhà mình giờ cũng làm theo rồi. Cứ chịu khó làm ăn như vợ chồng nó, thế nào cũng thoát đói, thoát nghèo thôi!".


Bài, ảnh: Ý THU
 


.