Tình nguyện "vượt biên giới"

01:07, 26/07/2012
.

(QNg)- Gần một tháng gắn bó với người dân xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đã để lại những ấn tượng đẹp về miền đất đầy nắng gió và còn nghèo khó của Quảng Ngãi trong lòng 24 học sinh tình nguyện Mỹ. Những ngôi nhà nhân ái được xây dựng không chỉ mang lại niềm vui cho những thanh thiếu nhi nghèo, mà đó còn là niềm vui của những bạn học sinh tình nguyện Mỹ.

Trong cái nắng như đổ lửa của miền Trung trong những ngày hè, nhưng các học sinh tình nguyện vẫn hăng hái đội nắng xây nhà cho các gia đình thanh thiếu nhi nghèo. Được trực tiếp tham gia xây nhà, những bạn học sinh tình nguyện Mỹ ai cũng hồ hởi. Những thợ hồ không chuyên làm việc rất hăng say, người thì sàng cát, người khuân vác gạch, người trộn hồ... Aja Beckham (1995) - một học sinh tình nguyện Mỹ cho biết: "Với chúng em thì công việc xây nhà rất khó. Thế nhưng, được sự giúp đỡ của những người thợ xây, chúng em đã không ngại khó học hỏi và sau vài ngày nhiều bạn đã biết cầm bay xây nhà. Với em, đến đây trực tiếp giúp người dân làm nhà quả là một niềm hạnh phúc được góp một phần công sức nhỏ bé giúp đỡ các em thanh thiếu nhi còn nghèo khó".

Anh Trần Quang Tòa- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Những học sinh tình nguyện này thuộc Tổ chức Putney Students Travel (Mỹ) tham gia hoạt động tình nguyện quốc tế tại Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên mà là năm thứ 6 các học sinh, sinh viên tình nguyện Mỹ đến với vùng đất Quảng Ngãi để giúp đỡ, xây tặng những ngôi nhà nhân ái cho thanh thiếu nhi nghèo. Đến thời điểm này đã có 24 ngôi nhà nhân ái và một trường mẫu giáo được xây dựng, riêng trong năm 2012 các bạn học sinh tình nguyện Mỹ đã trực tiếp đóng góp ngày công và hỗ trợ xây dựng 4 ngôi nhà nhân ái (3 ngôi nhà ở Bình Thạnh, 1 ngôi nhà ở Nghĩa An, Tư Nghĩa) với tổng trị giá 120 triệu đồng. Điều đáng quý là số tiền này điều do các bạn học sinh tình nguyện đóng góp.

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, đây là lần đầu tiên Camilla Fay (1995) tham gia tình nguyện hè tại Việt Nam, chia sẻ những cảm xúc về đợt tình nguyện hè này. Camilla Fay cho biết: "Trước đây mình chỉ biết Việt Nam qua thông tin đại chúng và sách báo. Giờ đến đây được sống và giao lưu mình thấy người dân Việt Nam rất thân thiện và gần gũi". Tuy mới ngày đầu đến Quảng Ngãi còn nhiều bỡ ngỡ trong sinh hoạt, giao tiếp, chưa quen với các món ăn, nhưng sau thời gian ngắn các bạn đã dần quen.

Sau những ngày lưu lại vùng đất Quảng Ngãi, được tiếp xúc, chuyện trò với con người ở đây, Erika Jimenez (1995) chia sẻ: "Rào cản lớn nhất của các bạn là ngôn ngữ. Mỗi thành viên đều nghĩ ra những cách riêng để giao tiếp. Khắc phục rào cản về ngôn ngữ, các bạn và người dân địa phương đã dần làm quen được với  nhau. Ở vùng nông thôn này, người dân còn nghèo nhưng sống với nhau rất chân tình. Họ xem chúng mình như người nhà và có món gì ngon họ cũng đem cho. Những ngày sống ở đây mình được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của người dân địa phương, trong đó mình rất thích món bánh xèo. Mình đã được người dân hướng dẫn cách làm, khi về nước mình sẽ làm để mọi người trong nhà thưởng thức. Có lẽ những ngày tình nguyện ở Quảng Ngãi đối với chúng mình sẽ là những kỉ niệm đẹp. Nếu có cơ hội năm sau mình sẽ quay trở lại".

Ngoài tham gia tình nguyện hè để giúp đỡ người dân địa phương, các bạn học sinh tình nguyện Mỹ còn giao lưu văn hóa- văn nghệ, gặp gỡ với thanh thiếu nhi, nhân dân địa phương; ôn tập hè tiếng Anh cho học sinh THCS và THPT trên địa bàn; tham quan, du lịch các thắng cảnh, địa danh và di tích lịch sử... Điều đặc biệt, hoạt động tình nguyện của các bạn học sinh Mỹ không đơn thuần chỉ là hỗ trợ giúp đỡ, mà còn có một ý nghĩa lớn hơn là sợi dây kết nối, tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc, kết nối giữa hai thế hệ trẻ Việt Nam và Mỹ. Và cũng chính những học sinh tình nguyện này sẽ là một nhịp cầu nối để giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.  


                    Đức Lê
 


.