Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh: Nơi thể hiện tài năng của CNVCLĐ

10:11, 11/11/2011
.

(QNg)- Qua 7 lần tổ chức, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã thật sự trở thành sân chơi thú vị, là nơi thể hiện tài năng, trí tuệ và tình yêu lao động của CNVCLĐ. 

Hội thi lần thứ 7 (2010 - 2011) có 43 giải pháp dự thi thuộc 6 lĩnh vực, gồm: Công nghệ thông tin; điện, điện tử, viễn thông; cơ khí, tự động hóa; vật liệu, hóa chất, năng lượng; y dược; môi trường và lĩnh vực khác. Trong số các giải pháp dự thi có 34 giải pháp là của CNVCLĐ. Hầu hết các giải pháp dự thi của CNVCLĐ đều có sự đầu tư, chuẩn bị khá công phu, trình bày rõ ràng, cụ thể, nội dung đi sâu vào phần đánh giá kỹ thuật sát với yêu cầu thể lệ hội thi. Nhiều giải pháp đã thể hiện sự nỗ lực sáng tạo của các tác giả, bám sát nhu cầu sản xuất của địa phương, đơn vị. Một số giải pháp có tính đột phá, táo bạo trong việc giải quyết bài toán kỹ thuật, đặt kỳ vọng cao vào mục đích phục vụ sản xuất và đời sống.
 
 
Mô tả giải pháp "Thiết kế, cải tạo tủ điều khiển tương thích dao cắt phụ tải loại DAS 27 để điều khiển đóng cắt cụm bù trung áp"  của nhóm tác giả Phạm Ngọc Huấn (C.ty Điện lực Quảng Ngãi).
Mô tả giải pháp "Thiết kế, cải tạo tủ điều khiển tương thích dao cắt phụ tải loại DAS 27 để điều khiển đóng cắt cụm bù trung áp" của nhóm tác giả Phạm Ngọc Huấn (C.ty Điện lực Quảng Ngãi).

Lần đầu tiên dự thi, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn "trình làng" 7 giải pháp về các lĩnh vực vật liệu, hóa chất, năng lượng, cơ khí, tự động hóa. Nổi bật nhất là giải pháp "Quy trình phối trộn xăng nhằm nâng cao hiệu suất xăng thương phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất" của nhóm tác giả Bùi Đức Việt và giải pháp "Phân bố tối ưu phụ tải cho hệ thống lò hơi và tuốcbin trong phân xưởng nhiệt điện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất" của tác giả Nguyễn Trọng Hà.

Cũng ở các lĩnh vực này, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina giới thiệu 8 giải pháp, trong đó giải pháp "Chế tạo máy làm sạch gỉ sắt đầu ống thép chịu lực" của nhóm tác giả Đỗ Đức Vinh có ưu điểm vượt trội. Trong các giải pháp dự thi, có nhiều giải pháp đã thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng và hiệu quả cao. Tiêu biểu như giải pháp "Sử dụng Streptokinnase trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp tại tỉnh Quảng Ngãi" của nhóm tác giả Huỳnh Thị Mỹ Hương (Bệnh viện đa khoa tỉnh). Hiện nay, bệnh nhồi máu cơ tim cấp là bệnh có tiên lượng nặng và tỷ lệ tử vong cao.

Nguyên nhân là do mạch máu nuôi dưỡng cơ tim (mạch vành) bị tắc nghẽn do cục máu đông dẫn đến hoại tử mô cơ tim. Các phương thức điều trị đang được tiến hành tại Bệnh viện đa khoa tỉnh là điều trị nội khoa mang tính nâng đỡ đợi cơ tim phục hồi thành sẹo, xử lý các biến chứng kèm theo. Tính mới của giải pháp này là điều trị chuyên sâu để tái lưu thông mạch vành bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Kỹ thuật tiêm thuốc tiêu sợi huyết tuy đơn giản, nhưng vì thuốc có nhiều tác dụng phụ đáng lo ngại, nên nhiều năm liền được sử dụng thận trọng và cân nhắc. Sau khi giải pháp tiêm thuốc tiêu sợi huyết được triển khai và giám sát chặt chẽ đã cho kết quả khả quan, tỷ lệ bệnh nhân ổn định xuất viện đạt trên 89,5%. Giải pháp có khả năng áp dụng vì đơn giản, tiện lợi không đòi hỏi phải có trang thiết bị phức tạp như can thiệp mạch vành phù hợp với điều kiện hiện tại của bệnh viện.

Thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm trong chuyên khoa tim mạch và luôn được đào tạo nâng cao nghiệp vụ về điều trị thuốc tiêu sợi huyết cũng là một trong những yếu tố quan trọng để triển khai giải pháp thành công (trên 73,7%). Lợi ích kinh tế- xã hội của giải pháp là tác dụng phụ của thuốc không đáng kể, giúp người bệnh có thể tiếp tục thực hiện can thiệp mạch vành một cách thuận lợi khi chuyển đến các trung tâm tim mạch chuyên sâu, hạn chế đến mức tối đa các biến chứng nguy kịch. Trước năm 2010, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh nhồi máu cơ tim cấp được điều trị theo y văn thế giới, tỷ lệ tử vong 20 - 30%; khi triển khai giải pháp này tỷ lệ tử vong chỉ còn khoảng 10,5%.
     
Tại Nhà máy nước khoáng Thạch Bích (C.ty cổ phần Đường Quảng Ngãi), kỹ sư Tạ Hoàng Ngọc Thụy và cộng sự đã triển khai giải pháp "Thiết kế và chế tạo máy nâng lon cho dây chuyền lon Sima" đã nâng cao năng suất sản xuất, hạn chế sản phẩm hư hỏng. Tính mới của giải pháp là đã thiết kế máy nâng lon tự động phù hợp với palet lon hiện có. Palet lon đưa vào máy qua hệ thống băng tải con lăn, được nâng lên tự động bằng truyền động xích. Lon được gạt qua băng tải bằng bộ truyền tự động. Ưu điểm của giải pháp này là vật liệu chế tạo đơn giản, máy gọn nhẹ, vận hành an toàn, khả năng áp dụng và hiệu quả kinh tế, loại bỏ sự ảnh hưởng của sức khỏe, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành thủ công và mua máy, giảm chi phí đầu tư lắp đặt trong một năm trên 3,3 tỷ đồng.

Ở hội thi lần thứ 7, nhiều tác giả kỳ cựu trong lĩnh vực này cũng giới thiệu các giải pháp mới, được Hội đồng giám khảo đánh giá cao. Nhóm tác giả Phạm Ngọc Huấn (C.ty Điện lực Quảng Ngãi) có giải pháp "Thiết kế, cải tạo tủ điều khiển tương thích dao cắt phụ tải loại DAS 27 để điều khiển đóng cắt cụm bù trung áp" làm lợi 287 triệu đồng. Tác giả Nguyễn Vĩ Thiên có 2 giải pháp mới là "Sử dụng nguồn cát trắng thạch anh tại khu vực Chu Lai- Tam Kỳ để đầm tường lò đúc trung tần thay thế cho sạn đầm lò chuyên dụng" và giải pháp "Thiết kế chế tạo máy phay gỗ đa năng mang lại hiệu quả cao trong gia công nghề mộc dân dụng". Nhóm tác giả Trần Quang Khải (Trường THCS Nguyễn Bá Loan- Mộ Đức) với giải pháp "Thiết bị bàn quay số ngẫu nhiên phục vụ giáo dục ngoài giờ"...

Ghi nhận thành quả lao động sáng tạo của CNVCLĐ, ngoài phần thưởng và giấy khen của Ban tổ chức Hội thi, các giải pháp của CNVCLĐ đoạt giải nhất, nhì, ba còn được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen và đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo.    

    Bài, ảnh: KIM HUỆ

.